Ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp bàn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh
(binhdinh.gov.vn)-Ngày 04/7/2019, tại trụ sở UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc họp bàn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã có ý kiến chỉ tại Thông báo số 158/TB-UBND ngày 19/7/2019.
Thời gian đến, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết còn nắng nóng gay gắt và hanh khô kéo dài, cấp dự báo cháy rừng tiếp tục ở cấp IV, cấp V, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; ban hành văn bản chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; hỗ trợ kinh phí để mua sắm các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường các lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; kiểm soát việc đem lửa vào rừng của người dân.
b) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, hội, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng; tiếp tục phổ biến sâu rộng tác hại của cháy rừng, các quy định, quy trình đốt xử lý thực bì đến cơ sở để người dân biết, thực hiện.
c) Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát việc đốt xử lý thực bì của người dân; tổ chức cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân ký cam kết thực hiện đúng quy định về phòng cháy chữa cháy rừng khi đốt xử lý thực bì; theo dõi, cập nhật kịp thời cấp dự báo cháy rừng để thông tin đến người dân. Kiên quyết xử lý chủ rừng đốt xử lý thực bì không đúng quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng hoặc chưa có Phương án phòng cháy chữa cháy rừng phòng cháy chữa cháy rừng và không báo cáo khi đốt thực bì.
d) Chỉ đạo các lực lượng phối hợp tốt với lực lượng công an, quân đội trên địa bàn có các phương án hỗ trợ, đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị, hậu
cần và thường trực, sẵn sàng phối hợp khi xảy ra cháy rừng.
đ) Chỉ đạo các lực lượng dân quân tự vệ, quân sự huyện, Đoàn Thanh niên tích cực phối hợp tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng, lực lượng Đoàn thanh niên làm nòng cốt trong các tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở.
e) Chỉ đạo Đài Phát thanh huyện, xã tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để các địa phương biết, chủ động phòng ngừa.
g) Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập các tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cộng đồng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm về cháy rừng và trực, canh gác 24/24 giờ trong suốt mùa khô.
h) Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định.
i) Địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
b) Chỉ đạo các hạt kiểm lâm chủ động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; hàng ngày phải theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang web của Chi cục Kiểm lâm để thông tin đến kiểm lâm địa bàn; bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy, huy động các lực lượng dập tắt ngay, không để xảy ra cháy lớn.
c) Hướng dẫn cho các chủ rừng và người dân khi đốt xử lý thực bì, dọn nương rẫy phải làm ranh cản lửa và báo cáo cho UBND cấp xã, kiểm lâm địa bàn kiểm tra, hướng dẫn, nếu đạt yêu cầu thì mới được đốt, đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều; khi đốt phải bố trí nhân lực, phương tiện đủ khả năng dập tắt kịp thời không để cháy lan vào rừng, sau khi đốt xong phải dập tắt hoàn toàn tàn lửa mới được rời vị trí. Khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V, nghiêm cấm tuyệt đối mọi trường hợp đốt nương, rẫy, đốt xử lý thực bì, không tùy tiện đốt rác thải sinh hoạt, đốt vàng mã, thắp hương mồ mả ven rừng, cam kết tổ chức thực hiện tốt quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.
d) Chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp các ngành chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân, truy tìm đối tượng, xác lập hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định
của pháp luật.
đ) Địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì Hạt trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
e) Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng quy chế khen thưởng, kỷ luật trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
3. Các sở, ngành, đơn vị liên quan
a) Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh và đề nghị của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.
b) Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định phối thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cấp cảnh báo cháy rừng hàng ngày trong thời kỳ cao điểm.
c) Các công ty TNHH Lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng phải đầu tư xây dựng công trình phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định; trang bị máy móc, thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra, phát quang lại tất cả các đường băng cản lửa, dọn sạch thực bì trên đường băng; cử lực lượng trực, gác 24/24 giờ trong suốt mùa khô và thường xuyên tuần tra nhằm đảm bảo phát hiện sớm các vụ cháy.
d) Các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng thành lập các tổ phòng cháy chữa cháy rừng và chỉ đạo các hộ nhận khoán thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện sớm cháy rừng và chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
Thùy Trang