A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ TT&TT công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, tỉnh năm 2021

(binhdinh.gov.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, tỉnh năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính, Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữ vị trí số một DTI của các Bộ cung cấp DVC, các tỉnh cung cấp DVC và các Bộ không cung cấp DVC năm 2021.

Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số vào sáng ngày 8/8/2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Thành viên Ủy ban đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Qua thử thách này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, về đảm bảo an toàn dữ liệu người dân, về triển khai các nền tảng số toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng công bố báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI 2021

Điểm nổi bật kết quả DTI 2021

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giá trị trung bình DTI năm 2021 cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020 (0,3982). Giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng mạnh 32,7% so với năm 2020 (0,3026).

Giá trị trung bình DTI 2021 cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm so với năm 2020 (0,2342), sở dĩ giảm là vì năm 2021 có thêm 02 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và các cơ quan này mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.

12/89 bộ, tỉnh (6 bộ và 6 tỉnh) tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này cho thấy quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.

Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu chuyển đổi số trong số các bộ ngành

Năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì vị trí thứ nhất về DTI của các bộ cung cấp DVC với giá trị 0,6321, tăng so với năm 2020 (0,4944). Về xếp hạng các chỉ số chính, Bộ Tài chính đứng thứ nhất về Hạ tầng số và Hoạt động chuyển đổi số.

Năm 2021, không thực hiện đánh giá với 04 bộ, cơ quan ngang bộ là: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao do đặc thù chức năng, nhiệm vụ nên một số chỉ số đánh giá chưa thực sự phù hợp, tương đồng với các bộ, ngành khác. Ngoài ra, 02 cơ quan ngang bộ là Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Dân tộc được xếp vào nhóm cấp bộ không cung cấp dịch vụ công.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu về DTI của các bộ không cung cấp DVC

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu về DTI của các bộ không cung cấp DVC với giá trị 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020 (0,2848).

Năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia đánh giá DTI lần đầu tiên.

Giá trị trung bình DTI 2021 của các bộ không cung cấp dịch vụ công năm 2021 là 0,2151, giảm so với năm 2020 (0,2342). Năm nay có thêm 02 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI (Viện Hàn lâm KHXHVN, UBQL vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và các cơ quan này mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.

Đà Nẵng giữ vững ngôi vị số 1 về DTI cấp tỉnh

Trong bảng xếp hạng năm 2021, Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị 0,6419. Top 10 tỉnh/TP đứng đầu về DTI 2021 gồm:  TP. Đà Nẵng; Thừa Thiên - Huế; TP. Hồ Chí Minh; Bắc Ninh; Lạng Sơn; Ninh Bình; Quảng Ninh; Thái Nguyên; Bình Phước; Bắc Giang.

Điểm khác khi tính DTI năm 2021 so với năm 2020 là: DTI 2021 không phải là tổng điểm của 03 trụ cột Chính quyền số; Kinh tế số và Xã hội số, mà là tổng điểm của 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.

Giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh 0,4014, tăng 32,7% so với năm 2020 (0,3026). Trong đó, 31/63 tỉnh/TP (chiếm 49,21%) có giá trị DTI 2021 trên mức TB khối; 6/63 tỉnh/TP (chiếm 9,52%) giá trị DTI 2021 đạt mức > 0,5.

Phân tích ba trụ cột DTI 2021 cấp tỉnh cho thấy, giá trị chỉ số của cả 03 trụ cột chuyển đổi số cấp tỉnh đều có tăng trưởng: Chỉ số Chính quyền số có giá trị là 0,4317, tăng trưởng 19,6% (năm 2020: 0,3611); Chỉ số Kinh tế số có giá trị là 0,4098, tăng trưởng 59,6% (năm 2020: 0,2568); Chỉ số Xã hội số có giá trị là 0,3989, tăng trưởng 37,6% (năm 2020: 0,2898). Tuy nhiên, 03 trụ cột của DTI 2021 cấp tỉnh đều có giá trị dưới mức 0,5, điều đó cho thấy năm 2022 cần tiếp tục đẩy mạnh cả 3 trụ cột chuyển đổi số, đặc biệt là Xã hội số.

DTI quốc gia bao gồm 24 chỉ số. Các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về chuyển đổi số trên quy mô quốc gia. Giá trị DTI quốc gia năm 2021 là 0,6110, tăng 25,8% so với năm 2020 (0,4858).

Giá trị DTI 2021 quốc gia cao hơn mức trung bình (0,5), trong khi DTI 2021 cấp bộ, cấp tỉnh đều thấp hơn giá trị này.

Căn cứ trên kết quả đánh giá chuyển đổi số của các Bộ tỉnh năm 2021, Bộ TT&TT nhận định, chỉ số trung bình DTI 2021 của các bộ, tỉnh còn thấp (chưa đạt 0.5). Các Bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt, dành nguồn lực chuyển đổi số để hướng đến đạt được các mục tiêu đến năm 2025.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm để có những giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục những mặt còn hạn chế, theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương, không chạy theo phong trào.

Đồng thời, căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời./.

Cấu trúc DTI 2021

DTI bao gồm 03 cấp: DTI cấp tỉnh; DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia. Cấu trúc DTI cấp tỉnh: 03 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Chỉ số đánh giá gồm: 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Cấu trúc DTI cấp bộ: Chỉ số đánh giá, 06 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Cấu trúc DTI quốc gia: 24 chỉ số, các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời tham chiếu đến các chỉ số được sử dụng trong đánh giá của quốc tế.

Theo mic.gov.vn


Tác giả: Nguyễn Văn Phong

Tin nổi bật Tin nổi bật