|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017

I. TÌNH HÌNH VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Sáu tháng đầu năm 2017, kinh tế trong nước tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Đối với tỉnh ta, ngoài ảnh hưởng của tình hình trên còn chịu ảnh hưởng nặng nề của 5 đợt lũ cuối năm 2016, giá thịt heo hơi giảm sâu đã tác động mạnh vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp; bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tuy có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng vẫn gặp khó khăn. Trước tình hình đó, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; ban hành Quyết định cụ thể hóa những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 đạt kết quả như sau:

Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 20.955,1 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ; trong đó: nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,37% (riêng nông nghiệp tăng 0,49% cùng kỳ năm trước); công nghiệp và xây dựng tăng 9,75% (riêng công nghiệp tăng 9,44%); dịch vụ tăng 7,92%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 27,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 30,6%; dịch vụ chiếm 38,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,5% (cùng kỳ tương ứng 30,2%-28,6%-37,4%-3,8%). Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.

1. Về phát triển kinh tế

a) Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên, môi trường

Giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 7.253 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt 3.752,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ; chăn nuôi đạt 3.311,2 tỷ đồng, giảm 2,3%; dịch vụ nông nghiệp đạt 189,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so cùng kỳ.

Về trồng trọt, toàn tỉnh đã kết thúc vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017 và đang sản xuất vụ Hè Thu năm 2017. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2016-2017 đạt 78.215 ha, giảm 1,1% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực vụ Đông Xuân đạt 333.941,5 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ; trong đó: Diện tích lúa 47.292,6 ha, giảm 2,6%, năng suất 67,7 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha; sản lượng đạt 320.383 tấn, xấp xỉ cùng kỳ; các loại cây trồng cạn khác như: Cây ngô năng suất đạt 62,2 tạ/ha, tăng 1,1%; sắn đạt 268,4 tạ/ha, tăng 1,6%; mía đạt 587,3 tạ/ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ; cây lạc đạt 35,1 tạ/ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ…

Vụ Hè Thu: Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu năm  2017 là 42.908  ha , trong đó lúa Hè là: 8.884 ha, lúa Thu là 34.024  ha. Theo số liệu báo cáo tiến độ sản xuất đến ngày 22/6/2017 đã gieo sạ được 43.572  ha, tăng 1,5% so với kế hoạch. Diện tích cây trồng cạn vụ hè thu đã thực hiện: Cây ngô 3.416,8 ha, cây lạc 1.627 ha, vừng 2.149,4 ha, đậu các loại 814,1ha, rau các loại 4.569,3 ha.

Về thực hiện Cánh đồng mẫu lớn: Tiếp tục phối hợp, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương và nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn. Vận động doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, thực hiện cánh đồng mẫu lớn, gắn kết liên kết sản xuất chuỗi, với tổng số 119 cánh đồng mẫu lớn (110 CĐML lúa, 06 cánh đồng lạc, 02 cánh đồng ngô lai, 01 cánh đồng mía) với diện tích là 5.098,6 ha.

Về chăn nuôi, công tác kiểm dịch xuất nhập tỉnh, kiểm soát giết mổ; tiêu độc, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán, nơi tập kết gia súc gia cầm trước khi vận chuyển... được tăng cường; do đó, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh dịch bệnh nghiêm trọng và lây lan  diện rộng. Tuy nhiên, do tình trạng cung vượt cầu nên hiện nay giá thịt heo hơi đang ở mức thấp, đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tác động không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt lợn nhằm giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo phối hợp với các ngành liên quan thống nhất danh sách hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại có nhu cầu tham gia các gian hàng bình ổn giá tại địa phương và khẩn trương lập các điểm bán thịt lợn bình ổn giá, hỗ trợ chi phí giết mổ, chi phí kiểm dịch và vận chuyển. Đến nay, cơ bản sản phẩm thịt heo đã tiêu thụ được một lượng lớn thông qua các điểm bán bình ổn giá, giải quyết phần nào khó khăn cho người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các địa phương đã đồng loạt triển khai tiêm phòng vacxin động vật đợt 1 năm 2017 theo đúng kế hoạch. Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm ngày 01/4/2017, đàn trâu của tỉnh có gần 21 nghìn con, giảm 3,6%; đàn bò gần 296,8 nghìn con, tăng 10,6%; đàn lợn gần hơn 727 nghìn con, giảm 9,7%; đàn gia cầm gần 7 triệu con, giảm 1,7% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 375 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục thực hiện công tác phúc tra, nghiệm thu các hạng mục lâm sinh của năm 2016; hoàn thành công tác chăm sóc rừng đợt 1 với diện tích 14.400ha (rừng phòng hộ 2.325ha; rừng sản xuất 12.075 ha), đạt 100 %; đã thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 110.367ha; đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị cây giống, diện tích đất lâm nghiệp, thiết kế rừng trồng và các điều kiện khác để thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017. Công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát địa bàn để ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy được chú ý tăng cường. Công tác phòng, chống cháy rừng đang được tích cực triển khai thực hiện tại các địa phương. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm vẫn còn xảy ra 25 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích 9,74 ha; 03 vụ cháy rừng trồng Phi lao trên địa bàn huyện Phù Mỹ với diện tích 1,62 ha; các ngành chức năng đã thực hiện phá bỏ cây trồng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật 167,06 ha.

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 3.971 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 99.535,3 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng cá đạt 76.644,5 tấn, tăng 6%; tôm đạt 790 tấn, giảm 3,1%; thủy sản khác 22.100,7 tấn, giảm 0,1%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3.379,8 tấn, tăng 9% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá đạt 1.448,5 tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ; tôm đạt 1.832,7 tấn, tăng 31,6%; thủy sản khác đạt 98,6 tấn, giảm 31,2%. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh đến nay là 5,23 ha tôm chân trắng; chiếm 0,3 % diện tích nuôi (bằng 21% so với cùng kỳ). Công tác thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP  đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Đến nay, đã phê duyệt hỗ trợ cho 891 hồ sơ với số tiền 67.822 triệu đồng theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP và đã phê duyệt theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là 21 đợt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, trong đó: phê duyệt 13 đợt chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới với 256 tàu (148 tàu vỏ thép, 85 tàu vỏ gỗ, 23 tàu vỏ composite), trong đó có 243 tàu khai thác và 13 tàu dịch vụ hậu cần và 08 đợt chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp với 50 tàu vỏ gỗ.

Hiện tại, có 49 tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đi vào hoạt động sản xuất từ 01- 09 chuyến biển, theo phản ảnh của ngư dân bước đầu đem lại hiệu quả, cụ thể: Có 24 tàu sản xuất đạt hiệu quả khá, chiếm 49%, trung bình lãi khoảng 60-80 triệu đồng/tàu/chuyến biển, so với các tàu vỏ gỗ cùng công suất thì hiệu quả của các tàu thép cao hơn từ 15-20% trong mỗi chuyến biển, có 10 tàu khai thác có lãi trung bình từ 100 triệu đồng/chuyến biển trở lên, cá biệt có tàu lãi 500-700 triệu đồng/chuyến biển; có 05 tàu sản xuất hòa vốn, chiếm khoảng 10% và 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả do bị trục trặc, hư hỏng máy, thiết bị chiếm khoảng 30%, trong đó có 01 tàu bị chìm, các cơ sở đóng tàu đã tập trung sửa chữa khắc phục hư hỏng, hiện tại còn 04 tàu bị hư hỏng đang sửa chữa.

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, đã giới thiệu địa điểm 37 dự án, diện tích 236,2ha; giao đất 36 dự án, diện tích 23.954,4ha; cho thuê đất 50 dự án, diện tích 537,2ha; thu hồi đất 08 trường hợp, diện tích 348ha; công nhận quyền sử dụng đất 31 trường hợp, diện tích 9,7ha; giao đất 27 khu dân cư, diện tích 37,2ha; phê duyệt 27 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí hơn 109,2 tỷ đồng.

Công tác xây dựng nông thôn mới: đã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, trong 12 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2017 (10 xã đạt chuẩn NTM và 02 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM), có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, 07 xã đạt 17 tiêu chí và 04 xã đạt 16 tiêu chí; đã ban hành một số tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đang tích cực triển khai rà soát hiện trạng các tiêu chí, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đạt chuẩn tiêu chí theo quy định. Nhìn chung, công tác xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dự kiến đến cuối năm 2017 tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 50/ 122 xã, tỷ lệ 40,98%.

b) Về sản xuất công nghiệp, xây dựng

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,98% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai thác giảm 14,9%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 23,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,11%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,09%. Trong đó:

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhờ nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 29,7%, nhóm ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 23,4%, nhóm ngành sản xuất trang phục tăng 15,4%, nhóm ngành sản xuất hóa, dược tăng 15,2%...

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 23,5%, do các hồ thủy điện tích trữ được lượng nước từ các đợt mưa lũ đảm bảo hoạt động sản xuất điện ổn định (cùng kỳ khô hạn, thiếu nước để sản xuất điện).

Ngành công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,1% và công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm 15,9%, do hoạt động khai thác quặng titan tiếp tục giảm sâu  (giảm 27%).

Một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh tăng đáng kể như: Thức ăn gia súc tăng 10,3%, dung dịch đạm huyết thanh tăng 12,9%, các loại sản phẩm may mặc tăng trung bình trên 15%, cấu kiện thép tăng 11%, phi lê cá tăng 8,2%,...Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng 84,2% sản lượng điện sản xuất so cùng kỳ và tiếp tục phục hồi ngành sản xuất bàn ghế gỗ.

Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ. Kết quả sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận những đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp địa phương ở một số ngành như sản xuất chế biến thực phẩm, trang phục, sản xuất thuốc, sản xuất sản phẩm từ kim loại. Ngoài ra, điểm sáng nổi bật trong tăng trưởng sản xuất là ngành sản xuất và phân phối điện, chỉ số tăng 23,5% (cùng kỳ giảm 11,56%), sự phục hồi của ngành chế biến bàn ghế gỗ, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng cao so cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất một số sản phẩm: Quặng titan, thức ăn gia súc, tôm đông lạnh,… có xu hướng giảm hoặc tăng chậm do một số nguyên nhân như chủ trương hạn chế xuất khẩu thô các sản phẩm titan; nhu cầu tiêu thụ thức ăn gia súc giảm; thiếu nguyên liệu và rào cản kỹ thuật ở sản phẩm tôm. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, dự báo trong thời gian tới tình hình sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và có những đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm 2017 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 5.395 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 19,7 tỷ đồng, giảm 12,4%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 5.374,8 tỷ đồng, tăng 10,7%.

c) Về thương mại, dịch vụ, tài chính

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 27.806 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 22.889 tỷ đồng, tăng 9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 3.335 tỷ đồng, tăng 20,6% và doanh thu hoạt động dịch vụ 1.582 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 882 vụ; phát hiện vi phạm và xử lý 542 vụ và đã xử lý theo quy định của pháp luật, thu nộp ngân sách nhà nước 2.025 triệu đồng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 giảm 0,27% so với tháng trước và tăng 1,81% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,65% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 362,6 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 14,4 triệu USD, giảm 52,6%; kinh tế tư nhân đạt 317,5 triệu USD, tăng 7,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30,7 triệu USD, giảm 12,1%. Các sản phẩm tăng khá như: phân bón các loại tăng 84%, gỗ tăng 33%, giày dép các loại tăng 17%, sản phẩm gỗ tăng 10%, thủy sản tăng 8,2% so với cùng kỳ... Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu giảm, như: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 58,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 46% so với cùng kỳ...

Giá trị nhập khẩu đạt 134,5 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ; các mặt hàng nhập khẩu tăng chủ yếu là thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 98,3%, nguyên liệu thuốc tăng 58,1% , phân bón các loại tăng 67,1% so cùng kỳ...so với cùng kỳ.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm hoạt động thương mại có nhiều tiến bộ, thị trường hàng hóa trong tỉnh tiếp tục phát triển sôi động, phong phú, đa dạng, sức mua của các tầng lớp dân cư tăng. Các DN thương mại chuẩn bị tốt lực lượng hàng hóa, tổ chức nhiều điểm bán hàng, tham gia bình ổn thị trường và chương trình khuyến mại đặc biệt nên giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của các tầng lớp nhân dân, không để xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa trong các dịp lễ, tết. Hoạt động thương mại miền núi luôn được quan tâm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng chính sách xã hội và hàng tiêu dùng thiết yếu đã được tổ chức phục vụ kịp thời tại các vùng miền núi và vùng sâu, vùng xa đáp ứng nhu cầu mua sắm tết cho đồng bào.

Tổng lượt khách du lịch đến Bình Định 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,9 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 129.800 lượt tăng 9%, khách nội địa ước đạt 1.773.200 lượt, tăng 15% so cùng kỳ). Tổng doanh thu du lịch 6 tháng ước đạt 990 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ (trong đó doanh thu lưu trú ước đạt 338,4 tỷ đồng, chiếm 34% tổng doanh thu, doanh thu ăn uống ước đạt 399,1 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng và các dịch vụ khác ước đạt 117,2 tỷ đồng, chiếm 12% tổng doanh thu, doanh thu lữ hành và vận chuyển ước đạt 135,3 tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu).

Dịch vụ vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm đạt trên 17,9 triệu hành khách, tăng 5% và luân chuyển 1.761 triệu hành khách-km, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Vận chuyển hàng hoá đạt gần 7,9 triệu tấn, tăng 4,4%, luân chuyển đạt 1.252 triệu tấn-km, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Hàng hoá thông qua cảng biển 6 tháng đầu năm 2017 đạt 4.504,5 ngàn TTQ, tăng 13% so với cùng kỳ.

Về hoạt động tài chính, tín dụng, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng đã giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, bên cạnh đó một số tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có mức lãi suất huy động và cho vay thấp hơn trần lãi suất theo quy định. Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương ước đến ngày 30/6/2017 là 47.480 tỷ đồng, tăng 8,25% so với đầu năm. Tổng dư nợ ước đến ngày 30/6/2017 là 57.370 tỷ đồng, tăng 5,97% so với đầu năm (trong đó nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 1,71% so với tổng dư nợ). Các tổ chức tín dụng đã tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn và các dự án, phương án có hiệu quả.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm (không kể các khoản thu vay, tạm ứng ngân sách và thu bổ sung từ ngân sách Trung ương) là 3.239 tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 2.899,6 tỷ đồng, đạt 52% dự toán năm, tăng 18,8% so với cùng kỳ (thu tiền sử dụng đất 789,4 tỷ đồng, đạt 71,8% dự toán năm, tăng 28,4% so với cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 259,3 tỷ đồng, đạt 55,1% dự toán năm, tăng 10,8% so cùng kỳ và một số khoản thu khác. Chi cân đối ngân sách địa phương đạt 4.235 tỷ đồng, đạt 48,6% dự toán năm và tăng 21,8% so cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên 3.200 tỷ đồng, đạt 54,1% dự toán năm, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

d) Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển

Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư phát triển chủ yếu đầu tư cho các công trình, dự án dở dang từ những năm trước chuyển sang. Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm; các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh toán kịp thời khối lượng hoàn thành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công công trình đạt theo tiến độ.

Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2017 đạt 736 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản vay ngân sách tới hạn đã trả); đã thanh toán 702,6 tỷ đồng (kể cả tạm ứng), đạt 38,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 258,2 tỷ đồng, đã thanh toán 212,2 tỷ đồng, đạt 73,9% kế hoạch năm 2017; vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 100,8 tỷ đồng, đã thanh toán 91,3 tỷ đồng, đạt  37,9% so với kế hoạch năm; vốn xổ số kiến thiết 51,3 tỷ đồng, đã thanh toán 50,3 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch năm.

e) Về xây dựng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp

Hiện nay, trong Khu kinh tế Nhơn Hội có 60 Dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 38.378 tỷ đồng, trong đó, 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 530 triệu USD (chiếm tỷ trọng 25,5% tổng vốn đăng ký). Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 6 tháng đầu năm của 60 Dự án đạt khoảng 1.522 tỷ đồng (tăng 39,6% so với cùng kỳ).

Tại các khu công nghiệp, tiếp nhận mới 10 Dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.135 tỷ đồng, điều chỉnh 18 dự án đầu tư, thu hồi 07 dự án. Đến nay, có 231 dự án (bao gồm các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng) đầu tư vào các KCN với tổng vốn đầu tư khoảng 12.145 tỷ đồng; 14 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 131 triệu USD; 82 dự án đang đầu tư xây dựng, tổng vốn thực hiện 2.232 tỷ đồng.

Đến nay, có 42/63 CCN đã đầu tư đi vào hoạt động với tổng diện tích (theo QHCT) là 1.310,8 ha. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 772 DN/CS đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.735 tỷ đồng. Trong đó: có 702 DN/CS đã hoạt động và giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động, chiếm 18% so tổng lao động toàn ngành công nghiệp, chủ yếu là lao động sinh sống tại các vùng gần CCN, với mức lương bình quân từ 3 ÷ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngành nghề của các CCN đã đi vào hoạt động chủ yếu là chế biến nông lâm sản; cơ khí; bao bì các loại; may mặc; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn.....

g) Về công tác quản lý doanh nghiệp, hợp tác phát triển và thu hút đầu tư

Về hoạt động xúc tiến đầu tư: Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan đã làm việc với một số Doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn KTR, Công ty TNHH Năng lượng Seoul, Tập đoàn Hóa dầu Kum Ho (Hàn Quốc), Tập đoàn Fujiwara, Marubeni Lumber, Sanicon (Nhật Bản), Tập đoàn Univergy (Liên doanh giữa Tây Ban Nha và Nhật Bản), Tập đoàn Wilmar International Limited (Singapore), Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế Asean - Areco (Nhật Bản)…. Đã tổ chức thành công Buổi đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.  Nội dung đối thoại chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên, môi trường; thuế, hải quan; lao động; quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải; tài chính, ngân hàng; thương mại; đầu tư; điện, nước, hạ tầng cụm công nghiệp; bảo hiểm…Qua kết quả đối thoại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp.

Về đăng ký kinh doanh: Trong 6 tháng đầu năm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 437 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 2.730,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 12,6% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 62,23% về vốn đăng ký. Trong đó:  Doanh nghiệp tư nhân 18 DN, vốn đăng ký 20,5 tỷ đồng; Công ty TNHH 1TV 253 DN, vốn đăng ký 920,2 tỷ đồng; Công ty TNHH 2TV 142 DN, vốn đăng ký 563,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần 24 DN, vốn đăng ký 1.226,6 tỷ đồng. Cấp đăng ký cho 224 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh. Đăng ký thay đổi 1.300 doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD. Giải thể và chấm dứt hoạt động 50 trường hợp, tạm ngừng hoạt động 134 trường hợp. Ngoài ra, cấp đăng ký thay đổi cho 18 Hợp tác xã, chi nhánh HTX theo quy định mới Luật Hợp tác xã.

Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI): Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 06 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 92 triệu USD, gồm: Dự án Nhà máy may mặc Seldat của Công ty TNHH Seldat Việt Nam của nhà đầu tư Canada với tổng số vốn đầu tư 1,173 triệu USD; Dự án Xử lý nước của Công ty TNHH Sanicon (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư là 0,2 triệu USD; Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu gỗ và đồ gỗ của Công ty TNHH Marubeni Lumber Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5 triệu USD; Dự án Gia công đá hoa cương của Công ty RCV (Nhật Bản) vốn đăng ký là 0,5 triệu USD; Dự án Trại heo giống Bình Định của Công ty TNHH Linkfarm Thái Lan với tổng vốn đăng ký đầu tư 21,2 triệu USD; Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara (Nhật Bản) vốn đăng ký 64 triệu USD. Như vậy tính đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 74 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 872 triệu USD, nguồn đóng góp này chủ yếu là nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh đến các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Về đầu tư trong nước: Toàn tỉnh đã thu hút được 45 dự án (chấp thuận chủ trương đầu tư 21 dự án; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 24 dự án) với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 11.861,1 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại và bất động sản; 8 dự án đầu tư vào nông nghiệp và 15 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. So với cùng kỳ, số dự án tăng thêm 10 và tổng vốn đầu tư tăng hơn 2.615,7 tỷ đồng.

h) Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi

Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn Nghị quyết 30a, chương trình 135, vốn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chính sách định canh, định cư, lồng ghép các chương trình, dự án giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, giải quyết đất sản xuất. Nhìn chung, các chương trình, dự án và chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

2. Về văn hoá – xã hội

Về Giáo dục và Đào tạo, đã tổng kết năm học 2016-2017, xét công nhận hoàn thành Chương trình tiểu học, công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2016-2017; hướng dẫn việc ôn tập và tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cơ bản tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Hoàn thành việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018 và thi vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT chuyên Chu Văn An - Trường chuyên phía Bắc tỉnh. Tổ chức thi tốt nghiệp nghề phổ thông năm học 2016-2017 với 38.396 học sinh dự thi, trong đó: 21.164 học sinh THCS; 17.232 học sinh THPT. Đã tổ chức tốt các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, các hội thi, cuộc thi trẻ toàn tỉnh; các kỳ thi, hội thi được tổ chức sôi nổi, nghiêm túc góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “hai tốt” trong nhà trường.

Về Văn hoá và Thể thao, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị và chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2017 như: Tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ đạo tổ chức các chương trình: Dạ hội “Mừng Đảng Mừng Xuân” Đinh Dậu 2017; Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Lễ hội Văn hoá,Thể thao miền núi lần thứ XIV; Tổ chức ngày hội người Bình Định tại thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức Vòng chung kết Giải bóng đá U19 quốc gia… Tổ chức thành công Lễ khánh thành Tượng đài cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác (ngày 19/5/2017).

Về Du lịch, đã tổ chức thành công khai mạc Lễ hội du lịch hè năm 2017 vào ngày 17/6/2017 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Quy Nhơn. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các Hội chợ Du lịch quốc tế, Ngày Hội người Bình Định tại Tp. Hồ Chí Minh... Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 dự án đầu tư về du lịch, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian đến. Ngoài ra ngành còn chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn phục vụ khách du lịch. Công tác Quy hoạch phát triển du lịch cũng được quan tâm, hiện nay Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Phương Mai – Núi Bà và Quy hoạch phát triển du lịch các huyện phía Bắc tỉnh đang được triển khai thực hiện.

Về Y tế, tiếp tục tăng cường đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đôn đốc việc thực hiện Tiêu chí về Y tế tại các xãđăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017. Công tác phòng chống dịch được quan tâm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ, có sự phối hợp của các địa phương, đoàn thể; hoạt động tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh tại cộng đồng được đẩy mạnh. Tính đến ngày 28/6/2017 bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 924 cas, Bệnh Tay - chân - miệng 99 cas, bệnh sốt rét 10 cas, không có trường hợp tử vong. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động của Dự án Bệnh viện Bay Orbis năm 2017… Tổng số nhân lực y tế toàn ngành y tế hiện có 6.219 người (trong đó, bác sĩ: 882; dược sĩ đại học: 71). Số xã có bác sĩ công tác: 157/159, đạt tỷ lệ 98,7% (trong đó: 135 xã có bác sĩ tại chỗ, 22 xã có bác sĩ tăng cường từ tuyến huyện về).

Về Lao động – Thương binh và Xã hội, đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương liên quan theo dõi tình hình sử dụng lao động, ổn định việc làm tại các doanh nghiệp, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đã tạo việc làm mới cho khoảng 14.963 lao động, tăng 1,9% so với cùng kỳ (đạt 50,2% kế hoạch). Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu lao động ở 03 huyện nghèo, đến tháng 6/2017 đã có 165 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 17% so cùng kỳ (đạt 55% kế hoạch), cụ thể: Nhật Bản 155 người, Hàn Quốc 08 người, Đài Loan 01 người, UAE 01 người. Sáu tháng đầu năm 2017 không xảy ra đình công, tranh chấp lao động gây hậu quả xấu. Tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về lao động rất phổ biến, nhất là tình trạng không đóng BHXH cho lao động, nợ BHXH, lao động làm việc chưa đăng ký hợp đồng lao động, chưa quan tâm đầy đủ các biện pháp bảo hộ lao động…

Về thực hiện chính sách người có công: Đã giải quyết hưởng chế độ ưu đãi cho 3.056 người có công với cách mạng; Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công, triển khai vận động đóng góp xây dựng Qũy “Đền ơn đáp nghĩa” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). Đã triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2017, phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các huyện nghèo, các địa phương đang tích cực phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án về đầu tư và hỗ trợ phát triển sản xuất.

 Về Thông tin và Truyền thông, đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trong định hướng công tác thông tin tuyên truyền. Thường xuyên chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước như: BHYT, BHXH; Tập trung xây dựng và triển khai Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước năm 2017..

3. Các hoạt động khối nội chính

a) Về xây dựng chính quyền: Tiếp tục chỉ đạo củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ mới. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh giai đoạn 2011-2020. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc cấp mình quản lý, bám sát các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh để tổ chức triển khai với các hình thức phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo tập hợp, xây dựng báo cáo kịp thời, chính xác ý kiến đóng góp của nhân dân.

b) Công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra tiếp tục được chỉ đạo triển khai theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã và đang tiến hành 57 cuộc kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, XDCB, tài chính - ngân sách và những vụ việc nổi cộm, bức xúc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, trong đó đã hoàn thành, kết luận xử lý 40 cuộc theo quy định của pháp luật.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tiếp tục được chú trọng thực hiện theo quy chế. Trong 6 tháng đầu năm các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 2.112 lượt/2.665 người đến Trụ sở tiếp công dân và các cơ quan nhà nước trực tiếp trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; so với cùng kỳ năm 2016, tiếp công dân tăng 115 lượt người. Trong 6 tháng, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 462 vụ khiếu nại/589 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 78,43% và 10 vụ tố cáo/12 vụ thuộc thẩm quyền, đạt 83,3%. Công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, thực hiện trợ giúp pháp lý, kiểm tra công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác thi hành án dân sự tiếp tục được tăng cường.

c) Quốc phòng an ninh được bảo đảm, công tác huấn luyện quân sự, giáo dục quốc phòng tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Đã tổ chức lễ giao quân năm 2017, kết quả giao quân đạt 100% chỉ tiêu; bảo vệ an toàn các ngày Lễ lớn của tỉnh và của đất nước. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tại thành phố Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Các lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường; đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh đã xảy ra 154 vụ tai nạn giao thông, chết 93 người, bị thương 97 người; So với cùng kỳ năm 2016: giảm 36 vụ, giảm 17 người chết, giảm 42 người bị thương.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017

Nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2017 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quyết định việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 mà nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XI đã đề ra, do đó các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành năm 2017, nhất là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt theo kế hoạch; đồng thời chú trọng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Về nông, lâm, thủy sản và quản lý tài nguyên, môi trường:

Tập trung chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch lúa vụ Hè Thu, tiếp tục chỉ đạo áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm nước tưới; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2017 đảm bảo dành thắng lợi theo kế hoạch năm 2017 đã đề ra. Tập trung triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn và triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, tập trung xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại ở 12 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Tiếp tục kiểm tra và có giải pháp củng cố, duy trì 38 xã đã được công nhận xã nông thôn mới, đôn đốc các doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ để triển khai thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trên đồng ruộng.

Tiếp tục chỉ đạo khôi phục và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn phòng chống các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, như dịch LMLM, heo tai xanh, cúm gia cầm. Chỉ đạo công tác kiểm dịch động vật gắn với kiểm tra, kiểm soát một cách thường xuyên, chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và các phương tiện vận tải chuyên chở động vật ra vào tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tăng cường kiểm tra chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh và hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi của các công ty, doanh nghiệp.

Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống và ngăn chặn có hiệu quả nạn sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ trong khai thác hải sản trên các đầm và vùng ven biển của tỉnh. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, hiệu quả; thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường và kiểm dịch tôm giống; quản lý chất lượng giống tôm, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người nuôi và biện pháp phòng trừ dịch bệnh tôm. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đóng tàu đánh bắt xa bờ theo tinh thần Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị đất, cây giống, triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2017. Công tác xử lý thực bì và thiết kế trồng rừng phải hoàn thành trước tháng 9/2017 để kịp thời trồng rừng khi bắt đầu vào mùa mưa. Chú trọng các dự án trồng rừng cảnh quan, rừng phòng hộ. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm tra, xử lý các vụ phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép và triển khai quyết liệt phương án phòng chống cháy rừng tại các địa phương có rừng.

Tăng cường công tác kiểm tra quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; tiếp tục kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với tổ chức và cá nhân vi phạm công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho dân.

Triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2017, trong đó lưu ý: Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thuỷ lợi, giao thông; các dự án đầu tư hạ tầng thủy sản bảo đảm vượt lũ. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành trình duyệt và triển khai phương án, kế hoạch phòng tránh bão lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2017 của từng địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất để cứu hộ, cứu nạn và di dãn dân khi có bão lụt xảy ra.

2. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng: Tập trung theo dõi, đôn đốc các DN đẩy mạnh SX, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các DN, các dự án đã và đang đầu tư để xem xét giải quyết, tháo gỡ kịp thời nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động SXKD của các doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn các DN xây dựng và triển khai chính sách thu mua hợp lý để đảm bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh. Tập trung thúc đẩy các nhà máy sản xuất đang hoạt động, cũng như các nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2016 phát huy công suất. Chú ý là dự án nhà máy Dệt - Nhuộm - May của Cty TNHH Delta Galil Việt Nam với vốn đầu tư 13 triệu USD, 02 dự án nhà máy sản xuất tinh bột sắn, công suất gần 80.000 tấn SP/năm hoạt động ổn định, phát huy được giá trị SXCN. Hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư SXCN, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo tiến độ cho các dự án đang xây dựng nhà máy hoàn thành và vào hoạt động trong năm 2017, tạo ra giá trị mới, cụ thể: Dự án nhà máy thép Hoa Sen - Nhơn Hội (công suất 200.000 tấn SP/năm, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng), giai đoạn 2 nhà máy ống nhựa Hoa Sen (12.000 tấn SP/năm), nhà máy thủy sản YOYO (2.000 tấn SP/năm), Nhà máy thức ăn chăn nuôi Japar Comfeed (180.000 tấn SP/năm),... Phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC xúc tiến các thủ tục để sớm triển khai dự án Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Becamex Bình Định tại huyện Vân Canh.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tích cực áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Triển khai xây dựng Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng trong các tháng cuối năm 2017 và Tết nguyên đán 2018. Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình Xúc tiến thương mại, nhất là thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Khẩn trương triển khai các chương trình, đề án khuyến công quốc gia và địa phương năm 2017, đảm bảo đúng thời gian, đối tượng; khôi phục, phát triển các làng nghề TTCN, quy hoạch chi tiết các CCN… nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở SXCN nông thôn đẩy mạnh sản xuất. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Định xây dựng kế hoạch cung ứng điện ổn định phục vụ tốt cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện sử dụng điện tiết kiệm của khách hàng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt chỉ đạo các địa phương, DN, Ban quản lý các chợ… tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng để giảm thiểu thiệt hại tài sản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

3. Về thương mại, du lịch và dịch vụ: Tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là đối với việc bình ổn giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tư nhân…; xử lý kiên quyết những trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch; hợp tác phát triển về du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, mở rộng các loại hình và sản phẩm du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các ngành dịch vụ bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... để phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

4. Về tài chính, thu ngân sách: Các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, nhất là thu nội địa để đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch; xử lý kiên quyết các trường hợp tồn đọng thuế, nợ thuế và chống thất thu thuế. Rà soát, kiểm tra và điều chỉnh kịp thời các đối tượng thực hiện thuế khoán, nhất là đối với loại hình ăn uống, dịch vụ. Thực hành tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi hành chính và các lĩnh vực khác. Khuyến khích phát triển, mở rộng các ngành nghề, lĩnh vực có số thu lớn, nguồn thu ổn định và các hoạt động dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

5. Trên lĩnh vực đầu tư phát triển: Tiếp tục huy động mọi nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu chi đầu tư; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, nhất là các nguồn Trái phiếu Chính phủ, nguồn an sinh xã hội nhằm tăng nguồn cho đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn và giải quyết các khó khăn của địa phương như công tác di dân tránh bão, khắc phục sạt lở đê bao, hạn chế thiệt hại đối với mùa mưa bão năm nay; công tác sửa chữa lớn các công trình thủy lợi xuống cấp; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, du lịch, đảm bảo các công trình vượt lũ theo kế hoạch.

Các cấp, các ngành, các chủ đầu tư phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ và chất lượng các dự án xây dựng đã phân cấp và giao nhiệm vụ quản lý, nhất là tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông và phúc lợi công cộng để phục vụ nhân dân. Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong các khâu thẩm định phê duyệt dự án, giao đất và bồi thường GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, kiên quyết thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, triển khai không đúng tiến độ đã cam kết để giao cho nhà đầu tư có đủ năng lực.

6. Chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động hè cho giáo viên và học sinh; khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp trong dịp hè và các điều kiện khác phục vụ tốt cho khai giảng năm học mới và triển khai thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2017 – 2018, có biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học ngay từ đầu năm học. Chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất và đời sống.

7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” đi vào chiều sâu; phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước năm 2017. Tăng cường công tác quản lý báo chí và các hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh.

8. Củng cố và nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng; chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp y tế công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế. Quan tâm chú trọng công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với y tế cơ sở; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 theo kế hoạch đề ra. Tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác về đào tạo và tiếp nhận các kỹ thuật y tế từ Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) về Bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc Đề án triển khai bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016 – 2020.

9. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, đề án giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công với nước, chính sách đối với hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời giúp đỡ, cứu trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cứu tế xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, người có công; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp. Tăng cường phối hợp với các đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu lao động để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chú trọng theo dõi số lao động hết thời hạn và trước khi hết thời hạn hợp đồng để có biện pháp hỗ trợ tạo việc làm theo quy định.

10. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017, chú trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong đầu tư XDCB, tài chính, quản lý đất đai và các vấn đề bức xúc khác. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

11. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2017 đến cơ sở xã, phường, thị trấn theo kế hoạch; kiểm tra đôn đốc thi công xây dựng các công trình phòng thủ. Tăng cường chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, có kế hoạch bảo vệ an toàn các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông theo quy định./.   


Tin nổi bật Tin nổi bật