A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2014

1. Về sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường: 

Về trồng trọt, diện tích lúa gieo sạ vụ Đông Xuân năm nay tăng 1,73% so với kế hoạch (47.811/47.000ha), và tăng 4,5% so với cùng kỳ. Kế hoạch gieo sạ vụ Hè Thu được 41.270 ha lúa; trong đó tính đến hết tháng 4 lúa vụ Hè đã gieo sạ xong, với diện tích gieo sạ là 14.961 ha; diện tích cây trồng cạn: Bắp 2.000 ha, cây lạc 6.888ha, đậu tương 52 ha, rau các loại 5.371 ha, đậu các loại 760 ha. Đã thực hiện 122 cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân 2013-2014, với diện tích đạt 4.899 ha lúa, với 31.001 hộ tham gia; 13 cánh đồng cây trồng cạn, với 1.641 hộ tham gia.

Về chăn nuôi, đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được khống chế, chỉ xảy ra một số loại bệnh thông thường trên gia súc và gia cầm, chủ yếu do thời tiết và một số hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến việc tiêm phòng dịch. Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh vẫn đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như giám sát hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm dịch và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp tiêu độc sát trùng và phác đồ điều trị cho gia súc, gia cầm để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

  Về lâm nghiệp, công tác chuẩn bị cây giống, rà soát quỹ đất và thiết kế trồng rừng niên vụ 2014 đang được tích cực triển khai. Đến nay, các đơn vị sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp đã thực hiện việc đăng ký kế hoạch sản xuất với số lượng 132,7 triệu cây giống các loại cho vụ trồng rừng năm 2014. Diện tích rừng chăm sóc đợt I năm 2014 được 8.466ha, đạt 77% so với kế hoạch; trong đó rừng phòng hộ 283 ha, rừng trồng sản xuất 8.183 ha.. Công tác phòng chống cháy rừng đã được tích cực triển khai.

Về thuỷ sản, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác. Sản lượng khai thác trong 4 tháng đầu năm ước đạt 49.900 tấn, tăng 17,8% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 3.305 tấn, bằng 90,5% so với năm 2013; đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm được 1.525 ha, chiếm 70% diện tích hiện có và tương đương cùng kỳ. Tổng diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh đến nay là 9,4 ha, chiếm 0,6% diện tích nuôi, trong đó bệnh do virus đốm trắng là 2,9 ha và bệnh do môi trường là 6,5 ha. Ngành Nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp xử lý nên đến nay diện tích dịch bệnh cơ bản đã được khống chế.

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. Trong tháng 4, đã giao đất, cho thuê đất cho 8 trường hợp với diện tích 14 ha, giới thiệu địa điểm 04 trường hợp, diện tích 1.192,9 ha; giao đất khu dân cư 05 trường hợp, diện tích 5,9 ha; công nhận quyền sử dụng đất 09 trường hợp, diện tích 2,3 ha; gia hạn giao đất khu dân cư 02 trường hợp, diện tích 1,5 ha; phê duyệt các phương án giao đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, QL1D đoạn từ ngã ba Phú Tài - ngã ba Long Vân; Phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do thu hồi đất giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường QL19, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến QL1A, phường Nhơn Bình (Đợt 5).

Về công tác xây dựng nông thôn mới: Trong tháng 4 năm 2014,  UBND tỉnh đã quyết định công nhận 2 xã: Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và Phước An (Tuy Phước) hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2014. Chỉ đạo tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của các sở ngành của tỉnh; phân công cán bộ làm đầu mối để liên hệ, tổng hợp kết quả thực hiện tiêu chí của ngành. Phối hợp với các sở, ngành lồng ghép các chương trình, dự án của ngành trong năm 2014 để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Kiểm tra kết quả đánh giá thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các xã hoàn thành giai đoạn 2011-2015. Hướng dẫn các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015, 2020 lập “Đề án phát triển sản xuất năm 2014, 2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020”.

2. Về sản xuất công nghiệp:

 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 so với tháng trước đạt 92,33%, giảm 7,67% (do cuối mùa vụ sản xuất ngành gỗ) nhưng tăng 6,89% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,53%, với các sản phẩm sản xuất tăng như: Phi lê cá và các loại cá tươi ướp đông tăng 24,1%, tôm đông lạnh tăng 31% (do đang mùa khai thác thủy sản, thời tiết thuận lợi, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định nên doanh nghiệp chủ động trong sản xuất) bia đóng chai tăng 25,8%, chế biến thức ăn gia súc tăng 65% (do các nhà máy mới đi vào hoạt động), đá ốp lát tăng 20%, ghế gỗ tăng 12%, bàn gỗ tăng 17,6%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm như đường RS, thùng hộp bằng bìa cứng. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 38,33% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,03%. Riêng công nghiệp khai khoáng giảm 7,24%. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,75% so với cùng kỳ.

Về Chỉ số tiêu thụ: Bên cạnh phát triển sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo còn gặp phải nhiều thách thức trong tiêu thụ và tồn kho hàng hóa. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm tháng 3 năm 2014 so với tháng trước tăng 47%. Đa số các mặt hàng có chỉ số tiêu thụ cao hơn tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do trong tháng 3 các doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường sau Tết, lượng hàng tiêu thụ tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tăng mạnh tập trung vào chế biến thủy sản, dăm gỗ, tôm đông, bàn ghế gỗ. Sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch xây, cấu kiện thép... vào mùa xây dựng nên chỉ số tiêu thụ tăng.

Chỉ số tồn kho: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do lượng tồn kho các sản phẩm sản xuất quá cao. Chỉ số tồn kho tháng 3 năm 2014 tăng 6% so với tháng trước, cao nhất là đá xây dựng khác đã qua chế biến tăng 27,22%, đá lát, đá khối tăng 17,97%, đường RS tăng 18,3%.

Hiện nay, Công ty đường đang gặp khó khăn về vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu, thanh toán tiền mua mía cho nông dân. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng số tiền Công ty cổ phần Đường Bình Định còn nợ tiền mua nguyên liệu của nông dân 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai là 44,8 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Bình Định Công ty đang nợ 17,7 tỷ đồng của 1.500 hộ dân trồng mía, nợ tiền vận chuyển 3,8 tỷ đồng của 500 xe; tỉnh Gia Lai, Công ty còn nợ 160 hộ trồng mía, với tổng số tiền là 23,3 tỷ đồng. Hiện tại, số đường RS đang tồn kho là 2.000 tấn và Nhà máy đã kết thúc vụ ép 2013-2014. Công ty ký cam kết trả nợ tiền mua nguyên liệu cho nông dân với nội dung: Lần 1, từ ngày 21/5/2014 đến 29/5/2014, Công ty trả nợ cho nông dân số tiền là 25 tỷ đồng. Sau khi Công ty trả nợ xong số tiền 25 tỷ đồng, phía nông dân mới cho phép Công ty bán đường tồn kho để tiếp tục trả nợ cho nông dân. Lần 2, từ ngày 31/5 đến 07/6/2014, Công ty trả nợ tiền mua nguyên liệu cho nông dân làm 2 đợt, với tổng số tiền là 20 tỷ đồng. Sau khi Công ty cam kết trả nợ cho nông dân; đến nay không còn tình trạng dân kéo đến Công ty Đường để đòi nợ nữa.

3. Về tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ:

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 3.330 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ và tăng 2,2% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 13.683 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường kiểm tra chỉ đạo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,87% so với cùng kỳ và giảm 0,23% so với tháng trước; trong đó nhóm hàng thực phẩm giảm 0,64%, lương thực giảm 1,44%; nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng, chất đốt giảm 0,54%, các nhóm khác có chỉ số tương đối ổn định. Tính chung 4 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,16% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 53,4 triệu USD, giảm 18,2% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 217 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng: Hàng thủy hải sản tăng 24,6%, hàng dệt may tăng 10,9%, sản phẩm bằng plastic tăng 6,6%, sản phẩm bằng gỗ tăng 4,5%, dăm gỗ tăng 27,0%, thuốc tây tăng 39,1%. Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm như gạo giảm 39,1%, giày dép các loại giảm 20,5%, hàng thủ công mỹ nghệ giảm 70,4%, khoáng sản giảm 70,2%.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 7,5 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ và giảm 49,3% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 46,3 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như thức ăn gia súc tăng 226,1%, phụ liệu hàng may mặc tăng 83,1%, máy móc thiết bị tăng 211,3%, phân bón 184,1%, nguyên phụ liệu sản xuất tân dược tăng 28,1%.

Về du lịch, lượng khách du lịch đến tỉnh trong tháng 4 năm 2014 ước đạt 175.000 lượt khách, tăng gần 20% so với cùng kỳ (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 13.250 lượt khách, tăng17% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 161.750 lượt khách tăng 20% so với cùng kỳ). Tính chung 4 tháng đầu năm 2014 ước đạt 705.500 lượt khách, tăng gần 14% so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 56.440 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, dịch vụ vận chuyển hành khách ước đạt 2,2 triệu hành khách, giảm 7,1% so với cùng kỳ và luân chuyển 204,2 triệu hành khách-km, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, dịch vụ vận tải hành khách ước đạt 10,6 triệu hành khách, tăng 2,4% và luân chuyển 985 triệu hành khách-km, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá tháng 4 ước đạt 1.107 nghìn tấn, giảm 3,7% so với cung kỳ, luân chuyển đạt 173 triệu tấn-km, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, vận chuyển hàng hoá ước đạt 4,6 triệu tấn, tăng 1,1%, luân chuyển đạt 712,2 triệu tấn-km, tăng 3% so với cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng 4 tháng ước đạt 2,617 triệu TTQ, giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó, cảng Trung ương đạt 2,3 triệu TTQ, giảm 4,4% và cảng địa phương 0,3 triệu TTQ, giảm 6,7%.

 Tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đến hết tháng 4 đạt 1.472,5 tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 1.255,6 tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán năm (kể cả thu cấp quyền sử dụng đất). Riêng thu tiền sử dụng đất đạt 271,5 tỷ đồng, đạt 67,9% dự toán năm (trong đó thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh 161 tỷ đồng, đạt 64,4%; cấp huyện đạt 110,5 tỷ đồng, đạt 73,7%); thu hoạt động XNK đạt 180 tỷ đồng, đạt 21,9% dự toán năm và một số khoản thu khác. Chi ngân sách nhà nước 1.969,9 tỷ đồng, đạt 28,8% dự toán năm; trong đó chi thường xuyên 1.506,7 tỷ đồng, đạt 30,7% dự toán năm, chi đầu tư phát triển 379,2 tỷ đồng, đạt 54,2 dự toán năm.

Về hoạt động tài chính, tín dụng, các tổ chức tín dụng tiếp tục giữ ổn định về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, và có xu hướng giảm nhẹ so với quý I. Ước tính đến ngày 30/4/2014, tổng nguồn vốn hoạt động trên địa bàn tỉnh (bao gồm vốn huy động tại địa phương, vốn điều chuyển và vốn khác) đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 0,97% so với đầu năm. Tổng dư nợ ước khoảng 35.270 tỷ đồng, tăng 0,5% so với đầu năm (trong đó nợ xấu khoảng 1.135 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu tháng, chiếm 3,2% tổng dư nợ). Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/1/2014 của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014, các tổ chức tín dụng đã tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn, các dự án, phương án có hiệu quả. Trong 3 tháng đầu năm 2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 551 khách hàng, với dư nợ 1.032 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng cho 731 khách hàng với dư nợ 908 tỷ đồng.

4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển:

Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm 2014 ước đạt 271,2 tỷ đồng; đã thanh toán 548,8 tỷ đồng, đạt 40,4% so với kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 64,9 tỷ đồng, đã thanh toán 63,3 tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch năm 2014; vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước đạt 78 tỷ đồng, đã thanh toán 76 tỷ đồng, đạt  21,3% so với kế hoạch năm; vốn xổ số kiến thiết 26,7 tỷ đồng, đã thanh toán 26,9 tỷ đồng, đạt 38,5% kế hoạch năm; vốn Trái phiếu Chính phủ đạt 20,9 tỷ đồng, đã thanh toán 22,3 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch năm.

Để từng bước đưa các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các chủ đầu tư kịp thời phối hợp kiểm tra, giám sát và yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Tình hình thực hiện các công trình trọng điểm:

Công tác GPMB Dự án mở rộng Quốc lộ 1

Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các đơn vị điện lực, viễn thông, cấp nước đang thực hiện công tác di dời các hạ tầng công cộng. Phấn đấu công tác bồi thường GPMB gói thầu trái phiếu Chính phủ hoàn thành trong tháng 5/2014, các gói thầu BOT hoàn thành trước 01/6/2014.

Quốc lộ 19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao với QL 1A:

- Gói thầu Xây dựng nền đường và công trình thoát nước nhỏ đoạn Km5+460 – Km15+441 đang thi công đường công vụ tại một số vị trí trên tuyến đã thực hiện xong công tác GPMB, với giá trị 6,5/905,8 tỷ đồng (đạt 0,72%);

- Gói thầu Xây dựng cầu Hà Thanh 6, Hà Thanh 7 và cầu Tuy Phước đoạn Km5+460 – Km15+441 mới ký kết hợp đồng.

- Gói thầu số 3 - Nền, mặt đường và công trình thoát nước đoạn từ Km0-Km5+460 (từ Cảng Quý Nhơn đến nút giao cầu Thị Nại): Chủ đầu tư đang triển khai bước khảo sát, lập thiết kế BVTC-DT và điều chỉnh bổ sung nút Đống Đa – Hoa Lư theo chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản số 129/UBND-KTN ngày 13/01/2014.

- Công tác bồi thường GPMB: hiện nay BQL GPMB và Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện bồi thường, GPMB cho gói thầu số 2 (đoạn Km5+460-Km15+441). Dự kiến công tác bồi thường GPMB toàn bộ tuyến hoàn thành trong tháng 9/2014.

Nâng cấp QL1D đoạn ngã 3 Phú Tài đến Ngã ba Long Vân:

- Về triển khai thi công: khối lượng thực hiện đạt 21,2/71,384 tỷ đồng (đạt 29,7%).

- Về công tác GPMB:

+ Phía Bắc: đã thực hiện cơ bản xong công tác BTGPMB cho 202 hộ và 10 tổ chức, đã chi trả 43,132 tỷ đồng/196 hộ và 10 tổ chức, chưa chi trả 1,161 tỷ đồng/05 hộ. Việc di dời tuyến điện, cáp quang và cấp nước cơ bản hoàn thành.

+ Phía Nam: đã kiểm kê đo đạc xong 168 hồ sơ/148 thửa. BQL Giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất tỉnh đang phối hợp với phường Trần Quang Diệu xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất.

+ Khu tái định cư 1,68ha (Khu đa phương thức): đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư, đủ điều kiện để bố trí giao đất cho các hộ dân.

Tiến độ thực hiện dự án chậm vì vướng Giải phóng mặt bằng. Dự kiến công tác BTGPMB toàn tuyến hoàn thành trong tháng 6/2014.

Nâng cấp mở rộng QL1D đoạn từ ngã ba Long Vân đến bến xe liên tỉnh: Sở GTVT đang hoàn thiện hồ sơ và đăng ký lịch báo cáo Bộ Giao thông vận tải trong tháng 5/2014.

5. Về hợp tác đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 53 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1.622,64 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có 30 dự án, với vốn đầu tư 1.279,35 triệu USD; lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp có 6 dự án, với vốn đầu tư  34,95 triệu USD; lĩnh vực dịch vụ có 17 dự án, vốn đầu tư 308,34 triệu USD. BQL Khu kinh tế có 19 dự án, trong đó KCN là 10 dự án, vốn đầu tư  1.068,46 triệu USD; KKT có 9 dự án, vốn đầu tư 413 triệu USD. UBND tỉnh cấp 34 dự án, tổng vốn đầu tư 141,18 triệu USD.

6. Về công tác cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Triển khai thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo 02 doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh là Công ty Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR), Tổng Công ty Sản xuất – Đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO) xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Đến nay, hai doanh nghiệp đã thực hiện việc thoái vốn Nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính, sắp xếp lại các doanh nghiệp thành viên thua lỗ kéo dài. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương thực hiện việc mua bán nợ của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Định (gọi tắt là IMEX) cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Giữa DATC, VCB Quy Nhơn và  Chi nhánh BIDV Sở Giao dịch 2 đã hoàn tất việc mua bán nợ quá hạn. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Định xây dựng phương án tiếp tục bán tiếp phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. Hiện nay, UBND tỉnh đanh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp : CTCP  Vật tư  KTNN Bình Định, CTCP Tổng hợp An Lão, CTCP Muối và Thực phẩm Bình Định, Tổng Công ty PISICO Bình Định  - CTCP, CTCP Khoáng sản Bình Định, CTCP Đầu tư  và Xây dựng Bình Định.

7. Về văn hoá - xã hội:

Trong tháng 4, ngành Giáo dục - Đào tạo đã tham gia cuộc thi Olympic “tài năng tiếng Anh” dành cho học sinh phổ thông năm học 2013-2014 khu vực miền Trung và Tây Nguyên, kết quả đạt 01 huy chương vàng và 2 giải khuyến khích; hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào các trường Đại học, cao đẳng năm 2014, toàn tỉnh có 45.867 phiếu đăng ký dự thi, giảm 7.589 phiếu so với năm học 2013-2014. Chỉ đạo tổ chức kiểm tra học kỳ II và hướng dẫn tổng kết năm học 2013-2014, thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, xét tốt nghiệp THCS, hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2013-2014; hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 THPT năm học 2014-2015.

Về Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tổ chức thành công Giải tập huấn Võ cổ truyền (đối kháng) các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên năm 2014. Tham dự Giải vô địch cúp wushu toàn quốc năm 2014 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 3 - Đà Nẵng, Đoàn Bình Định giành được 01 HCB (hạng 45kg nữ), 2 HCĐ (hạng 48kg nam và hạng 52kg nam) và các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao khác.

Về Y tế, trong tháng 4 đã tích cực triển khai tốt công tác y tế dự phòng. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm được chú trọng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/4/2014 bệnh sốt xuất huyết có 78 cas; bệnh tay - chân - miệng có 173 cas; bệnh sởi có 32 cas nghi phát ban sởi, không có tử vong. Hiện nay, ngành Y tế đang phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, hội, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Về Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 4 tiếp tục kiểm tra, lập thủ tục giải quyết chế độ, chính sách cho người có công. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm; phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn xuất khẩu lao động. Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 3 huyện nghèo (Nghị quyết 30a) đang được tích cực đôn đốc triển khai thực hiện theo kế hoạch. Thực hiện Đề án xuất khẩu lao động đến tháng 4/2014, có 49 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Hàn Quốc 9 người; Nhật Bản 26 người, Đài Loan 3 người. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, viếng Nghĩa trang liệt sỹ nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014).

(Nguồn: Báo cáo số 36/BC-UBND ngày 06/5/2014 của UBND tỉnh)


Tin nổi bật Tin nổi bật