A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết 10 năm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 08/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình (gồm: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình.

Đặc biệt, công tác cải cách TTHC nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp, giải pháp cụ thể hóa việc triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Văn phòng UBND tỉnh chủ động nghiên cứu và kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác này. Nhờ đó, công tác cải cách TTHC của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực qua từng năm, dần đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của công tác quản lý và nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Tập trung kiểm soát TTHC

Tính từ năm 2015 đến hết Qúy I năm 2020, Văn phòng UBND tỉnh đã thẩm định, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố trên 5.640 TTHC và cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC theo đúng quy định. Từ năm 2015 đến nay, Văn phòng UBND tỉnh đã tiến hành đánh giá, thẩm định và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa 113 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định.

Giao diện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC

 

Chú trọng chuẩn hóa, công khai TTHC

Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với VNPT Bình Định rà soát trên 2.030 TTHC ba cấp và đã thực hiện “địa phương hóa”, công khai gần 1.740 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 20 sở, ban, ngành thuộc tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Công tác chuẩn hóa TTHC được Văn phòng quan tâm, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện ngay trong khâu thẩm định, kiểm soát trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC để đảm bảo TTHC được thực thi theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; khắc phục tình trạng văn bản pháp luật đã có hiệu lực thi hành nhưng các bộ, ngành Trung ương không kịp thời công bố sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế TTHC hoặc TTHC đã được UBND tỉnh quyết định phân cấp, ủy quyền việc thực hiện.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC

Hiện nay, 100% TTHC tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo đúng quy định. 100% UBND cấp huyện, cấp xã đã đưa vào vận hành phần mềm một cửa điện tử, đảm bảo kết nối liên thông trong giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã, hoàn thành trước tiến độ theo yêu cầu của Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về CCHC.

100% TTHC tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Tính đến ngày 25/4/2020, Văn phòng đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 67 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 1221 TTHC không liên thông và 22 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 529 TTHC liên thông; trong đó, xác định cụ thể trình tự thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm giải quyết của từng phòng, ban, cá nhân…

Để đẩy mạnh công tác CCHC, Văn phòng đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh triển khai quy trình thu phí, lệ phí điện tử (không thu tiền mặt đối với các quầy giao dịch) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (PVHCC) thông qua việc kết nối liên thông giữa phần mềm nghiệp vụ của Chi nhánh Ngân hàng BIDV Bình Định với phần mềm một cửa điện tử vận hành tại Trung tâm; đồng thời triển khai việc sử dụng Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết TTHC điện tử để thay cho bản giấy đối với các TTHC đã được phê duyệt quy trình nội bộ.

Thu phí, lệ phí điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Bình Định - một trong những địa phương có số dịch vụ công trực tuyến được tích hợp nhiều nhất trên Cổng DVCQG

Với việc xây dựng hoàn thành phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã để kết nối liên thông với phần mềm một cửa điện tử của Trung tâm PVHCC, tỉnh Bình Định đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hệ thống thông tin một cửa điện tử và kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh theo quy định. Tính đến thời điểm hiện nay, Cổng DVC của tỉnh đang cung cấp 285 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 43,24%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ tăng qua các năm... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Văn phòng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Bình Định và Văn phòng Chính phủ kết nối Cổng DVC của tỉnh với Cổng DVCQG vào ngày 05/12/2019. Đến nay, Bình Định đã tích hợp thành công 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng DVCQG, trở thành một trong những địa phương có số dịch vụ công trực tuyến được tích hợp nhiều nhất trên Cổng DVCQG so với các địa phương cấp tỉnh khác trên cả nước.

Bình Định đã tích hợp 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng DVCQG.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, sớm hạn trên địa bàn tỉnh đạt khá cao

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, sớm hạn ở cả 3 cấp qua các năm đều đạt trên 90%.

Ở cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, sớm hạn đạt 98% vào các năm 2015, 2016, 2019; đạt tỷ lệ 99% vào năm 2017; đặc biệt, riêng 03 tháng đầu năm 2020 đã đạt tỷ lệ 98%.

Ở cấp huyện, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, sớm hạn như sau: năm 2015 đạt 95%, năm 2016 đạt 98%, năm 2017 đạt 94%, năm 2018 đạt 97%, năm 2019 đạt 90% và 03 tháng đầu năm 2020 đạt 79%.

Ở cấp xã, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, sớm hạn qua các năm (2015, 2016, 2017, 2018, 2019) đều đạt 99%; riêng 03 tháng đầu năm 2020 đạt 87%.

Phương hướng, nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn 2020 – 2030

Nhìn chung, đến nay việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đạt được các mục tiêu trọng tâm đề ra. Trong giai đoạn 2020 – 2030, tỉnh Bình Định đề ra phương hướng, nhiệm vụ CCHC nhà nước như sau:

1. Tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC; gắn công tác cải cách TTHC với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá, phân loại, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Xử lý nghiêm khắc theo quy định của Đảng và của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tắc trách, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức và công dân.

2. Tiếp tục tập trung nghiên cứu hoàn thiện thể chế, nhất là những quy định liên quan đến công tác kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các chế độ thông tin báo cáo theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung công việc cụ thể để tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

3. Tiếp tục chuẩn hóa danh mục TTHC của tỉnh đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành của pháp luật; cập nhật và công khai đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, tích hợp, đồng bộ với Cổng DVC của tỉnh để đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý TTHC của các cơ quan, đơn vị sau khi được tỉnh công bố, đảm bảo đồng bộ, thống nhất tại các cấp hành chính trên địa bàn tỉnh.

4. Nghiên cứu đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc tái cấu trúc quy trình, cắt giảm thành phần, hồ sơ TTHC; tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quy chế phối hợp giải quyết liên thông các TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các công việc có liên quan đến nhiều TTHC.

5. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, chính sách áp dụng trực tiếp cho người sử dụng để khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật