Tiếp tục khắc phục hậu quả chất độc dioxin tại sân bay Phù Cát
Chiều 22.5, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), đi kiểm tra khu vực ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Phù Cát.
Sau chiến tranh, các cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Phù Cát; kết quả xác định 6 khu vực nhiễm chất độc dioxin. Nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cũng đã phát hiện chất độc dioxin với nồng độ cao, mức độ ô nhiễm tại đây tương đương tại sân bay Đà Nẵng năm 2012.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) kiểm tra khu vực ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Phù Cát. Ảnh: Đức Dũng.
Từ nguồn kinh phí Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với Quân chủng Phòng không Không quân, Binh chủng Hóa học đã tổ chức thu gom, chôn lấp, cô lập an toàn khoảng 7.500 m3 đất trầm tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát trên diện tích 2,06 ha.
Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng đã điều chỉnh và ban hành các quy định mới đối với ngưỡng dioxin trong đất. Bởi vậy, khu vực chôn lấp cô lập đất trầm tích ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát sẽ tiếp tục được xử lý triệt để, tránh ô nhiễm về lâu dài.
Với mục tiêu làm sạch đất ô nhiễm, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu việc xử lý triệt để khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát cần tiếp tục được xác định là một trong những ưu tiên trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Đồng chí yêu cầu Binh chủng Hóa học, Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và Môi trường phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 701 cùng các cơ quan chức năng điều tra, đánh giá toàn diện mức độ ô nhiễm tại sân bay Phù Cát, tổ chức xây dựng hồ sơ dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất độc dioxin tại đây, tích cực trao đổi với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bỉ và Hàn Quốc để vận động nguồn lực cho hoạt động điều tra, xử lý chất độc.