A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại hội nghị trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-Ngày 19/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tich Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh về việc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo ứng phó với các đợt mưa  lũ vừa qua. Sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo, ý kiến tham gia của các huyện, các thành viên BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo 259/TB-UBND ngày 22/12/2016.

Từ ngày 30/10/2016 đến ngày 16/12/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt mưa, lũ lớn lịch sử. Đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân, các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Đã làm chết 39 người, bị thương 10 người, làm sập đổ hoàn toàn 551 nhà, tốc mái 398 nhà và làm 37.309 lượt nhà bị ngập sâu trong nước. Đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Mặc dù đã được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang và chính quyền các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với mưa lũ nhưng những thiệt hại do mưa lũ là rất nặng nề, đã để lại  nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó với mưa lũ như sau: Công tác thông tin tuyên truyền của các cấp chính quyền các địa phương, các ngành chưa thực hiện tốt nên đã gây bị động, lúng túng trong việc phối hợp ứng phó với mưa lũ. Những địa phương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền thì số người bị chết do nước lũ thấp, những địa phương thực hiện chưa tốt thì số người bị chết do nước lũ cao; Công tác trực ban, cảnh báo cho nhân dân trên địa bàn còn nhiều thiếu sót, bất cập. Một số nơi, chính quyền địa phương không bố trí lực lượng tại chỗ để hướng dẫn, cảnh báo cho nhân dân đi lại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết … nên đã gây ra những thiệt hại rất đáng tiếc về người; Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn chiếu lệ, hình thức, không thực chất nên rất bị động, lung túng trong công tác ứng phó với mưa lũ. Nhiều nơi chưa có sự chuẩn bị chu đáo về lương thực, thực phẩm, nước uống và lực lượng tại chỗ để ứng cứu khi có tình huống xảy ra trên địa bàn nên đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác ứng cứu khi mưa lũ xảy ra.

Việc huy động phương tiện, lực lượng tại chỗ và nơi khác đến còn nhiều bất cập, thiếu nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành nên đã gây chậm trễ khi ứng cứu nhân dân trong mưa lũ. Việc di dời khẩn cấp nhân dân tránh lũ chưa triệt để; Công tác phối hợp, chỉ huy, điều hành còn bị động, lúng túng; Một số thành viên trong BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc để  thực hiện tốt hơn công tác ứng phó với thiên tai trong thời gian tới. Những thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua là rất nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; gây thiệt hại nặng nề đối với các công trình hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi.

Để khắc phục những thiệt hại do mưa lũ, trong khi chờ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như sau: Ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để chi cho các hoạt động khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn; Tập trung thực hiện công tác cứu trợ những gia đình có người chết, người bị thương, những người có nhà bị sập đổ hoàn toàn, nhà bị tốc mái; kịp thời cấp phát lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân; tuyệt đối không để nhân dân thiếu lương thực và nước uống, việc cấp phát phải công khai, minh bạch; Đối với những gia đình có người chết, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 10.000.000 đồng. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện; Đối với những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/01 nhà. Riêng các nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, không thể xây dựng trên nền nhà cũ được cấp 01 lô đất tái định cư, được miễn nộp tiền sử dụng đất theo quy định và được hỗ trợ 100.000.000 đồng/01 nhà. Đối với những gia đình có nhà bị hư hỏng thiệt hại do mưa lũ, tàu thuyền bị thiệt hại thì thực hiện hỗ trợ theo quy định hiện hành của tỉnh. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện; Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập ngay các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, kê khai, thống kê những thiệt hại của nhân dân trên địa bàn, lập các biểu mẫu tổng hợp theo quy định gửi Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị Trung ương hỗ trợ; Chỉ đạo các lực lượng tập trung xử lý nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, xử lý môi trường, dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ. Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn và tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương triển khai thực hiện.

Đề nghị các hội, đoàn thể phát động các phòng trào, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức ra quân giúp nhân dân vùng lũ ổn định đời sống và sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai; Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo khẩn trương khắc phục hạ tầng bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương; Giao Sở Giao thông vận tải triển khai ngay các biện pháp khắc phục những hư hỏng trên các tuyến đường giao thông đang quản lý để đảm bảo giao thông thông suốt;  Giao Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, thống kê diện tích sản xuất bị sa bồi, thủy phá, lượng giống lúa cần hỗ trợ cho vụ sản xuất Đông – Xuân 2016 – 2017, các công trình thủy lợi bị thiệt hại báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị Trung ương hỗ trợ. Đồng ý đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT về cơ chế hỗ trợ lúa giống cho nhân dân các địa phương bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Đối với các công trình thủy lợi bị thiệt hại, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi chủ động khắc phục để đảm bảo an toàn công trình và phục vụ sản xuất; Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiến nghị Quân khu 5 điều lực lượng về giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ; Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất nguồn kinh phí để mua sắm, trang bị các phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai cho các cơ quan liên quan, báo cáo UBND tỉnh;  Giao Sở Nông nghiệp và PTNT cấp bao cát cho các địa phương để phục vụ công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Giao lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi, vận động các doanh nghiệp trong và ngoài khu kinh tế ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, mưa lũ./.

Hữu Phước


Tin nổi bật Tin nổi bật