Nhức nhối nạn lừa đảo trên không gian mạng
Các thủ đoạn lừa đảo không mới, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn không ít người dễ dàng trở thành nạn nhân trên không gian mạng với sự cả tin, thiếu cảnh giác, tham lam.
Từ nạn nhân thành tội phạm
Cơ quan CSĐT CA tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Lệ Chi (SN 1989, ở TP Quy Nhơn) vì liên quan đến hành vi tham ô tài sản để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng nói, số tiền mà chị Chi tham ô dùng để chuyển cho các đối tượng lừa đảo. Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 21.4, trong lúc lướt Facebook thấy có fanpage “Kun Marathon - 2024” diễn ra vào tháng 6.2024 tại TP Quy Nhơn, chị Chi đã đăng ký cho 2 con và 1 cháu tham gia. Tuy nhiên, thực tế đây là một fanpage lừa đảo. Sau khi đăng nhập vào fanpage, thực hiện theo các bước mà tội phạm lừa đảo hướng dẫn, chị Chi đã bị lừa mất hơn 30,2 tỷ đồng.
Ngoài khoảng 4 tỷ đồng của cá nhân và vay mượn từ gia đình, bạn bè, toàn bộ số tiền còn lại chị Chi đã lấy của cơ quan nơi đang làm việc. “Vì mong muốn lấy lại tiền, cộng thêm sự hối thúc liên tục của các đối tượng nên tôi đã không kịp suy xét. Tôi đã sử dụng nghiệp vụ kế toán để thực hiện các lệnh chuyển tiền của cơ quan vào tài khoản cá nhân. Thật tâm khi đó tôi chỉ muốn lấy lại phần nào số tiền đã chuyển”, chị Chi khai nhận.
Liên quan đến vụ án này, theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), qua công tác điều tra, xác định có nhóm người chuyên làm CCCD giả sau đó đăng ký mở các tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho các đối tượng lừa đảo.
“Để tạo lòng tin, đa phần các số tài khoản ngân hàng được mở từ các CCCD giả này lấy tên của DNTN hoặc công ty. Chúng tôi đã khởi tố và tạm giam 3 tháng đối với 3 đối tượng, trong đó 2 đối tượng ở TP Hồ Chí Minh, 1 ở tỉnh Đắk Lắk với vai trò giúp sức cho các đối tượng lừa đảo. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra mở rộng, vì khả năng cao đối tượng trực tiếp lừa đảo hiện ở nước ngoài”, thượng tá Phụng thông tin.
CA TX An Nhơn phát tờ rơi tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo đến người dân. Ảnh: CA TX An Nhơn
Cần nâng cao cảnh giác
Theo CA tỉnh, tính từ ngày 15.12.2023 đến nay, CA các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận hơn 50 tin báo bị lừa tiền trên không gian mạng với các hình thức như giả danh cơ quan pháp luật, chiếm quyền sử dụng tài khoản; làm nhiệm vụ trên các app; giả nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo “khóa SIM”; giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, DN như BHXH, ngân hàng, chứng khoán; tuyển dụng việc làm… với thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng.
Phần lớn các đối tượng lừa đảo nói chung và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng đều đánh vào tâm lý cả tin, chủ quan cùng sự tham lam của nạn nhân. Như mới đây, anh K.X.V. (SN 1989, ở huyện Phù Cát) được một người xưng là nhân viên nhân sự công ty Tôn Đông Á lên lịch phỏng vấn online qua ứng dụng chat Lotus. Trước đó, anh V. có đăng tin tìm việc trên internet. Thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng, anh V. đã bị lừa hơn 1,99 tỷ đồng.
Trong khi đó, chị T.T.N.Q. (SN 1990, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) cũng bị mất 49 triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi từ người xưng là CA phường yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin CCCD bằng cách cài đặt ứng dụng “dịch vụ công” theo địa chỉ dichvucong.oggo.com do đối tượng này cung cấp. Sau đó, chúng hướng dẫn chị Q. cài đặt, đăng nhập vào ứng dụng Smart-Banking của Vietcombank để chuyển khoản thanh toán 12.000 đồng tiền phí. Đây thực chất là phần mềm gián điệp của tội phạm lừa đảo, ghi lại thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân để thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân sang cho bọn chúng.
Thượng tá Phụng cho rằng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có tính chất đặc thù, phạm vi hoạt động rộng. Các đối tượng thường sử dụng thông tin giả để đăng ký tài khoản cá nhân hoặc ẩn danh, tạo tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài, liên hệ dẫn dắt bị hại vào “kịch bản” đã được chúng bày sẵn.
Do đó, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Cụ thể, không làm theo các yêu cầu khi nhận được điện thoại, tin nhắn do người lạ gửi đến có nội dung liên quan vụ việc, vụ án... Không tin vào những tài sản, món quà được tặng không rõ nguồn gốc, lợi nhuận phi thực tế mà không tốn sức lao động, lời mời “việc nhẹ, lương cao”... Không kết bạn với người lạ qua mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD của bản thân, mã OTP, không bấm vào link lạ.
“Đặc biệt, trước khi chuyển tiền phải xác minh thông tin, vì đối tượng lừa đảo thường tạo tình huống cấp bách để dẫn dụ nạn nhân, làm nạn nhân mất cảnh giác, chúng ta cần “chậm lại” để thận trọng xác minh mọi thứ”, thượng tá Phụng khuyến cáo.