Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2016
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 28.803,5 tỷ đồng, tăng 7,52% so với cùng kỳ, trong đó: Nông, lâm, thuỷ sản đạt 8.668 tỷ đồng, tăng 4,59% so cùng kỳ (riêng nông nghiệp đạt 5.721,1 tỷ đồng, tăng 4,74%); công nghiệp và xây dựng đạt 10.509,9 tỷ đồng, tăng 9,52% so cùng kỳ (riêng công nghiệp đạt 7.812 tỷ đồng, tăng 9,16%); dịch vụ đạt 8.865,5 tỷ đồng, tăng 8,58% so cùng kỳ.
Tỷ trọng nông, lâm và thủy sản chiếm 29,1%; công nghiệp, xây dựng chiếm 30,6%; dịch vụ chiếm 37,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,6% (cùng kỳ tương ứng 29,8%-30,4%-37,1%-2,7%). Nhìn chung, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm và thủy sản.
Các hoạt động văn hoá - xã hội có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.
I. Về phát triển kinh tế
1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên, môi trường
Thời tiết năm nay diễn biến bất thường, không khí lạnh kết hợp với gió khô hanh kéo dài nhiều ngày, nhiều đợt liên tục; tình trạng nắng nóng kéo dài, phổ biến diện rộng; lượng nước tích trữ các hồ giảm đáng kể. Tính đến ngày 22/9/2016, dung tích hiện có của các hồ chứa nước do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi quản lý là 58,26 triệu m3/457,8 triệu m3, đạt 12,73% so thiết kế và bằng 68% so cùng kỳ. Nguồn nước các hồ chứa do địa phương quản lý 20,74 triệu m3/120,41 triệu m3, đạt 17,23 % so thiết kế và bằng 47 % so cùng kỳ.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 17.699,8 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 11.130,6 tỷ đồng, tăng 4,7%; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 583,7 tỷ đồng, tăng 6,0%; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 5.985,5 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Về trồng trọt, theo kết quả sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 134.044 ha, xấp xỉ 99,9% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa đạt 89.123,1 ha, giảm 1.358,8 ha (-1,5%) so với cùng kỳ. Năng suất cây lúa đạt 65 tạ/ha, giảm 0,3% (-0,2 tạ/ha); sản lượng đạt 579.309,1 tấn, giảm 1,8% (-10.637,5 tấn) so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu sản lượng lúa giảm là do năng suất vụ Đông Xuân và diện tích vụ Hè Thu giảm.
Ước tính sản lượng một số cây trồng cạn so với cùng kỳ: sắn đạt sản lượng 283.028,9 tấn, tăng 0,8% (+2.156,35 tấn); cây lạc sản lượng 29.570,7 tấn, tăng 13% (+3.413 tấn); vừng sản lượng 1.816,5 tấn, tăng 18,6% (+285,4 tấn); rau các loại sản lượng 178.436 tấn, tăng 9,7% (+15.796,8 tấn); đậu các loại sản lượng 2.299,6 tấn, tăng 3,1% (+68,2 tấn); ngược lại, ngô sản lượng 33.190,4 tấn, giảm 3% (-1.031,5 tấn); mía sản lượng 68.126,8 tấn, giảm 28,5% (-27.110,6 tấn).
Tính đến ngày 29/9/2016, toàn tỉnh đã gieo sạ được 13.698,2 ha lúa vụ Mùa, bằng 92,1% so với kế hoạch. Diện tích lúa vụ Mùa đã thu hoạch đến nay là 1.005 ha. Diện tích cây trồng cạn vụ Mùa 2016: Diện tích gieo trồng ngô đạt 2.608 ha, giảm 9,5% (-272,9 ha); diện tích trồng sắn đạt 2.373 ha, tăng 0,1% (+2,3 ha); diện tích gieo trồng lạc đạt 634,6 ha, tăng 4,7% (+28,6 ha); rau các loại đạt 3.417 ha, giảm 15% (-601,5 ha); đậu các loại 219,9 ha, tăng 25,9% (+45,3 ha).
Về chăn nuôi, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm. Đàn gia súc và gia cầm trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhẹ. Đàn trâu toàn tỉnh hiện có 21.725 con, tăng 0,8% (+186 con); đàn bò 283.495 con, tăng 6,6% (+17.464 con); đàn lợn 842.564 con, tăng 5,6% (+44.863 con); đàn gia cầm 6.894,5 nghìn con, tăng 0,3% (+17,6 nghìn con) so với cùng kỳ.
Ước tính sản lượng 9 tháng đầu năm 2016: Thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 826 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ; thịt bò hơi ước đạt 23.685 tấn, tăng 2,8%; thịt lợn ước đạt 92.794,5 tấn, tăng 11,3%; sản lượng thịt lợn sữa ước đạt 2.139,1 tấn, tăng 2,3%; thịt gà ước đạt 9.317 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện xong việc tiêm phòng đợt I năm 2016 như sau: Tiêm phòng cúm gia cầm 3.116 nghìn con; tiêm phòng lở mồm long móng 247.732 con trâu, bò (đạt tỉ lệ 86,1% tổng đàn), 67.537 con lợn (đạt 70% tổng đàn trong diện tiêm); tiêm phòng dịch tả lợn 644.239 con (đạt 81% tổng đàn); tiêm phòng tụ huyết trùng trâu, bò 37.404 con.
Ngoài thực hiện tốt công tác tiêm phòng, từ đầu năm đến nay, đã đẩy mạnh các hoạt động khác như tăng cường quản lý đàn và quản lý các lò ấp, tiêu độc sát trùng định kỳ chuồng trại chăn nuôi, kiểm soát giết mổ. Duy trì tốt hoạt động tại các Trạm, Chốt kiểm dịch nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xuất, nhập và quá cảnh động vật, sản phẩm động vật trên địa địa bàn tỉnh.
Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng được chăm sóc 9 tháng đầu năm 2016 là 19.841,1 ha, tăng 61,2% so với cùng kỳ. Các đơn vị đã sản xuất được 142,4 triệu cây giống các loại. Tổng diện tích rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 10.957,7 ha, xấp xỉ so với cùng kỳ. Hầu hết các diện tích khoanh nuôi đều sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích rừng được giao khoán quản lý bảo vệ đạt 106.213,4 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã khai thác 547.500 m3 gỗ rừng trồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; đã xảy ra 133 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật với diện tích 105,12 ha; 213 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá 262,98 ha; 45 vụ cháy rừng với tổng diện cháy 182,23 ha (trong đó, có 02 vụ cháy lướt dưới tán rừng, không gây thiệt hại về cây rừng).
Về thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn, đánh bắt trên các vùng biển xa bờ nên bà con ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường; thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, đã có 49 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng trong tổng số 217 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới. Trong số tàu thuyền đã ký hợp đồng tín dụng, có 33 tàu đã hoàn thiện và hạ thủy (đi vào sản xuất 13 tàu), 16 tàu đang tiếp tục được thi công.
Sản lượng khai thác thuỷ sản 9 tháng ước đạt 178,65 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 7.428 tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.472,2 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước tính đạt 7.112,7 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng, giới thiệu địa điểm 85 dự án, diện tích 425,1ha; giao đất 54 dự án, diện tích 25.683ha; cho thuê đất 94 dự án, diện tích 421ha; gia hạn thuê đất 08 dự án, diện tích 12,2 ha; giao đất 35 khu dân cư với diện tích 53,7ha; công nhận quyền sử dụng đất 34 trường hợp, diện tích 15,9ha; thu hồi đất 15 trường hợp, diện tích 41ha; gia hạn giao đất 23 khu dân cư, diện tích 26,4ha; gia hạn thời gian giới thiệu địa điểm 10 dự án, diện tích 87,4ha; chuyển mục đích sử dụng đất 06 dự án, diện tích 8,4 ha. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020); thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của 11 huyện, thị xã, thành phố.
Công tác xây dựng nông thôn mới đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch xây dựng năm 2016 của tỉnh; theo đó, đến cuối tháng 9/2016, có 12/12 xã hoàn thành xong hồ sơ, trình cấp huyện thẩm tra và tháng 10/2016 trình tỉnh thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến cuối năm nay, toàn tỉnh có 40 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch là 38 xã).
2. Về sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2016 tăng 7,2% so với cùng kỳ (riêng tháng 9 tăng 7,11% so với cùng kỳ và tăng 3,47% so với tháng trước). Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 9,81% do gia tăng sản lượng so với cùng kỳ ở các sản phẩm như: Phi lê cá tăng 13,68%; thức ăn gia súc tăng 39,05%; bia đóng chai tăng 9,67%; dung dịch đạm huyết thanh tăng 27,74%; sản phẩm cấu kiện thép tăng 209,27%; …Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất tăng 16,71%. Trong đó, chỉ số ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,83%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 17,9%.
Ngành công nghiệp khai thác có chỉ số sản xuất giảm 16,37% do sản lượng quặng titan khai thác giảm 87,43%; đá granite khai thác giảm 13,58%. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm mạnh có nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp hết giấy phép khai thác, các mỏ cạn dần, khó khai thác, chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm tăng lên, thị trường tiêu thụ chậm. Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất giảm 3,67%.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Tôm đông lạnh giảm 16,81%; dăm gỗ giảm 22,16%; gạch xây bằng đất sét nung giảm 29,29%; ghế gỗ giảm 5,76%; bàn gỗ giảm 9,54%;… Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguyên liệu sản xuất, riêng đối với ngành chế biến tôm do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sản lượng thu hoạch tôm giảm mạnh; chủ trương hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô ở ngành chế biến dăm gỗ; chính sách cơ cấu lại hoạt động sản xuất gạch xây dựng; thị trường tiêu thụ ở nước ngoài bị ảnh hưởng, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá nguyên vật liệu tăng cao ở ngành sản xuất bàn ghế gỗ.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tăng trưởng, một số sản phẩm tiêu thụ tăng. Mặc dù, chỉ số tồn kho cao nhưng vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chủ động dự trữ nguồn hàng để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có biến động nhưng không đáng kể. Chỉ số sử dụng lao động tháng 9, tăng 0,02% so với cùng kỳ.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 38.225,9 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tổ chức triển khai thường xuyên nên đã góp phần ổn định thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong 9 tháng đã xử lý 961 vụ vi phạm (trong đó có 10 vụ xử lý hình sự với 16 đối tượng), thu nộp ngân sách trên 18,6 tỷ đồng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 tăng 0,61% so với tháng trước; tăng 3,7% so với cùng kỳ; bình quân 9 tháng tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 31.877 tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của các nhóm ngành hàng bán lẻ chủ yếu so với cùng kỳ như sau: Lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; hàng may mặc tăng 13,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 13,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,5%; ôtô các loại tăng 12,2%; phương tiện đi lại tăng 10,8%; xăng, dầu tăng 17,1%; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 4.304,9 tỷ đồng, chiếm 11,3%, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.275,5 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động du lịch lữ hành đạt 29,4 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 2.044 tỷ đồng, chiếm 5,3%, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 năm 2016 ước đạt 58 triệu USD, giảm 3,3% so với tháng trước, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 520,8 triệu USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, có 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm 91,6% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, gồm: hàng thủy sản; sắn và các sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản khác; gỗ; sản phẩm gỗ và hàng dệt, may. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 161,2 triệu USD, tăng 0,7%; hàng dệt, may đạt 79,4 triệu USD, tăng 30,8%; hàng thuỷ sản đạt 51,8 triệu USD, tăng 9,4%; quặng và khoáng sản khác đạt 34,2 triệu USD, tăng 15,6%. Trong khi đó, gỗ đạt 87,6 triệu USD, giảm 15,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 62,8 triệu USD, giảm 17,9%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm 2016 ước đạt 25,5 triệu USD, giảm 7,4% so với tháng trước, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 198 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, có 7 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu chiếm 90,2% kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, gồm: hàng thuỷ sản; thức ăn gia súc và nguyên liệu; nguyên phụ liệu dược phẩm; phân bón các loại; gỗ và sản phẩm từ gỗ; nguyên phụ liệu dệt may và máy móc thiết bị. Trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị đạt 36,3 triệu USD, tăng 117%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 35,5 triệu USD, tăng 23,1%; hàng thủy sản đạt 23,6 triệu USD, tăng 19,7%; phân bón các loại đạt 12,4 triệu USD, tăng 6,3%; nguyên phụ liệu dược phẩm đạt 10,8 triệu USD, tăng 21,6%. Trong khi đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 33,3 triệu USD, giảm 38,9%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 26,7 triệu USD, giảm 2,5%.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,654 triệu lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ (trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 209 ngàn lượt, tăng 25%; khách nội địa ước đạt 2,445 triệu lượt, tăng 23%). Doanh thu du lịch trong 9 tháng đầu năm ước đạt 1.206,78 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Dịch vụ vận chuyển hành khách 9 tháng ước đạt 24,8 triệu hành khách, tăng 6,2% và luân chuyển trên 2.463 triệu hành khách.km, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Vận chuyển hàng hoá ước đạt 11,6 triệu tấn, tăng 5,6%, luân chuyển ước đạt trên 1.876 triệu tấn.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Hàng thông qua cảng biển 9 tháng năm 2016 ước đạt 6,23 triệu TTQ, giảm 5,6% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, nguồn vốn huy động tại địa phương tính đến 30/9/2016 là 42.270 tỷ đồng, tăng 14,9% so với đầu năm. Tổng dư nợ là 51.120 tỷ đồng, tăng 12,98% so với đầu năm (trong đó, nợ xấu là 535 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 1,05% so với tổng dư nợ). Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, các TCTD đã tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn, các dự án, phương án có hiệu quả. Trong 8 tháng đầu năm 2016, các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 83 khách hàng, dư nợ gốc và lãi đến 31/8/2016 là 1.879 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với 287 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh lãi suất là 470 tỷ đồng, với mức điều chỉnh lãi suất từ 0,05-2%/năm. Miễn, giảm lãi tiền vay đối với 11 khách hàng, với tổng số tiền miễn, giảm lãi là 4,95 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế phát sinh trên địa bàn tỉnh là 4.447,5 tỷ đồng, đạt 78,9% dự toán năm và tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) là 2.656,2 tỷ đồng, đạt 70,8% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất là 1.373,5 tỷ đồng, đạt 176,6% dự toán năm, tăng 174,1% so cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 337,5 tỷ đồng, đạt 34,1% dự toán, giảm 53,5% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương là 5.991,2 tỷ đồng, đạt 73,8% dự toán năm, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên là 3.972,8 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán, giảm 1,9% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển là 1.632 tỷ đồng, đạt 124,8% dự toán năm, tăng 76,5% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực chi thường xuyên, sự nghiệp giáo dục luôn được quan tâm đúng mức. Chi sự nghiệp giáo dục ước đạt 1.658,8 tỷ đồng, đạt 68,5% dự toán năm, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Tính đến nay, giá trị khối lượng vốn đầu tư XDCB từ nguồn vốn ngân sách địa phương ước đạt 1.890,9 tỷ đồng, đã thanh toán 1.916,5 tỷ đồng (bao gồm tạm ứng), đạt 64,7% kế hoạch năm; vốn ngân sách tỉnh đầu tư tập trung đạt 232,4 tỷ đồng, đã thanh toán 180,9 tỷ đồng, đạt 76,2% kế hoạch năm; vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước đạt 240,8 tỷ đồng, đã thanh toán 226,2 tỷ đồng, đạt 52,9% so với kế hoạch năm; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 29,9 tỷ đồng, đã thanh toán 58,97 tỷ đồng, đạt 35,3% so với kế hoạch năm; vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 78,6 tỷ đồng, đã thanh toán 86,5 tỷ đồng, đạt 67,7% kế hoạch năm; vốn xổ số kiến thiết đạt 68, tỷ đồng, đã thanh toán 73,7 tỷ đồng đạt 81,9% kế hoạch năm. Các nguồn giải ngân chậm như: vốn trái phiếu Chính phủ đạt 35,3% so với kế hoạch năm, vay tồn ngân kho bạc đạt 37,8% so với kế hoạch năm.
Nguồn vốn đầu tư phát triển chủ yếu tập trung đầu tư cho các công trình, dự án dở dang từ những năm trước chuyển sang. Đã tiến hành triển khai thẩm định nguồn vốn và thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật đầu tư công. Để đảm bảo cho việc thực hiện đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng đã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh toán kịp thời đối với khối lượng hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với các công trình trọng điểm của tỉnh, hàng tuần Lãnh đạo UBND tỉnh đều tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện và đi thực tế hiện trường để chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đôn đốc nhà thầu triển khai thực hiện.
5. Về xây dựng khu kinh tế; các khu, cụm công nghiệp
Tuy có khó khăn về vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhưng để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm ứng các nguồn vốn, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và đầu tư xây dựng hạ tầng tại khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
Đến nay, tại Khu kinh tế Nhơn Hội có 40 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 29.734 tỷ đồng (trong đó, 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 159,6 triệu USD); tại các Khu công nghiệp có 223 dự án (bao gồm các dự án đầu tư hạ tầng) với tổng vốn đăng ký là 10.090 tỷ đồng (trong đó, 14 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 105,8 triệu USD). Vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng đầu năm của các dự án khoảng 375 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ, lũy kế vốn thực hiện khoảng 6.400 tỷ đồng.
6. Về phát triển các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư
Về đăng ký kinh doanh: Trong 9 tháng đầu năm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 608 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 2.463 tỷ đồng, bình quân 4,052 tỷ đồng/doanh nghiệp (trong đó, loại hình Doanh nghiệp tư nhân 43 DN, Công ty TNHH 1 thành viên 348 DN, Công ty TNHH 2 thành viên 186 DN, Công ty cổ phần 31 DN). So với cùng kỳ năm trước, tăng 24,6% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 31,8% về vốn đăng ký. Ngoài ra, cấp đăng ký cho 340 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh, đăng ký thay đổi 1043 trường hợp, giải thể và chấm dứt hoạt động 122 trường hợp, tạm ngừng hoạt động 120 trường hợp.
Về chủ trương đầu tư: Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 21 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; trong đó, 12 dự án đầu tư trong lĩnh vực Dịch vụ, thương mại, bất động sản (dự án Tổ hợp Khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, Trung tâm thương mại, Dịch vụ văn phòng và nhà ở FLC Complex: 2.031 tỷ đồng; dự án Khu phức hợp Khách sạn - Căn hộ nghỉ dưỡng - Trung tâm hội nghị: 772 tỷ đồng; ...); 05 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; 04 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. So với cùng kỳ năm 2015, số lượng đăng ký thực hiện dự án đầu tư nhiều hơn 05 dự án tuy nhiên vốn đầu tư thấp hơn (9 tháng đầu năm 2015, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án, tổng vốn 8.000 tỷ đồng).
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
Từ đầu năm đến nay, có 04 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,075 triệu USD. Hiện nay, toàn tỉnh có 61 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 453,4 triệu USD, gồm 53 dự án 100% vốn nước ngoài và 8 dự án liên doanh. Trong đó, tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án với tổng vốn đăng ký là 265,5 triệu USD.
Bên cạnh đó, đã thu hồi 02 dự án có vốn đăng ký đầu tư lớn, là dự án Bus Industrial Center với vốn đăng ký 1 tỷ USD với lý do Nhà đầu tư không triển khai thực hiện và dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội với vốn đăng ký 109,3 triệu USD với lý do Nhà đầu tư không nộp tiền ký quỹ cam kết đầu tư và chậm triển khai.
Về đầu tư phát triển chính thức (ODA): Trong tháng 9 đầu năm 2016, cả tỉnh hiện có 7 dự án ODA đang triển khai với tổng vốn cam kết 1.809,5 tỷ đồng (trong đó, thực tế giải ngân các dự án ước đạt 321,7 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ; dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; dự án Quản lý rủi ro thiên tai; dự án Kênh tưới Thượng Sơn; dự án PTNT tổng hợp các tỉnh miền Trung - giai đoạn 2; dự án Hợp phần Bệnh viện Ða khoa tỉnh Bình Ðịnh - thuộc Dự án phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn 2.
Công tác thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư thường niên, đã giới thiệu hình ảnh, chủ trương chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, danh mục mời gọi vốn đầu tư, cụ thể: Tổ chức Ngày Hội đồng hương Bình Định lần thứ III - Xuân Bính Thân 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định lần thứ III - năm 2016; tổ chức buổi Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm giúp lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp lắng nghe các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ánh, đề đạt ý kiến, qua đó có biện pháp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 15/6/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đồng thời, UBND tỉnh đã ký cam kết với VCCI về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
7. Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn Nghị quyết 30a, chương trình 135, vốn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chính sách định canh, định cư, lồng ghép các chương trình, dự án giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, giải quyết đất sản xuất. Nhìn chung, các chương trình, dự án và chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
II. Về văn hoá - xã hội
1. Về Văn hoá, thể dục thể thao, ngay từ đầu năm đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị và tổ chức chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2016 như: Tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành; chỉ đạo tổ chức các chương trình Dạ hội mừng Đảng, mừng Xuân đón Giao thừa Bính Thân 2016 và Lễ hội Kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định 2016; kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức thành công Hội thảo khoa học và biên soạn phát hành kỷ yếu “Bình Định với chữ Quốc ngữ”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tổ chức Lễ hội Văn hoá, Thể thao miền biển lần thứ XII - năm 2016 tại huyện Hoài Nhơn; Tổ chức các chương trình du lịch hè năm 2016 nhân ngày du lịch Việt Nam (9/7) và ngày du lịch thế giới (27/9); Đêm Võ đài Xứ Nẫu; tổ chức khánh thành Đền thờ Thân phụ, Thân mẫu Tây Sơn Tam Kiệt tại Di tích Gò Lăng và Lễ kỷ niệm 224 năm ngày mất Hoàng Đế Quang Trung; các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam... Đặc biệt, tổ chức thành công Liên hoan quốc tế võ cổ truyền lần thứ VI - Bình Định năm 2016. Hoàn thành việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, bài chòi; Đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030... Về thể thao thành tích cao: Đã cử 63 (lượt) đội tuyển thi đấu 63 giải với 488 VĐV tham gia thi đấu, đạt 222 huy chương các loại (50 HCV, 65 HCB và 107 HCĐ).
2. Về giáo dục và đào tạo, trong 9 tháng đầu năm 2016, đã tích cực triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua với nền nếp và chất lượng tốt; công tác đánh giá kết quả giáo dục, nội dung và phương pháp giảng dạy tiếp tục được đổi mới. Tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 95% (cao hơn năm học trước 4%). Tham gia đầy đủ và đạt thành tích cao tại các cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đặc biệt có 01 học sinh đạt huy chương bạc tại Kỳ thi Olympic toán học quốc tế. Về nhiệm vụ triển khai thực hiện năm học 2016-2017: Đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu các cấp học; công tác chuẩn bị và khai giảng năm học mới được tiến hành đồng bộ từ cơ sở vật chất cho đến thiết bị dạy học.
3. Về khoa học và công nghệ, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Tổ hợp Không gian khoa học và dự án Cải tạo và nâng cấp cảnh quan cho Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) đảm bảo hoàn thành kịp tiến độ. Phối hợp với Trung tâm ICISE tổ chức các Hội thảo quốc tế năm 2016 kết hợp kỷ niệm 50 năm gặp gỡ Moriond được sáng lập bởi Giáo sư Trần Thanh Vân.
4. Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” để hoàn chỉnh và tổ chức triển khai thực hiện. Đã hoàn thành Đề án Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025. Triển khai hệ thống wifi công cộng tại thành phố Quy Nhơn phục vụ các hoạt động du lịch và phát triển kinh tế xã hội.
5. Về hoạt động y tế, tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện quy chế Quản lý khám chữa bệnh tại bệnh viện, các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động tại một số đơn vị trọng điểm. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ với sự phối hợp của các địa phương, đơn vị đoàn thể. Kịp thời chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, như ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016, kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika, tổ chức lễ phát động Chiến dịch phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2016. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong các tháng đầu năm diễn biến phức tạp; đặc biệt tăng cao trong tháng 1, từ tháng 2; đến nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cơ bản đã được khống chế trên phạm vi toàn tỉnh. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 29/9/2016 bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 3.473 cas, không có tử vong; bệnh Tay - chân - miệng 139 cas, bệnh sốt rét 57 cas, không có trường hợp tử vong.
6. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xoá đói, giảm nghèo, đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội góp phần duy trì, tạo việc làm cho người lao động và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn. Đã phân bổ 30,650 tỷ đồng vốn vay từ nguồn vốn thu hồi Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ tạo việc làm: Đến tháng 9/2016, các địa phương đã phê duyệt 859 dự án, tổng vốn vay 22 tỷ đồng; tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm (11 phiên lưu động) qua đó tư vấn, tuyên truyền việc làm cho 26.124 lượt người. Đã giải quyết việc làm cho khoảng 20.876 lao động (đạt 70,3% kế hoạch, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2015). Công tác xuất khẩu lao động tiếp tục thực hiện, đến tháng 9/2016, các đơn vị xuất khẩu lao động đã đưa 219 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 87,6% kế hoạch); cụ thể: Nhật Bản 185 người, Hàn Quốc 23 người, Malaysia 03 người, Đài Loan 06 người, UAE 01 người, Algeria 01 người. Tiếp tục thực hiện việc phân cấp dạy nghề cho lao động nông thôn cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2016; thực hiện các đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở 3 huyện nghèo và các chính sách, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.
Về thực hiện chính sách người có công: Đã giải quyết hưởng chế độ ưu đãi cho 2.791 người có công với cách mạng. Tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ủng hộ Qũy “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2016, đến tháng 9/2016 các đơn vị đã ủng hộ Quỹ trên 675 triệu đồng. Thực hiện Kế hoạch kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2016), đã tiến hành thăm và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu, các đơn vị làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho thương binh, bệnh binh, quân nhân... Đoàn thanh niên CSHCM tỉnh tổ chức thắp nến tri ân liệt sỹ trong tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh vào đêm ngày 26/7/2016. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt người có công tiêu biểu, viếng nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sỹ...
III. Công tác khối nội chính
1. Về xây dựng chính quyền: Tiếp tục chỉ đạo củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh giai đoạn 2011-2020. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc cấp mình quản lý, bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh để tổ chức triển khai với các hình thức phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo tập hợp, xây dựng báo cáo kịp thời, chính xác ý kiến đóng góp của nhân dân.
2. Công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra tiếp tục được chỉ đạo triển khai theo kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm, đã và đang tiến hành các cuộc kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, XDCB, tài chính- ngân sách và những vụ việc nổi cộm, bức xúc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Công tác tiếp dân tiếp tục được chú trọng thực hiện theo quy chế. Công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, thực hiện trợ giúp pháp lý, kiểm tra công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác thi hành án dân sự tiếp tục được tăng cường.
3. Quốc phòng an ninh được bảo đảm, công tác huấn luyện quân sự, giáo dục quốc phòng tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Đã tổ chức lễ giao quân đạt 100% chỉ tiêu; bảo vệ an toàn các ngày Lễ lớn của tỉnh và của đất nước. Các lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến an ninh chính trị. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường; đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm, đã xảy ra 268 vụ tai nạn giao thông, làm chết 155 người, bị thương 188 người; so với cùng kỳ năm 2015, giảm 21 vụ, số người chết tăng 07 người, số người bị thương giảm 50 người.