|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðưa pháp luật đến với phụ nữ dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực. Góp phần không nhỏ vào sự thay đổi đó là hiệu quả của hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật của các ban, ngành địa phương, nhất là tổ chức Hội LHPN.

Năm 2019, Hội LHPN xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) thành lập CLB Phụ nữ với pháp luật để đưa pháp luật đến với từng nhà, từng người. Chỉ trong 6 tháng sau khi thành lập, CLB đã vận động thành công 5 gia đình cho con gái tiếp tục đi học đến nơi đến chốn.

Trước năm 2019, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 tại xã Canh Thuận trung bình tăng 4%/năm. Hầu hết gia đình sinh con thứ 3 đều mang tâm lý đẻ nhiều con để có thêm lao động, kiếm con trai để nối dõi. Những tư tưởng đó mang lại hệ lụy không nhỏ như nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, làm cho đời sống người phụ nữ càng thêm khổ sở... Từ khi CLB thành lập, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 đã giảm. Từ năm 2021 đến nay, xã Canh Thuận không có trường hợp nào sinh con thứ 3, 100% trẻ em gái được đi học đầy đủ.

Phụ nữ xã Canh Thuận tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Hội LHPN xã Canh Thuận

Từng phải sống trong áp lực vì họ hàng thúc ép sinh con thứ 3 để có con trai nối dõi, chị Đinh Thị Hơ Lên (ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận) thường xuyên phải ở nhà phục vụ gia đình, không tham gia các hoạt động tại địa phương. Sau đó, nhờ được CLB vận động thường xuyên, chị đã tích cực tham gia phong trào phụ nữ. “Dù có áp lực thế nào tôi vẫn nhất quyết không sinh thêm con để đủ nếp đủ tẻ”, chị Lên kể. 

Tương tự, tại xã Đak Mang (huyện hoài Ân), CLB Phụ nữ với pháp luật (thành lập từ năm 2021) đã đem lại những tín hiệu vui. Hiện nay, CLB có 28 thành viên là tuyên truyền viên pháp luật, tích cực đưa pháp luật vào đời sống cộng đồng.

Đầu năm 2019, chị Đinh Thị Luôn (ở làng O6, xã Đak Mang) gặp phải những vấn đề hậu sản nên khó có con thứ 3. Từ đó, gia đình chị nảy sinh những mâu thuẫn nghiêm trọng, chị thường bị chồng đánh, mắng chửi. Chị Luôn cho biết sự đồng hành, giúp đỡ của CLB Phụ nữ với pháp luật đã góp phần giúp chồng chị thay đổi quan điểm sống, biết yêu thương gia đình, ủng hộ chị tham gia vào các hoạt động tại địa phương.

Đối với các trường hợp như chị Luôn, các thành viên trong CLB phải nhiều lần đến nhà để giải quyết mâu thuẫn, dẫn chứng rất nhiều thông tin pháp luật và các tấm gương tiêu biểu để các thành viên trong gia đình thay đổi nếp nghĩ. “Trong quá trình vận động hay vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các gia đình nhưng chúng tôi không nản chí. Đến nay, các hộ chung sống hòa thuận, bình đẳng, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, cho thấy hiệu quả hoạt động của CLB”, chị Đinh Thị Như Hoa, thành viên CLB, chia sẻ.

Là thành viên của CLB Phụ nữ với pháp luật xã An Hưng, huyện An Lão (thành lập từ năm 2021), chị Đinh Thị Y Nhuôn là gương sáng cho nhiều chị em khác noi theo. Hằng ngày, chị Nhuôn thường xuyên đến thăm nhà các chị em gặp phải những “trục trặc” trong đời sống để trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. CLB Phụ nữ và pháp luật với sự năng nổ của các thành viên như chị Nhuôn đã giúp nhiều chị em thay đổi cách nghĩ. Trước kia, nhiều chị em không dám tham gia vào các buổi tuyên truyền pháp luật hoặc các hội thi văn nghệ vì chồng không cho phép. Thế nhưng hiện nay các chị em lại nô nức kéo đến sinh hoạt với những nụ cười rạng rỡ trên môi.

“Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu được giá trị và vai trò của mình trong đời sống xã hội. Nhờ có sự tham gia vào hầu hết hoạt động cộng đồng mà chất lượng cuộc sống của các chị đã thay đổi, nhất là về đời sống tinh thần. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có thêm 16 chị tham gia vào CLB. Từ khi vào CLB, các chị không chỉ là trụ cột kinh tế gia đình mà còn là tuyên truyền viên pháp luật đến gia đình và dòng họ”, chị Nhuôn kể.            


Tác giả: NGUYỄN XUÂN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật