A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ Ở HUYỆN HOÀI ÂN: Trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng

Bước vào thời bình, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở huyện Hoài Ân được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hoài Ân là địa bàn chiến lược phía Bắc tỉnh. Đây cũng là nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao vàng (2.9.1965) và cũng là huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng (19.4.1972). Các cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt, nhất là đã có gần 1.000 ngày chiến đấu chống phản kích của kẻ thù (1973 - 1975) để giành và giữ từng tất đất của quê hương cho đến ngày toàn thắng. Chính vì vậy, sự mất mát, hy sinh của người dân Hoài Ân và của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao vàng là không thể tránh khỏi.

Theo ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, trong những năm qua, với truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, thực hiện trách nhiệm xoa dịu nỗi đau, mất mát đối với những hy sinh lớn lao của liệt sĩ và gia đình, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Từ đó có những giải pháp triển khai thực hiện sát với thực tiễn.

“Hiện nay, toàn huyện có 12 nghĩa trang liệt sĩ, 3 đài tưởng niệm liệt sĩ với 2.715 mộ liệt sĩ; cùng 265 mộ được gia đình quản lý. Bằng tình cảm, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tìm kiếm, quy tập được hơn 80 HCLS. Qua đó, góp phần thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ”, ông Thơm cho biết thêm.

Đặc biệt, trong năm 2022, UBND huyện đã tích cực phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tìm kiếm và phát hiện hố chôn tập thể liệt sĩ hy sinh trong trận đánh tập kích cứ điểm Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) vào tháng 12.1966. 60 HCLS đã được quy tập và tổ chức lễ an táng trang trọng sau hơn 5 năm khảo sát, tìm kiếm, thể hiện sự bền bỉ, quyết tâm của chính quyền địa phương.

Ban Chỉ đạo 24 huyện Hoài Ân tổ chức tìm kiếm, quy tập được 2 hài cốt liệt sĩ và tổ chức lễ truy điệu, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Nghĩa vào cuối tháng 7.2024. Ảnh: TỐNG BÌNH

Đầu năm 2024, UBND huyện cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức khảo sát, tìm kiếm quy tập tại cao điểm 174 (xã Ân Mỹ). Trong quá trình tổ chức khảo sát, tìm kiếm, các lực lượng đã quy tập được 9 HCLS, cùng nhiều di vật liên quan kèm theo trong địa đạo. Mới đây nhất, vào cuối tháng 7, Ban Chỉ đạo 24 huyện Hoài Ân cũng đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 2 HCLS và tổ chức lễ truy điệu, đưa HCLS về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Nghĩa.

Bên cạnh công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, huyện Hoài Ân cũng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các di tích; sửa chữa, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm để thể hiện sự tri ân với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong đó, từ ngân sách cấp huyện, cấp xã và các nguồn đóng góp khác, địa phương đã đầu tư gần 13 tỷ đồng cho việc tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ và mộ liệt sĩ.

Trong năm 2023, huyện đã hoàn thành việc xây dựng Mộ tập thể liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ và Khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn. Riêng Khu tưởng niệm được xây dựng có diện tích hơn 1,8 ha, gồm nhiều công trình hạng mục như: Nhà bia; hố khai quật; nhà lưu niệm; sân, bãi đỗ xe, cây xanh; hệ thống điện chiếu sáng... Đây là “địa chỉ đỏ” để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao vàng, người thân của các liệt sĩ đến thăm viếng, tưởng niệm. Đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Lịch- Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng), chia sẻ rằng mặc dù khoảng cách giữa nơi đóng quân của Sư đoàn 3 với huyện Hoài Ân có xa xôi về mặt địa lý, nhưng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn vẫn luôn hướng về quê hương Hoài Ân với tình cảm sâu nặng, như người con hướng về quê mẹ yêu dấu.

“Đơn vị rất cảm kích trước sự quan tâm của chính quyền địa phương khi đã xây dựng Khu tưởng niệm để tri ân các liệt sĩ của đơn vị hy sinh trong trận đánh tại đồi Xuân Sơn năm 1966. Công trình được đưa vào sử dụng đã thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập nước nhà; đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người thân, đồng đội các anh hùng liệt sĩ”, đại tá Lịch khẳng định.       


Tác giả: HỒNG PHÚC
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật