Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ trên địa bàn tỉnh.
Đó là nội dung tại Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 15/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ được nâng lên. Cơ quan điều tra (CQĐT), VKSND, TAND 2 cấp đã chú trọng thực hiện việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và đạt được kết quả tích cực; công tác phối hợp liên ngành để giải quyết các vụ án, vụ việc khi lý do tạm đình chỉ không còn hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tăng cường. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng để từng ngành hoàn thành nhiệm vụ chung và các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ đang quản lý còn nhiều, nhất là ở cấp huyện; các vụ việc tạm đình chỉ chưa xác định được đối tượng và các vụ án chưa xác định được bị can có chiều hướng tăng; nhiều vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi chính sách pháp luật hành vi không còn là tội phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời. Công tác theo dõi, quản lý, lưu trữ hồ sơ một số vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ còn sơ sài, chưa khoa học; có vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ nhưng căn cứ chưa đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; tỉ lệ vụ án, vụ việc được phục hồi giải quyết hằng năm thấp hơn so với số phát sinh mới. Tình hình trên có nguyên nhân khách quan do tội phạm gia tăng hằng năm và sử dụng thủ đoạn tinh vi để che giấu nên khó khăn trong xác định đối tượng phạm tội để xử lý; có một phần nguyên nhân chủ quan do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tự kiểm tra của một số cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan tư pháp đối với công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ chưa được quan tâm đúng mức.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh, Ban cán sự đảng TAND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ trên địa bàn và trong từng cấp, từng ngành; trong đó, tập trung chỉ đạo tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thông tư liên tịch, hướng dẫn của liên ngành Trung ương và quy chế, quy định của từng ngành liên quan đến công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ. Rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp liên ngành tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện trong việc quản lý, giải quyết vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ.
Chỉ đạo CQĐT, VKSND, TAND 2 cấp thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ hiện đang quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất vụ án, vụ việc tạm đình chỉ phát sinh mới. Chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phục hồi giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ để xử lý tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều tra viên, kiểm sát viên tăng cường phối hợp ngay từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý nguồn tin về tội phạm; các căn cứ thụ lý nguồn tin về tội phạm, căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định ngay từ đầu. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh để giải quyết triệt để các nguồn tin về tội phạm, các vụ án ngay từ khi thụ lý, khởi tố, tránh giải quyết kéo dài dẫn đến phải tạm đình chỉ.
Đối với các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra, CQĐT phải chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương xác định đối tượng, bị can để xử lý; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc tạm đình chỉ do chưa rõ đối tượng, vụ án chưa xác định được bị can; kiềm chế sự gia tăng số vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ phát sinh mới. VKSND 2 cấp chủ động phối hợp, đôn đốc CQĐT cùng cấp trong quản lý, giải quyết vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ; tổ chức kiểm sát chặt chẽ căn cứ tạm đình chỉ theo đúng quy định.
Khi áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn phải bảo đảm chính xác, có căn cứ, đúng quy định, không để bị can, bị cáo được áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn (thay thế, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam) sau đó bỏ trốn dẫn tới phải tạm đình chỉ. Quản lý, kiểm tra, kiểm sát chặt chẽ việc ban hành các thủ tục truy nã bị can, bị cáo và công tác quản lý hồ sơ đối tượng truy nã chưa bắt được; tích cực tổ chức truy tìm đối tượng bỏ trốn, truy bắt bị can, bị cáo truy nã; tăng cường công tác quản lý đồ vật, tài sản, vật chứng đã thu giữ và việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế (kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản) trong các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ.
Chủ động đôn đốc, yêu cầu cơ quan giám định, định giá và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có kết quả trả lời trong thời hạn quy định. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền đôn đốc hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự để sớm nhận được hồi đáp.
Thường xuyên phối hợp kiểm tra, đánh giá hồ sơ vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ, kịp thời ra quyết định không khởi tố vụ án đối với vụ việc, quyết định đình chỉ đối với vụ án hình sự tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do có sự thay đổi của pháp luật hành vi không còn là tội phạm.
Tăng cường các biện pháp quản lý, lưu trữ hồ sơ vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ, bảo đảm các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định. Xây dựng quy trình quản lý và lưu trữ hồ sơ tạm đình chỉ khoa học, đầy đủ để phục vụ cho công tác phục hồi, rà soát căn cứ tạm đình chỉ.
Định kỳ hằng tháng, 6 tháng, 01 năm, VKS chủ trì, phối hợp với CQĐT, TA cùng cấp tổ chức rà soát, phân loại vụ án, vụ việc tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý để thống nhất về số liệu và xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê. Trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại, tùy từng trường hợp cụ thể, CQĐT, VKS, TA kịp thời thống nhất quan điểm, biện pháp xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Ban Thường vụ, Thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan tư pháp cùng cấp trong công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ trên địa bàn.
Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh, Ban cán sự đảng TAND tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo CQĐT, VKS, TA 2 cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này.
Giao Ban cán sự đảng VKSND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện.