A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bị phạt đến 100 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân khi vi phạm liên quan chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số

(binhdinh.gov.vn)-Đây là mức phạt cao nhất được quy định trong Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.


Ảnh minh họa.

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về chữ ký số và chứng thư số; việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử. Trong đó, đáng lưu ý tại Điều 9. Quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số, quy định: Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện: 1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khoá công khai ghi trên chứng thư số có hiệu lực đó; 2. Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khoá bí mật tương ứng với khoá công khai ghi trên chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận tại Việt Nam cấp; 3. Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký; 4. Khóa bí mật và nội dung thông điệp dữ liệu chỉ gắn duy nhất với người ký khi người đó ký số thông điệp dữ liệu.

Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân khi vi phạm các quy tắc về điều kiện hoạt động, mức phạt lên đến  đến 100.000.000 triệu đồng đối với các hành vi: Không mua bảo hiểm trong trường hợp không ký quỹ hoặc bảo lãnh; Trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng không đáp ứng điều kiện về tài chính; Không lưu trữ đầy đủ, chính xác và cập nhật thông tin của thuê bao phục vụ cho việc cấp chứng thư số trong suốt thời gian chứng thư số có hiệu lực.

Với các vi phạm các quy định về an toàn, an ninh mức phạt lên đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không triển khai hoặc triển khai không đầy đủ phương án dự phòng để đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra; Trộm cắp khoá bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; Tiết lộ hoặc cung cấp khoá bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia trái pháp luật; Sử dụng trái phép khoá bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; Phá hoại thiết bị, cơ sở dữ liệu của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc để đảm bảo an ninh quốc gia.

Ngoài ra, tùy vào mức độ và trường hợp mà có các mức phạt liên quan đến vi phạm các quy định về quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng;  Vi phạm các quy định về giá cước, phí, lệ phí; Vi phạm các quy định về cung cấp dịch vụ; Vi phạm các quy định về sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 70 triệu đồng hoặc/và xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.

Nghị định số 26/2007/NĐ-CP gồm 11 chương 73 điều.

Việc áp dụng chữ ký số, chứng thư số nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch điện tử, giúp người dùng hạn chế những mất mát không đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch điện tử liên quan về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cần lưu ý đảm bảo các nội dung quy định tại Nghị định trên./.

T.T.T


Tin nổi bật Tin nổi bật