Vận dụng tư tưởng “cốt tinh, không cốt đông” trong xây dựng Quân đội hiện nay
Từ thực tiễn xây dựng quân đội và kinh nghiệm tổ chức kháng chiến, các nhà nước quân chủ trong lịch sử Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học giữ nước, trong đó có quan điểm xây dựng quân đội thường trực của quốc gia “cốt tinh, không cốt đông”, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc nền độc lập và vẹn toàn cương vực quốc gia. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng xây dựng quân đội của các triều đại quân chủ trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh” hiện nay là việc làm cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.
Xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại là chủ trương nhất quán, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Ngoài việc kiên định nguyên tắc quản lý, lãnh đạo, coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tinh thần; gắn với đổi mới công tác huấn luyện-đào tạo; tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực dự bị chất lượng cao... thì một trong những vấn đề quan trọng là phải gắn xây dựng lực lượng tinh nhuệ với điều chỉnh và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế LLVT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt đội danh dự trong lễ thành lập Quân đoàn 12 ngày 2-12-2023 tại Ninh Bình. Ảnh: qdnd.vn
Để tiến hành thắng lợi khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm có tư tưởng xây dựng LLVT có tổ chức chặt chẽ, cơ cấu nhiều thứ quân, trong đó quân triều đình quản lý giữ vai trò quyết định. LLVT triều Lý, Trần bao gồm quân chủ lực của triều đình, quân của quý tộc (vương hầu, tôn thất), quân của các lộ, phủ, châu (quân địa phương) và dân binh làng, xã, động, bản. Quân chủ lực của triều đình do nhà nước trực tiếp quản lý, chỉ huy, gồm các thành phần cấm quân và sương quân. Cấm quân là công cụ bạo lực chủ yếu, chỗ dựa quan trọng nhất của chính quyền quân chủ, là trụ cột của quốc phòng, an ninh và là lực lượng chủ lực trong các cuộc chiến tranh giữ nước.
Đến triều Vua Lê Thánh Tông, cùng với việc cải cách hành chính, chia cả nước thành 13 đạo, tổ chức quân đội cũng được cải tổ một cách toàn diện tạo sự thống nhất với hệ thống tổ chức chặt chẽ, quy củ. Lực lượng quân đội được chia thành hai bộ phận: Quân triều đình và quân các địa phương. Quân triều đình gồm cấm binh (còn gọi là cấm vệ quân) và quân ngũ phủ. Cấm binh được chia thành vệ, sở, vẫn làm nhiệm vụ bảo vệ vua, hoàng cung và kinh thành. Quân ngũ phủ được nhà nước xác định rõ là bộ phận quan trọng của quân đội do triều đình trực tiếp quản lý, thường trực đóng giữ trên các địa bàn trọng yếu của đất nước.
Để phù hợp với cách tác chiến (nhanh, mạnh, thần tốc), kể từ khi trở thành Bắc Bình vương, Nguyễn Huệ quyết định biên chế quân đội thành hệ thống gồm đội, cơ, đạo và doanh. Trong những trường hợp cần thiết, quân đội Tây Sơn còn được tổ chức thành các đơn vị quy mô lớn gọi là đại quân gồm 2-3 doanh do một đại đô đốc chỉ huy. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, tượng binh, kỵ binh, pháo binh và thủy binh được Vua Quang Trung quan tâm chú trọng phát triển và ngày càng hoàn thiện theo hướng gọn, tinh nhuệ, là lực lượng nòng cốt trong củng cố quốc phòng và bảo vệ nền độc lập...
Tiếp thu truyền thống quân sự dân tộc và tinh hoa quân sự thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo trên bình diện tư tưởng, lý luận cũng như trong thực tiễn xây dựng LLVT. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng LLVT ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Tháng 3-1947, lực lượng dân quân du kích được thống nhất về tổ chức, xây dựng thành một bộ phận đông đảo của LLVT nhân dân, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của cấp xã đội, huyện đội, tỉnh đội với quy mô phổ biến là tiểu đội, trung đội, đại đội; vừa sản xuất, vừa chiến đấu ngay tại địa phương bằng các thứ vũ khí có trong tay với hình thức tác chiến linh hoạt, sáng tạo.
Tháng 4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương có quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn, được cấp ủy đảng lãnh đạo, cơ quan quân sự địa phương chỉ huy; có khả năng tác chiến độc lập, làm nòng cốt phát triển chiến tranh nhân dân địa phương. Cùng với việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, Đảng ta rất chú trọng tới việc xây dựng các đơn vị chủ lực và chuẩn bị các điều kiện tiến tới xây dựng các đơn vị cơ động cấp đại đoàn. Trong giai đoạn 1949-1952, các đại đoàn bộ binh chủ lực (Đại đoàn 308, 304, 312, 316, 320, 325) và Đại đoàn Công pháo 351 lần lượt được thành lập.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, các binh chủng: Thông tin liên lạc, Đặc công... được thành lập và nhanh chóng trưởng thành. Đặc biệt, các đơn vị chủ lực của bộ binh có bước phát triển mạnh về tổ chức với quy mô từ cấp sư đoàn phát triển thành quân đoàn binh chủng hợp thành (Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232) vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Đây là lực lượng cơ động chiến lược hoạt động trên địa bàn cả nước, hoặc trên từng chiến trường theo yêu cầu, nhiệm vụ để tiến hành tác chiến tập trung, thực hành các trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi quyết định trong chiến tranh cách mạng.
Phương thức tổ chức ba thứ quân thể hiện đậm nét tính nhân dân của LLVT do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, lãnh đạo. Thành công trong việc xây dựng LLVT ba thứ quân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, là cơ sở quan trọng để Đảng phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh. Thế trận đó cho phép chúng ta thực hiện chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn chủ lực kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ thuộc bộ đội địa phương và dân quân du kích, với chiến tranh nhân dân địa phương, phong trào toàn dân đánh giặc và phong trào đấu tranh chính trị của đông đảo quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thực tiễn, do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu xây dựng Quân đội đặt ra trong từng thời kỳ, Đảng ta đã nhiều lần điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ. Đặc biệt, hiện nay, trong điều kiện nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ đặt ra ngày càng cao; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới tất cả lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh ngày càng sâu sắc thì việc kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ quan, đơn vị nói riêng, điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội nói chung là vấn đề khách quan, cấp thiết, góp phần xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng BVTQ.
Từng cấp cần chủ động làm tốt việc rà soát, điều chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm trang bị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Trước hết, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Đối với khối cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược, tập trung rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng giảm đầu mối trung gian và quân số phục vụ, bảo đảm; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để tăng cường quân số cho các đơn vị thành lập mới, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo.
Đối với khối đơn vị chiến đấu, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để điều chỉnh tổ chức theo hướng tăng cường sức mạnh chiến đấu, khả năng cơ động. Sắp xếp lại các nhà máy sản xuất, cơ sở sản xuất quốc phòng và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế các nhà trường Quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Quá trình rà soát, điều chỉnh phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng có giảm, có tăng, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị và lực lượng. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, biên chế, trang bị của Quân đội, với cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.