Ngày rằm tháng 7 (âm lịch), nhân dân ở nhiều vùng nô nức rủ nhau về An Thái (An Nhơn, Bình Định) xem hội đổ giàn: Một chú heo quay để ở giữa đài cao, nhóm võ sĩ làng nào giật được coi như làng đó thắng cuộc. Đổ giàn là một lễ hội văn hóa đặc sắc của miền đất võ Bình Định. Sau gần 60 năm "tuyệt tích giang hồ", từ năm 2005, cùng với chủ trương Bảo tồn văn hóa dân tộc, Bình Định cho khôi phục lại hội đổ giàn.
An Thái (thuộc xã Nhơn Phúc, An Nhơn) là mảnh đất ven sông Côn, từng nổi tiếng là một trong những cái nôi võ Bình Định. Từ bờ bên này, chỉ sau vài phút đi đò, là đã qua bên An Vinh (thuộc huyện Tây Sơn) - một địa danh cũng lừng lẫy về võ nghệ. Ngày đó, những người Hoa "phản Thanh phục Minh" trôi dạt đến vùng đất ven sông này sinh sống đan xen với cộng đồng người Việt, đã làm cho đời sống văn hóa, trong đó có võ thuật, ở đây thêm phong phú.
Lễ hội đổ giàn An Thái, thị xã An Nhơn
Hội đổ giàn được khởi xướng từ một số dòng họ người Hoa. Chùa Ngũ Bang Hội Quán là nơi diễn ra lễ hội đổ giàn, từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng 7 âm lịch, cứ 4 năm tổ chức một lần (cũng giống như… World Cup vậy). Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ. Trên đó đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay rồi… phóng chạy. "Xô giàn" - khi vị chủ tế hô lên, cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy chú heo quay. Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay.
Theo tục lệ, chú heo quay chiến lợi phẩm sẽ được đem xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài. Những võ sĩ, hay làng võ có người giành được phần thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng và họ tin rằng năm ấy họ sẽ gặp hên vì được "lộc của thần". Thường thì những lò võ ở An Thái và An Vinh hay giành được chiến thắng. Vì vậy mới có câu:
Tiếng đồn An Thái, Bình Khê
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo.
Hội đổ giàn không chỉ là một cuộc tranh tài lý thú và hấp dẫn, mà còn là nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê giàu tinh thần thượng võ. Trong những ngày diễn ra hội đổ giàn, còn có nhiều hoạt động phong phú khác. Theo các cụ cao niên ở An Thái, hội đổ giàn lần nào cũng kèm theo hát bội, phóng sanh, múa lân… Những ngày đó, nhà nào ở An Thái cũng treo đèn kết hoa, trống giong cờ mở rộn rã suốt ngày đêm. Ở Bình Định vẫn còn lưu truyền câu ca mô tả về hội đổ giàn:
Đồn rằng An Thái, chùa Bà
Làm chay, hát bội đông đà quá đông
Đàn bà cho chí đàn ông,
Xem xong ba Ngọ, lại trông đổ giàn.
Giờ đây, lễ hội này đã được khôi phục theo định kỳ, cứ 5 năm tổ chức một lần. Đó là một tin vui đối với những ai yêu mến miền đất võ Bình Định, để đến rằm tháng 7 "lại trông đổ giàn".
Giấy phép số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cấp ngày 14/6/2019
Trưởng Ban biên tập: Ông Lê Ngọc An - Chánh Văn phòng UBND tỉnh
Quản lý kỹ thuật: Trung tâm Tin học - Công báo Bình Định
Điện thoại: (0256).3822294 – 08056011 - Fax: (0256).3822057 - Email: banbientap@binhdinh.gov.vn
Số điện thoại đường dây nóng thông báo các sự cố về ATTT: 0256 3829042
©Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Định. Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Định" hoặc "www.binhdinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.