Ý kiến chỉ đạo của PCT UBND tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và bàn giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian tới.
(binhdinh.gov.vn)-Ngày 11/4/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và bàn giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Sau khi nghe Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo, ý kiến của các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 73/TB-UBND, ngày 19/4/2019.
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ, đến nay, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt một số kết quả như sau: đã phê duyệt 14 đợt cho 260 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Trong 61 tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá, hiện nay đã đóng xong, hạ thủy và đi vào khai thác. Sau khi khắc phục những sự cố hư hỏng tàu vỏ thép, nhiều tàu đã đi vào sản xuất và có hiệu quả; tuy nhiên đến nay nhiều chủ tàu mặc dù làm ăn có hiệu quả nhưng cố tình chây ỳ, không hợp tác với ngân hàng để trả nợ gốc và lãi vay. Để khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương đánh giá toàn diện hiệu quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trong thời gian vừa qua, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tiếp tục phối hợp với Đại học Nha Trang tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân trong tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế bàn giao khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới, quy định về nợ quá hạn, lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất trường hợp chủ tàu mới nhận lại khoản vay của chủ tàu cũ bị quá hạn để có cơ sở thực hiện; đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ nợ trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản được quy định tại khoản 3, điều 1 của Nghị định số 17/2018/NĐ-CP. Tham mưu cho UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ đối với các tàu cá vay vốn đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với mức phí 90% kinh phí mua bảo hiểm để giảm bớt số tiền mua bảo hiểm của các chủ tàu. Đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy định “Không hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg đối với những tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy trong quá trình hoạt động trên biển” và thực hiện niêm phong, kẹp chì cho tất cả các máy Movima đã được lắp đặt trên tàu cá.
UBND thành phố Quy Nhơn và các huyện ven biển hướng dẫn các chủ tàu muốn chuyển đổi nghề khai thác thì cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, thuê đơn vị thiết kế, tiến hành thiết kế trước khi cải hoán tàu cá trình cơ quan đăng kiểm phê duyệt theo quy định của pháp luật; đồng thời xây dựng phương án sản xuất đối với nghề chuyển đổi hoặc kiêm nghề báo cáo UBND huyện, thành phố thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt lại theo quy định. Tích cực phối hợp, hỗ trợ các Ngân hàng Thương mại liên quan thu hồi vốn vay của các chủ tàu ở địa phương vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 6610/UBND-KT ngày 25/10/2018. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP phải phối hợp với chính quyền các địa phương để thu hồi vốn vay của các chủ tàu; có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ theo thẩm quyền, tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có tàu cá vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa giảm bớt khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 11465/VPCP-KTTH ngày 27/10/2017. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân phải có trách nhiệm mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo quy định. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm biên phòng tăng cường công tác kiểm tra tàu cá và chỉ cho các tàu cá có đầy đủ giấy tờ theo quy định và đã tham gia mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên mới được xuất bến.
Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện: Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và UBND thành phố Quy Nhơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản phải quán triệt thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Luật Thủy sản năm 2017. Đặc biệt tập trung tuyên truyền, vận động 100% chủ tàu và thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển các nước trong khu vực; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và triển khai Luật Thủy sản 2017. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã/phường có tàu cá khai thác xa bờ thực hiện ký cam kết không xâm phạm lãnh hải nước ngoài; tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; triển khai cho các chủ tàu thuyền có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt và nâng cấp các trang bị máy giám sát hành trình và xây dựng kế hoạch quản lý tàu thuyền hoạt động khai thác ngoài tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi xuất bến, nhập bến. Kiên quyết không cho các tàu cá xuất bến khi chưa có đầy đủ các loại giấy tờ hoặc giấy tờ đã hết hạn theo quy định của nhà nước. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức tuần tra, kiểm soát, theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển giao tỉnh quản lý. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện ven biển và UBND thành phố Quy Nhơn tăng cường công tác tuyền truyền, triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác hải sản trái phép theo quy định. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND các huyện ven biển và thành phố Quy Nhơn có tàu hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) thực hiện chuyển đổi nghề. Kiểm tra việc hoạt động khai thác thủy sản ven bờ về an toàn tàu thuyền, phạm vi khai thác, đăng ký đăng kiểm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Văn phòng đại diện tại các cảng cá xây dựng kế hoạch và thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tất cả các tàu cá ra vào cảng theo quy định. Yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng phải thông báo cho Văn phòng đại diện ít nhất 01 giờ trước khi tàu ra hoặc vào cảng cá. Đề xuất cho UBND tỉnh xử lý các tàu cá đã đăng ký tại tỉnh nhưng di chuyển vào các tỉnh phía Nam khai thác hải sản và hàng năm không về lại địa phương để thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác hải sản; đề xuất UBND tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh các tỉnh phía Nam, BCH Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam tiếp tục hợp tác với tỉnh ngăn chặn, không cho xuất bến các tàu cá Bình Định nếu không đủ giấy tờ theo quy định.
Bên cạnh đó, yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức xuất cảnh trái phép và khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự đối với hành vi này. Sở Ngoại vụ phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác minh nhân thân ngư dân, báo cáo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ hoặc gặp nạn trên biển. Cập nhật, tổng hợp quy định mới của các nước về việc đánh bắt, xử phạt các trường hợp khai thác hải sản trái phép của các nước bạn để phối hợp thông tin, tuyên truyền nhằm cảnh báo, nâng cao nhận thức ngư dân của tỉnh.
TL