|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi

(binhdinh.gov.vn)-Ngày 21/5/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu – Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đã chủ trì cuộc họp phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến kết luận tại Thông báo số 114/TB-UBND ngày 24/5/2019.

1. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai công tác phòng chống Dịch tả lợn đến cấp thôn, xã. Phân công các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp huyện phụ trách từng địa bàn cụ thể; đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng để ngăn chặn xâm nhập bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn phụ trách. Tuyên truyền đến người chăn nuôi về tác hại của dịch bệnh, khi dịch bệnh xảy ra để tăng cường công tác phòng chống dịch, bảo vệ tài sản của người chăn nuôi. Hướng dẫn duy trì thường xuyên công tác vệ sinh tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi, là biện pháp tối ưu nhất hiện nay. Các trang trại phải thực hiện nghiêm ngặt tiêu độc sát trùng tối thiểu 3 lần/tuần; các hộ chăn nuôi phải tiêu độc sát trùng tối thiểu 2 lần/tuần, nơi công cộng phải tiêu độc sát trùng hàng tuần. Thực hiện vệ sinh chuồng trại. Khi có dịch phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất. Kiểm tra, xử lý không để vứt xác heo bệnh ra môi trường làm ô nhiễm, dễ lây lan dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, vận động người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ vaccine Lở mồm long móng, dịch tả heo cho đàn heo nuôi gia đình. Định kỳ hàng tuần, báo cáo tình hình chăn nuôi, phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi cho UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, chỉ đạo. Thành lập tổ phản ứng nhanh cấp huyện – chỉ đạo kiểm tra, nhắc nhở, xử lý phun thuốc phòng bệnh... (trường hợp xảy ra dịch phải vào cuộc quyết liệt, khống chế, dập dịch tại chỗ, không chuyển đi nơi khác chôn lấp tránh lây lan dịch).

2. Các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải thường xuyên bám sát địa bàn phụ trách, bố trí thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, phối hợp với địa phương kiểm tra và chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn phụ trách. Các sở, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh như: vệ sinh an toàn thực phẩm; điều tiết thị trường, giá cả; kiểm soát giết mổ; hướng dẫn tiêu hủy heo nhiễm bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường; tuần tra kiểm soát không để heo bệnh vào tỉnh...

3. Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức ra quân, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Hướng dẫn kỹ thuật, phương thức phòng chống dịch cho các địa phương, các chốt kiểm dịch. Nghiêm cấm cho tăng đàn trong giai đoạn hiện nay, không cho nhập heo con giống vào địa phương từ các vùng đang có dịch. Thành lập tổ phòng chống dịch khẩn cấp để xử lý khi có dịch xảy ra. Liên hệ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi để bàn biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi. Chỉ đạo thực hiện tiêu độc sát trùng đối với dụng cụ, người, phương tiện tham gia vận chuyển lợn xuất, nhập tỉnh tại Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. Lập dự toán, chi phí hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch để hỗ trợ cho các địa phương, người chăn nuôi, kể cả thiết bị và thuốc thú y phòng dịch.

4. Các tổ chức hội, đoàn thể chỉ đạo các cấp hội trực thuộc vận động đoàn viên, hội viên có chăn nuôi gia súc tích cực thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tự giác tiêm phòng vaccine Lở mồm, long móng, Dịch tả cho lợn thịt, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi; phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương để được phối hợp xử lý kịp thời.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật