Quân đội với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3- Sáng ngời phẩm chất vì dân của Bộ đội Cụ Hồ
Bão số 3-siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền. Không chỉ có sức tàn phá ghê gớm, hoàn lưu bão còn gây ra thảm họa lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở miền Bắc. Thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, Quân đội đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn nắm chắc tình hình, dự báo chính xác, điều động lực lượng, phương tiện, lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Qua thiên tai, dịch bệnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng thêm tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Theo dõi chặt, nhận định đúng, tham mưu kịp thời
Hình thành trên Biển Đông ngày 5-9, bão số 3 liên tục mạnh lên thành siêu bão với cường độ cấp 15-16, giật cấp 17-18. Chiều 7-9, tâm bão quét qua Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 12-13, giật cấp 14-15, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với hai địa phương và các tỉnh, thành phố lân cận trên địa bàn Quân khu 3 và Thủ đô Hà Nội. Hoàn lưu bão gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên... Hậu quả làm hàng trăm người chết và mất tích, nhiều làng bản bị lũ cuốn trôi, sạt lở đất vùi lấp; nhiều khu vực bị cô lập, nhiều tài sản, công trình bị hủy hoại, cuộc sống của nhân dân bị đe dọa, ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Nhận rõ sự nguy hiểm của bão số 3, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã chỉ đạo toàn quân chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó; tổ chức điều động lực lượng, phương tiện phòng, chống, khắc phục hậu quả, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, giảm thiểu thiệt hại.
Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: VIỆT TRUNG
Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thuộc Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, cho biết: “Trước khi bão số 3 hình thành trên Biển Đông, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đã ứng trực 24/24 giờ, theo dõi sát sao, phân tích, đánh giá khả năng, mức ảnh hưởng đối với Việt Nam. Ngày 2-9, Văn phòng có công văn chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống; đề nghị ban chỉ huy phòng thủ dân sự-phòng chống thiên tai và TKCN các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả”.
Theo dõi sát diễn biến bão số 3, nắm chắc tình hình mọi mặt, ngày 3-9, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã ban hành công điện đầu tiên gửi các cơ quan, đơn vị, nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng triển khai những biện pháp ứng phó với bão; duy trì nghiêm chế độ trực; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó; điều động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh (BTL) các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5 chỉ đạo bộ CHQS các tỉnh, thành phố; BTL Thủ đô Hà Nội chỉ đạo ban CHQS các quận, huyện, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương những giải pháp phòng, chống; thành lập các đoàn kiểm tra các mặt công tác phòng, chống bão số 3; rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình và di dời khỏi khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão...
BTL Bộ đội Biên phòng (BĐBP) chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định phối hợp với bộ CHQS các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu thuyền; triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên biển, cửa sông, ven bờ; tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Quân chủng Hải quân, BTL Cảnh sát biển (CSB) chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn đối với phương tiện làm nhiệm vụ trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Quân chủng Phòng không-Không quân và Binh đoàn 18 sẵn sàng bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; BTL các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng; các học viện, nhà trường, tổng công ty chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn kịp thời; các tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai.
Ứng phó kịp thời, vận hành hiệu quả
Để Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, ngày 6-9, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3; yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3; kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận, xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ.
Với tinh thần chủ động, đồng bộ, trước, trong và sau cơn bão, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã ban hành 15 công điện chỉ đạo toàn quân, nhất là các đơn vị trên địa bàn chịu ảnh hưởng của bão; yêu cầu các cơ quan, đơn vị vừa duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, vừa tổ chức lực lượng, phương tiện kịp thời có mặt ở những nơi xảy ra sự cố, xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan chức năng đã tham gia 8 đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão. Đồng thời, tổ chức 5 đoàn công tác tới các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát khu vực trọng yếu để điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3, 4 và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Từ ngày 8-9, bão và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn cục bộ làm mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh và vượt báo động 3. Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm, lên mức 35,73m (16 giờ ngày 10-9), trên mức báo động 3 là 3,73m (vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m). Cùng với đó, lũ trên hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm qua. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình... cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên diện rộng và nhiều nơi vượt ngưỡng. Thống kê cho thấy có 20/25 tỉnh, thành phố phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3 trên phố Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: VIỆT TRUNG
Mưa lớn đã gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hòa Bình... đòi hỏi phải huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện. Trong khi đó, điều kiện địa hình, giao thông chia cắt do sạt lở, ngập lụt; mất điện trên diện rộng, thông tin liên lạc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Bằng sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án, với công tác huấn luyện chặt chẽ, sự vào cuộc chủ động, đồng bộ, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy “4 tại chỗ”, đồng thời điều động lực lượng khẩn trương cơ động giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Bộ tư lệnh Quân khu 1 cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Bộ tư lệnh Quân khu 2 điều động gần chục nghìn bộ đội và dân quân, gần 200 phương tiện phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát (Lào Cai); Lục Yên (Yên Bái); Thanh Thủy và Tam Nông (Phú Thọ), hỗ trợ nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ tư lệnh Quân khu 3, Quân đoàn 12 điều động hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ (bộ đội và dân quân), hàng trăm phương tiện giúp nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn khắc phục hậu quả. Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, BTL Thủ đô Hà Nội, BĐBP, CSB... cũng huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp kêu gọi tàu thuyền, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, cứu hộ cứu nạn đồng bào gặp nguy hiểm, ổn định đời sống nhân dân trên tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3.
Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Khẳng định hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, vai trò của cơ quan quân sự trong tham mưu, chỉ huy các lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng rất xúc động khi Quân khu 1 và các đơn vị Quân đội kịp thời tăng cường lực lượng giúp địa phương khắc phục hậu quả. “Trong thiên tai, dịch bệnh, Quân đội luôn là điểm tựa vững chắc của đồng bào. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không bao giờ quên hình ảnh bộ đội, dân quân không quản hiểm nguy băng đèo, vượt suối đến với nhân dân những lúc nguy nan nhất. Đồng bào các dân tộc Cao Bằng mãi mãi khắc ghi tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Lào Cai là địa phương bị thiệt hại nặng nhất bởi bão số 3. Để công tác khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, Bộ tư lệnh Quân khu 2 thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên do Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia TKCN, khắc phục hậu quả. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã hành quân trong đêm phối hợp với lực lượng tại chỗ và tăng cường của BĐBP, tổ chức TKCN, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. “Các khu vực xảy ra lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, mất thông tin liên lạc nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có Quân khu 2 và các đơn vị Quân đội ứng cứu, nếu không có sự hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ thì Lào Cai không thể vượt qua nỗi đau, mất mát quá lớn này”, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định.
Còn ông Bùi Tiến Quang, thuyền trưởng tàu cá QNg 98019 TS, ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) xúc động bảo rằng, ông cùng các thuyền viên như được sinh ra lần thứ hai, bởi ngay sau khi ông cho tàu ra ngư trường Bạch Long Vĩ thì bão số 3 ập về. Không quản hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 1 đã xuyên đêm, xuyên bão ứng cứu kịp thời. Các tổ công tác của Vùng CSB 1 còn vượt sóng gió, hướng dẫn các tàu cá, tàu thương mại vào khu vực tránh trú an toàn, đồng thời tham gia giải cứu hàng trăm người dân mắc kẹt tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển.
Bão số 3 khiến hệ thống viễn thông, internet tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc bị gián đoạn. Trước tình hình đó, Binh chủng Thông tin liên lạc chỉ đạo cơ quan và các Lữ đoàn 134, 205 cùng lực lượng thông tin Quân khu 3 triển khai bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ chỉ đạo phòng, chống lụt bão, TKCN; triển khai tổng trạm thông tin Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3, bảo đảm cho chỉ đạo, điều hành các tỉnh, thành phố ứng phó với bão, kết nối liên lạc đầy đủ các thành phần vô tuyến điện, hữu tuyến điện, radio trunking, truyền hình tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão. Lữ đoàn 205 cũng triển khai, bảo đảm kết nối truyền hình từ Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng tới Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3, triển khai các xe thông tin cơ động sẵn sàng phục vụ đoàn công tác của Chính phủ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác ứng phó với các tình huống của bão số 3 tại thực địa.
Có thể thấy rõ, đối phó với bão số 3, Quân đội đã chủ động về lực lượng, phương tiện, phương án. Cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước, trong và sau bão, toàn quân tổ chức trực gần 359.000 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có gần 75.000 bộ đội, hơn 284.000 dân quân tự vệ) cùng hơn 5.320 phương tiện (ô tô, xe đặc chủng, tàu, xuồng, máy bay). Điều động, sử dụng gần 144.000 cán bộ, chiến sĩ (gần 61.000 bộ đội, hơn 83.000 dân quân tự vệ) hơn 3.200 phương tiện TKCN, phối hợp với các lực lượng, sử dụng các biện pháp quyết liệt tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, Quân đội còn hỗ trợ nhân dân trong vùng bị thiệt hại gần 60 tấn hàng hóa thiết yếu; sử dụng trực thăng vận chuyển hàng hóa cứu trợ người dân ở khu vực bị cô lập trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3; vận chuyển 100 tấn gạo do Chính phủ cấp hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh. Trên mặt trận tuyên truyền, Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội kịp thời thông tin về diễn biến bão số 3, tình hình mưa lũ sau bão để người dân chủ động có phương án ứng phó; các hoạt động của bộ đội, dân quân tự vệ và những tấm gương điển hình giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân, toàn quốc.
Đúng như chỉ đạo của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3: “Tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”, bộ đội và dân quân đã chủ động đến với nhân dân, giúp nhân dân phòng, chống, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão số 3. Mặc dù sức tàn phá của bão số 3 rất khủng khiếp nhưng Quân đội đã khẳng định bản lĩnh, trình độ, tình cảm và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, bảo vệ tính mạng, tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.