|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp tin tức ngày 30/5/2025

  

CON EM CÁN BỘ GIA LAI ĐƯỢC ƯU TIÊN HỌC TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG CAO Ở BÌNH ĐỊNH

Binh-Dinh-3A.jpgÔng Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Gia Lai. Ảnh: Hồng Anh

Ngày 29.5, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

Nội dung buổi làm việc giữa Đoàn công tác Trung ương do ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn và Ban Thường vụ 2 tỉnh xoay quanh việc đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Xin chính sách hỗ trợ "con người" sau sáp nhập

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Ban Thường vụ 2 tỉnh đã thống nhất giao Tỉnh ủy Bình Định chủ trì xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai mới.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương.

Việc triển khai chủ trương của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh sau sắp xếp và cấp xã mới được Ban Thường vụ 2 tỉnh thống nhất cao.

2 tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho cán bộ từ tỉnh Gia Lai đến Bình Định công tác khi thành lập tỉnh mới. Ngoài chính sách hỗ trợ thuê nhà công vụ, mua nhà ở xã hội, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp nhận toàn bộ con em cán bộ, công chức từ Gia Lai đến TP Quy Nhơn làm việc, ưu tiên vào học các trường chất lượng cao.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kiến nghị Trung ương nghiên cứu, sắp xếp hợp lý cho các Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ còn thời gian công tác, có năng lực và nguyện vọng tiếp tục được bố trí công tác. Đồng thời đề xuất ban hành sớm chế độ hỗ trợ cho gần 2.000 cán bộ không chuyên trách của tỉnh, để bố trí về cấp xã...

Bình Định và Gia Lai đã làm tốt công tác sắp xếp

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, 2 tỉnh đã đạt được sự đồng thuận cao thông qua việc sắp xếp giữa các sở, ngành; thống nhất nguyên tắc sắp xếp cán bộ gánh vác được trọng trách, nhiệm vụ mới, theo tinh thần hợp nhất để tạo không gian phát triển, không hợp nhất một cách cơ học.

Từ khi chưa có đề án hợp nhất, 2 tỉnh đã chủ động trong sắp xếp cấp xã cũng như xây dựng văn kiện cho đại hội. Đặc biệt, thông qua nguyên tắc chung, nhất quán, 2 tỉnh đã thực hiện tốt việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự...

Ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, 2 tỉnh cần tính toán chế độ chính sách về nhà ở, phương tiện đi lại, điều kiện học hành… cho cán bộ phải di chuyển (tỉnh Gia Lai). Đồng thời tăng cường thực hiện chuyển đổi số, nhất là cơ quan đặt tại Gia Lai hiện nay, để hoạt động tốt hơn, giảm áp lực cho việc bố trí nhà ở, đi lại.

2 tỉnh đã chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí về cấp xã. Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện được bố trí làm nòng cốt tại các cấp xã mới. Trước mắt, 2 tỉnh giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã hiện có để bố trí công tác tại cấp xã; thực hiện rà soát, sắp xếp lại, bảo đảm tinh giản biên chế theo quy định trong vòng 5 năm tới.

"Thời gian cho việc sáp nhập tỉnh, nhập xã và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 không còn nhiều, khối lượng công việc tiếp tục phải giải quyết rất lớn, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công việc.

Các cấp ủy cần giữ vững nguyên tắc, quy trình nhân sự, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm. Đồng thời xác định được cơ hội, thách thức của tỉnh Gia Lai mới để đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển phù hợp thực tế", ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo.

Theo Hoài Phương (laodong.vn)

 

NỖ LỰC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THI CÔNG CAO TỐC QUẢNG NGÃI - HOÀI NHƠN

viewimage%20-%202025-06-05T154345_534.jpgCao tốc bắc-nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, những ngày qua, có tới 3.500 nhân sự và 1.300 thiết bị trên công trường. Liên danh các nhà thầu thực hiện nhiều giải pháp thi công phù hợp, đến nay tổng khối lượng dự án đạt 62%.

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp gần 14.500 tỷ đồng, với chiều dài 88km, đi qua địa phận các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Trên tuyến có ba hầm xuyên núi, gồm hầm số 1 dài 610m, hầm số 2 dài 698m và hầm số 3 dài 3.200m, cùng 77 cầu, 667 cống và hầm chui dân sinh.

Hiện nay, hai hầm xuyên núi đã hoàn tất phần xây dựng, nhà thầu đang lắp đặt thiết bị cơ điện, hệ thống điều khiển giao thông thông minh. Các đơn vị tập trung nhân lực, thiết bị thi công hầm số ba, hạng mục quan trọng của toàn dự án cao tốc.

Hầm số 3 có bề rộng mặt đường 12,75m/ống hầm; trong đó, ống hầm hướng bắc-nam đã được đào thông, vượt tiến độ sáu tháng, ống hầm còn lại hiện còn khoảng 270m, sẽ hoàn thành trong tháng 7.2025.

“Trong quá trình thi công hầm đã gặp đới địa chất yếu, thay đổi nhiều so với hồ sơ thiết kế ban đầu của chủ đầu tư, ảnh hưởng lớn tới tốc độ đào. Với địa chất bình thường, mỗi ngày sẽ đào được khoảng 6-10m, tuy nhiên gặp địa chất yếu nên làm giảm tốc độ đào”, đại diện đơn vị thi công cho biết.

Tại khu vực đầu tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, điểm nối thành phố Quảng Ngãi với cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, hiện có hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường.

Hạng mục phần đường đã hoàn thành hạng mục đào nền và xử lý đất yếu, cấp phối đá dăm 11,5km, thảm bê-tông nhựa 6km; 31 cầu hoàn thành cọc khoan nhồi, thân mố trụ và tập trung nhân lực hoàn thành phần việc đúc dầm và lao lắp bản mặt cầu.

Trên công trường thi công các hạng mục tại địa bàn thị xã Đức Phổ, gần 800 nhân sự tập trung thi công đường cao tốc, 220 cầu, cống và hầm chui dân sinh. Đối với các hạng mục trên địa bàn phía bắc thuộc thị xã Đức Phổ và phía nam thuộc thị xã Hoài Nhơn, ngoài việc tập trung thi công hầm số ba, các nhà thầu thi công tuyến đường và cầu, cống dân sinh.

“Sau khi hầm được đào thông, nhà thầu tiếp tục thi công đào mở rộng, hạ nền, đổ bê tông vỏ hầm. Dự kiến, đến tháng 10 sẽ hoàn thành vỏ bê tông hai ống hầm và lắp đặt thiết bị, hoàn thành hầm số ba vào cuối năm nay”, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đại diện liên danh nhà thầu cho biết.

Để hoàn thành thông tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn vào cuối năm 2025, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị thi công tập trung nguồn lực làm “3 ca, 4 kíp, xuyên đêm, xuyên lễ Tết” để đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Khó khăn hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng còn một số vị trí thuộc phạm vi điều chỉnh, bổ sung chưa được bàn giao như tại Km23+033, phía bắc hầm 1, đường gom bổ sung...

Bên cạnh đó, vật liệu đá thi công dự án dự kiến từ nguồn đá tận dụng sau khi đào hầm và mua từ các mỏ đá thương mại. Tuy nhiên, thực tế không tận dụng được từ đào hầm và phát sinh khối lượng đá mua từ bên ngoài, trong khi nguồn đá bên ngoài không bảo đảm cung ứng.

Hiện, nhà thầu đang phối hợp với chủ đầu tư và tỉnh Quảng Ngãi giải quyết những vướng mắc, khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu thi công.

Theo Đông Huyền/NDO (baobinhdinh.vn)

 

BÌNH ĐỊNH: THỰC HIỆN NGHIÊM LUẬT DI SẢN VĂN HÓA KHI TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH

UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn gửi các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ; Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Đồng thời thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào). Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích, phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được cấp có thẩm quyền thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.

Cùng với đó tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để Nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng… Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công…

Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.

Từ ngày 01/7/2025, Luật Di sản văn hóa (Luật số 45/2024/QH15 ngày 23/11/2024) có hiệu lực thi hành, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn được đưa vào các danh mục kiểm kê, được xếp hạng, ghi danh, công nhận trong các danh mục của quốc gia. Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa theo các quy định mới của Luật Di sản văn hóa (Luật số 45/2024/QH15 ngày 23/11/2024) và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật./.

Theo CTTĐT (bvhttdl.gov.vn)

 

kcnbinhdinh-2-.jpgTỉnh Bình Định chuẩn bị quỹ đất công nghiệp song song với công tác thu hút đầu tư. (Ảnh HV)

BÌNH ĐỊNH TĂNG CƯỜNG QUỸ ĐẤT CHO CÔNG NGHIỆP

Để phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Bình Định đã chú trọng vào công tác thu hút đầu tư, trong đó quan tâm chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất cho công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 9 khu công nghiệp đã được cấp Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo quy hoạch đến năm 2030 sẽ 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.714 ha.

Nhiều khu công nghiệp được nghiên cứu, đầu tư

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Bình Nghi để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Bình Nghi. Theo đó, dự án có quy mô diện tích 207,67 ha với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là hơn 901 tỉ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án trong 50 năm tại khu vực thôn 3, thôn 4 và thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Về tiến độ cụ thể, nhà đầu tư thực hiện không quá 45 tháng, đến tháng 12/2028 dưa dự án đầu tư đi vào hoạt động.

Tại đây, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định hiện hành về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và các quy định khác có liên quan trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động của dự án. Đặc biệt, nhà đầu tư cũng phải bố trí đủ vốn để thực hiện dự án; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan theo đúng quy định pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện đúng mục tiêu, quy mô, nội dung, tiến độ cam kết,...

Ngoài Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Bình Nghi cò có nhiều nhà đầu tư khác như Công ty cổ phần Kosy xin nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư Khu đô thị, Khu công nghiệp và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Cát Trinh,... Trước các đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, xem xét, tham mưu đề xuất UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư

Ngoài các khu công nghiệp mới, tỉnh Bình Định cũng đang thúc tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ và Khu công nghiệp Nhơn Hòa.

Đối với Khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Phù Mỹ và các dự án lân cận, Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, kịp thời thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án đảm bảo theo quy định để tổ chức khởi công dự án trong tháng 9/2025. Song song với đó là lập và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn thành chi trả, bàn giao mặt bằng sạch đối với phần diện tích 90,22ha của dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ; các khu tái định cư và khu cải táng phục vụ Khu công nghiệp Phù Mỹ trước ngày 30/6/2025.

Với khu công nghiệp Nhơn Hòa, UBND thị xã An Nhơn và nhà đầu tư được yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai dự án, trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ, đầu việc để thực hiện; xác định thời gian, tiến độ hoàn thành; phân công rõ người thực hiện, theo dõi, phối hợp… Theo đó, xác định mốc thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án trong tháng 6/2025, làm cơ sở để theo dõi và tổ chức triển khai thực hiện, nhằm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định.

Tại kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng sau cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, lãnh đạo địa phương đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải tích cực vào cuộc, với tinh thần quyết liệt, làm dứt điểm, không để tồn đọng. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội và các Khu công nghiệp.

“Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, xem xét bổ sung tăng cường thêm nhân sự thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, phân tổ, nhóm để theo dõi, thực hiện chuyên sâu vào từng địa bàn, từng dự án cụ thể; xây dựng kế hoạch, tiến độ cho từng dự án cụ thể để làm căn cứ triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Ngoài phát triển khu công nghiệp, Bình Định cũng đã có định hướng khuyến khích chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thực hiện chuyển đổi sang mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, đã giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các khu, cụm công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp; chính sách ưu đãi để các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thực hiện chuyển đổi sang mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái; tham mưu đề xuất UBND tỉnh trong tháng 6/2025.

Trong đó, tỉnh Bình Định sẽ phát triển các Khu công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững, cộng sinh công nghiệp nội khu hoặc liên khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giám sát việc thực hiện các tiêu chí của Khu công nghiệp sinh thái tại các dự án trong Khu công nghiệp. Cùng với đó là xây dựng chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các Khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo quy định.

“Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng khung hướng dẫn về tái sử dụng chất thải rắn trong công nghiệp; đề xuất các quy định về quản lý tài nguyên nước nội khu; hoàn thiện bộ chỉ số, tiêu chí cụ thể về khu, cụm công nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định. Xây dựng nền tảng số, cơ sở dữ liệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khu, cụm công nghiệp phát triển theo hướng sinh thái; tích hợp các tiêu chí về khu, cụm công nghiệp sinh thái, nhất là các chỉ số về tài nguyên môi trường vào chỉ tiêu về quản lý, đầu tư, phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.

Theo Tuấn Vỹ (diendandoanhnghiep.vn)

 

Binh-Dinh-1G.jpgSau sắp xếp, Bình Định còn 58 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Dũng Nhân

BÌNH ĐỊNH GẤP RÚT ĐÀO TẠO CÁN BỘ XÃ TRƯỚC THỀM BỎ CẤP HUYỆN

Bình Định gấp rút lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trước khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện.

Trước yêu cầu nâng cao về năng lực quản lý nhà nước ở cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, xã), ngày 29.5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh khẩn trương xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng trên các lĩnh vực quản lý, trong đó ưu tiên các nội dung trọng tâm, cấp bách gắn với hoạt động của cấp xã.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp xã theo các quy định mới, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung); các nghị định hướng dẫn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã; các quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp...

"Các sở, ngành rà soát, cập nhật và bổ sung nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo lĩnh vực quản lý, gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để số hóa, tích hợp vào "Sổ tay điện tử đào tạo, bồi dưỡng" và hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu, đưa vào công cụ "Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức" của tỉnh", ông Phạm Anh Tuấn chỉ đạo.

Sở Nội vụ được giao phối hợp với các đơn vị liên quan xác định cơ cấu, số lượng biên chế công chức phù hợp với điều kiện từng địa phương cấp xã (bao gồm xã trọng điểm của tỉnh, khu vực và xã đặc thù...). Đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn điều kiện cho từng chức danh công chức cấp xã phụ trách theo lĩnh vực.

Việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã phải được thực hiện ngay sau khi có quyết định nhân sự của cấp có thẩm quyền, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20.6.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, từ đầu tháng 7.2025, chính quyền địa phương sẽ chính thức chuyển sang mô hình 2 cấp, kết thúc cấp huyện. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua danh sách cán bộ chủ chốt của 58 xã, phường sau sắp xếp.

Ông Dũng bày tỏ sự lo ngại về việc cán bộ cấp phòng ở huyện được điều chuyển về làm bí thư, chủ tịch các xã mới sẽ đối mặt với yêu cầu rất cao của vị trí này.

"Trước mắt vẫn phải sắp xếp cán bộ đảm nhiệm, nhưng trong vòng 1 năm nếu không đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, không hoàn thành nhiệm vụ thì buộc phải "rời ghế" để người khác làm", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, đầu tháng 6 tỉnh sẽ công bố các chức danh chủ chốt cấp xã, từ đó xây dựng hệ thống ban chấp hành và phân công vị trí công tác cụ thể. Sau khi sắp xếp, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền cấp xã, bởi hầu hết các thủ tục và công việc giải quyết cho người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện trực tiếp tại cấp xã.

"Sau khi sắp xếp bộ máy ổn định, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho 58 lãnh đạo xã, nhằm đảm bảo đủ năng lực triển khai nhiệm vụ. Trong cuộc cách mạng này, ai không đủ năng lực sẽ phải tự đào thải, tự rút lui", ông Dũng khẳng định.

Theo Hoài Phương (laodong.vn)

 

CHỦ TỊCH BÌNH ĐỊNH Ý KIẾN VỀ PHƯƠNG TIỆN VUI CHƠI, GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC

Screenshot%202025-06-05%20154730.pngQuy Nhơn công bố khu vực hoạt động phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước. Ảnh minh họa.

Bình Định yêu cầu TP. Quy Nhơn khẩn trương công bố khu vực hoạt động phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước theo quy định, nhằm đảm bảo cho hoạt động tham quan du lịch của du khách, nhất là trong mùa hè năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 29/5, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đề xuất công bố luồng tuyến đường thủy nội địa để cho các phương tiện đủ điều kiện tham gia giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch biển trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu nghiên cứu đề xuất phương án phù hợp để đảm bảo công tác quản lý, tổ chức hoạt động lưu thông trên các tuyến đường thủy nội địa, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, nhất là trong mùa hè năm nay.

Đề xuất việc xây dựng các bến thủy nội địa cho các tàu phục vụ khách du lịch biển, trên địa bàn tỉnh, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/6.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng yêu cầu UBND TP. Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương công bố khu vực hoạt động phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước theo quy định, nhằm đảm bảo cho hoạt động tham quan du lịch của du khách, nhất là trong mùa hè năm nay trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo UBND các xã có liên quan triển khai thực hiện công tác quản lý hoạt động của các phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Chủ trì, phối hợp làm việc với UBND cấp xã, một số doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch để triển khai đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông để đảm bảo hoạt động của các tàu, thuyền phục vụ du lịch.

Chủ tịch tỉnh Bình Định giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức các lớp đào tạo người điều khiển phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước (hoặc tổng hợp nhu cầu, liên hệ cơ sở đào tạo, hướng dẫn việc tham gia đào tạo) nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định.

Đối với phương tiện, người lái tham gia hoạt động giao thông đường thủy nội địa phục vụ du lịch phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm các phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia hoạt động vận chuyển, đưa đón hành khách, du khách trong khu vực biển của tỉnh.

Theo Trương Định (tienphong.vn)

 

BẢO HIỂM XÃ HỘI KHU VỰC XXIII CHÍNH THỨC HOẠT ĐỘNG TỪ NGÀY 1.6

Thực hiện Công văn số 850/BHXH-TCCB ngày 22.5.2025 của BHXH Việt Nam về việc triển khai Quyết định số 1733/QĐ-BTC ngày 12.5.2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 28.5, BHXH tỉnh Bình Định có thông báo về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo cơ cấu tổ chức mới, áp dụng từ ngày 1.6.2025.

Theo đó, BHXH khu vực XXIII chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Tên gọi của đơn vị mới là BHXH khu vực XXIII, đặt trụ sở chính tại tỉnh Bình Định. Đơn vị này có phạm vi quản lý trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Về cơ cấu tổ chức, BHXH khu vực XXIII gồm 8 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể gồm: Phòng Quản lý thu và phát triển người tham gia; Phòng Chế độ BHXH; Phòng Chế độ BHYT; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Thanh tra - Kiểm tra; Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia; Phòng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số.

Việc tổ chức lại theo mô hình khu vực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tinh gọn bộ máy, đồng thời đảm bảo tính chuyên môn hóa cao trong công tác.

BHXH cấp huyện (gồm các đơn vị BHXH huyện, thị xã) tiếp tục thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trên địa bàn quản lý như hiện nay. Việc sắp xếp lại các đơn vị này sẽ được thực hiện khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, phù hợp với mô hình tổ chức hành chính cấp xã trong thời gian tới.

Theo Nguyễn Muội (baobinhdinh.vn)

 

viewimage%20-%202025-06-05T155017_669.jpgCông chức ngành thuế tư vấn, hướng dẫn người nộp thuế kê khai thuế. Ảnh: T.SỸ

MẠNH TAY VỚI TÌNH TRẠNG DÂY DƯA NỢ THUẾ

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thuế khu vực XIII đã tăng cường nhiều biện pháp xử lý, truy thu trên 3.116 tỷ đồng tiền nợ thuế, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Tích cực hỗ trợ người nộp thuế để thu thuế

Những năm gần đây, cơ quan thuế chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động để người nộp thuế (NNT) tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế là chính. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, giảm tối đa các thủ tục hành chính và giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục lĩnh vực thuế, nhằm giảm chi phí, công sức để NNT dành thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đầu năm 2025, toàn ngành đã tập trung triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ thuế cho NNT, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thời gian nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN và tiền thuê đất; hoàn thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT cho DN.

Nhờ đó, công tác thu nộp ngân sách ngày càng đạt kết quả tốt hơn. 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu thuế nội địa của Bình Định được 5.822 tỷ đồng, đạt 42,8% dự toán của Bộ Tài chính giao, đạt 35,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, vẫn có nhiều NNT chây ỳ, dây dưa, không hợp tác với cơ quan thuế trong việc xử lý nợ thuế. Điều này vừa không đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của NNT, vừa tăng áp lực đến việc thực hiện dự toán thu nộp ngân sách.

Tăng cường xử lý nợ thuế

Cơ quan thuế đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng phân loại đối tượng còn nợ tiền thuế nhưng được khoanh, xóa nợ; đồng thời xác định 117.668 trường hợp, bao gồm DN, hộ và cá nhân kinh doanh còn nợ thuế trên 90 ngày thuộc diện phải xử lý, truy thu.

“Có nhiều DN nhất thời còn khó khăn về mặt tài chính, nộp thuế chưa đúng hạn, nhưng cũng có không ít DN cố tình chây ỳ. Ngoài ra, có một số DN nợ thuế nhưng ngừng hoạt động đã lâu, DN có nguy cơ rủi ro cao về thuế và DN có dấu hiệu gian lận, trốn thuế đang bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tất cả thông tin nói trên đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang Zalo chính thức của ngành thuế để NNT biết. Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã phát hành 30.141 thông báo gửi đến NNT về số tiền nợ thuế cần phải nộp”, ông Nguyễn Đường Hân, Phó trưởng Phòng quản lý, hỗ trợ DN số 1 Chi cục thuế khu vực XIII, cho hay.

Nhiều lần thông báo nhắc nhở, nhưng NNT vẫn không hợp tác để xử lý nợ thuế, cơ quan đã ban hành 971 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản ngân hàng, ngừng sử dụng hóa đơn và thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với các đối tượng nợ thuế tại địa bàn Bình Định. Áp dụng quyết liệt nhiều biện pháp nói trên, cơ quan thuế đã xử lý, thu trên 3.116 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó thu nợ cũ năm 2024 chuyển sang trên 500 tỷ đồng, thu nợ phát sinh mới hơn 2.616 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện công tác xử lý nợ thuế, cơ quan thuế cũng đã xác định được số tiền nợ thuế có khả năng thu trên 5.852 tỷ đồng, tăng 527 tỷ đồng so với cuối tháng 4.2025; nợ khó thu 178 tỷ đồng và số tiền nợ chờ xử lý từ nay đến cuối năm 2025 là 38 tỷ đồng, từ đó áp dụng các biện pháp xử lý nợ thuế phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực XIII, cho biết: Chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho NNT phát triển sản xuất kinh doanh để duy trì nguồn thu, đồng thời tăng cường giám sát hồ sơ kê khai thuế đầu vào của NNT chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế tình trạng nợ thuế. Cùng với đó là tập trung thu thuế, xử lý nợ thuế, nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách năm 2025 đã được HĐND và UBND tỉnh giao.

Theo Phạm Tiến Sỹ (baobinhdinh.vn)   

 

KHAI PHÁ TÀI NĂNG, NÂNG TẦM CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ BÌNH ĐỊNH QUA HỘI THI

Binh-Dinh-1D.jpgÔng Hà Duy Trung - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định cùng các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Hoài Phương

Ngày 29.5, LĐLĐ tỉnh Bình Định tổ chức Hội thi "Cán bộ Công đoàn cơ sở giỏi" năm 2025 và khai mạc triển lãm Hành trình sáng tạo - Khát vọng vươn mình.

Hội thi và triển lãm là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn trong thời kỳ mới, đồng thời tạo cơ hội để những người làm công tác Công đoàn thể hiện bản lĩnh, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Hội thi "Cán bộ Công đoàn cơ sở giỏi" diễn ra trong 1 ngày, với sự tham gia của 18 thí sinh đến từ 10 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong toàn tỉnh. Các thí sinh trải qua 3 phần thi: Chào hỏi; kiến thức và xử lý tình huống; tài năng.

Trong đó, phần chào hỏi là dịp để thí sinh giới thiệu bản thân, đơn vị công tác, có thể kết hợp nhóm hỗ trợ và sử dụng các hình thức sáng tạo như tiểu phẩm, hát, múa, ngâm thơ, kể chuyện...

Phần thi kiến thức và xử lý tình huống yêu cầu thí sinh trình bày những hiểu biết cơ bản về tổ chức Công đoàn, hoạt động của Công đoàn cơ sở (CĐCS), cũng như các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Phần thi tài năng được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như hát, múa, ngâm thơ, khiêu vũ, kể chuyện... với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và tổ chức Công đoàn.

Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức trao Bằng khen và tiền thưởng cho các cá nhân đạt thành tích cao, gồm 1 giải Nhất (1,2 triệu đồng), 2 giải Nhì (1 triệu đồng/giải), 3 giải Ba (800.000 đồng/giải) và các giải Khuyến khích (500.000 đồng/giải).

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Từ Bình - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Định - đề nghị Ban Giám khảo chấm điểm công tâm, khách quan, chính xác; đồng thời động viên các thí sinh phát huy tài năng, tinh thần đoàn kết, bình tĩnh, tự tin để hoàn thành tốt phần thi của mình.

"Hội thi là cơ hội để cán bộ Công đoàn giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn ở cơ sở", ông Bình cho hay.

Theo ông Lê Từ Bình, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025, LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Lễ phát động Tháng Công nhân; Hội thi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; Chương trình gameshow Hành trình tri thức Công đoàn; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và giới thiệu phát triển đảng viên trong công nhân...

"Hội thi và triển lãm là một phần trong chuỗi hoạt động ý nghĩa này. Đây cũng là dịp để phát hiện những cán bộ Công đoàn tâm huyết, năng động - những "cánh tay nối dài" của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động", ông Lê Từ Bình cho hay.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức Công đoàn càng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đội ngũ cán bộ CĐCS - lực lượng gần gũi nhất với đoàn viên phải không ngừng học hỏi, chủ động thích ứng và phát huy vai trò là điểm tựa vững chắc của đoàn viên và người lao động trong mọi hoàn cảnh.

Theo Hoài Phương (laodong.vn)

 

TUỔI THỌ TRUNG BÌNH CAO, NHƯNG TUỔI THỌ KHỎE MẠNH CÒN THẤP

viewimage%20-%202025-06-05T155204_682.jpgNgười cao tuổi điều trị bệnh tại BVĐK tỉnh.  Ảnh: M.H

Kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, tuổi thọ bình quân năm 2024 của cả nước là 74,7 tuổi. Ðối với tỉnh Bình Ðịnh, tuổi thọ của người dân được cải thiện rõ rệt, năm 2009 là 71,9 tuổi, đến năm 2019 tăng lên 73,5 tuổi, năm 2024 là 74,2 tuổi. Tuy tuổi thọ tăng, song tuổi sống khỏe của người cao tuổi lại không tỷ lệ thuận.

Tuổi thọ cao, nhưng đối mặt nhiều bệnh tật

Các chuyên gia cho rằng, dù tuổi thọ trung bình đã tăng, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh - thời gian sống không bị giới hạn bởi bệnh tật nghiêm trọng - hiện lại thấp hơn nhiều, chỉ đạt 65,4 tuổi. Trong đó, nam giới có tuổi thọ khỏe mạnh là 62,8 tuổi, nữ giới là 68 tuổi. Tuổi thọ trung bình tăng, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp, phản ánh thực trạng chất lượng sống chưa đạt đến mức mong muốn.

Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Hảo, Trưởng khoa Lão (BVĐK tỉnh) thông tin, bình quân bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú khoảng 60 lượt bệnh nhân/ngày, chưa kể ở các phòng khám chuyên khoa khác như: Nội tiết - cơ xương khớp, tim mạch, tiêu hóa...; trong khi số lượt bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú khoảng 12 - 20 bệnh nhân/ngày, chưa kể bệnh nhân chuyển từ các khoa khác đến. “Cùng với quá trình già hóa dân số nhanh, phòng khám Lão khoa tiếp nhận số lượt bệnh nhân cao tuổi đến khám và điều trị ngày một tăng”, bác sĩ Hảo cho hay.

Theo bác sĩ Hảo, nguyên nhân chủ yếu là do mô hình bệnh tật đang thay đổi nhanh chóng, chuyển từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ người cao tuổi mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính cao, trung bình mỗi người mắc từ 3 - 5 bệnh, chủ yếu là bệnh phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời như tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương…, làm cho việc điều trị phức tạp và cần phối hợp nhiều chuyên khoa. Chi phí y tế cho người cao tuổi theo đó cũng cao gấp 7 - 10 lần người trẻ.

Ở tuổi 75, bà Trần Thị Nh. (huyện Tuy Phước) phải chịu căn bệnh tăng huyết áp, suy tim, thoái hóa khớp. “Thuốc uống suốt đời đã đành, mà tuổi càng cao thì huyết áp càng khó ổn định nên thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị”, bà Nh. bày tỏ.

Trong khi đó, ở tuổi 68, ông Lê Hoàng Ng. (TP Quy Nhơn) có hơn 2 năm ra vào khoa Lão khoa (BVĐK tỉnh) liên tục vì tai biến; cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người con gái và các nhân viên y tế tại bệnh viện.

“Với những nỗ lực điều trị và phục hồi chức năng, hiện bố tôi có sức khỏe tiến triển tốt, từ nằm liệt hôn mê không biết gì giờ đã tỉnh táo hơn, có thể vận động được và đang tập đi lại. Tuy nhiên, ông còn phải nằm viện nhiều tháng, không dám cho về nhà vì huyết áp biến động liên tục”, con gái ông Ng. chia sẻ.

Cần tăng cường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi

Theo Chi cục Dân số (Sở Y tế), những năm gần đây, người cao tuổi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, chương trình quốc gia (chương trình đái tháo đường tại Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lão khoa Trung ương). Tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đồng thuận, ủng hộ và có nhiều chính sách chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi.

Đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc cho người cao tuổi đã được triển khai như được cấp thẻ BHYT điều trị miễn phí khi khám chữa bệnh, được hưởng trợ cấp chăm sóc hằng tháng khi trên 80 tuổi, thăm hỏi khi ốm đau…

Ngành Y tế đã triển khai việc khám, quản lý sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi 1 lần/năm và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế. Ngoài kinh phí cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hằng năm theo quy định (Thông tư số 96/2018/TT-BTC và Thông tư số 35/2011/TT-BYT), trạm y tế cấp xã phối hợp với Hội Người cao tuổi và các ngành liên quan tại địa phương lập kế hoạch tham mưu UBND xã hỗ trợ kinh phí để khám, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi. Các chương trình dự án y tế cũng được triển khai như dự án phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư...

Các chương trình, kế hoạch phối hợp khám chữa bệnh nhân đạo cho đối tượng là người cao tuổi cũng được cơ sở y tế tích cực thực hiện, điển hình là chương trình khám chữa bệnh về mắt cho người nghèo; dự án về người khuyết tật giúp người cao tuổi phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số cho hay, vấn đề thích ứng với già hóa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được đặt ra bởi tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực chăm sóc, thực hiện hiệu quả việc huy động nguồn lực tại chỗ và cộng đồng; lồng ghép các chương trình phát triển KT-XH…

Theo Mai Hoàng (baobinhdinh.vn)

 

viewimage%20-%202025-06-05T155240_164.jpgMô tô đang bị tạm giữ đã quá thời hạn xử lý. Ảnh: M.N

THÔNG BÁO XỬ LÝ 301 MÔ TÔ VI PHẠM GIAO THÔNG

Ngày 29.5, Phòng CSGT CA tỉnh cho biết đã ra thông báo về việc xử lý đối với 301 mô tô vi phạm trật tự ATGT đang bị tạm giữ.

Theo đó, thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu người vi phạm hoặc chủ sở hữu hợp pháp của các phương tiện không đến làm việc và không có lý do chính đáng, Phòng CSGT sẽ tiến hành làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, sung công quỹ nhà nước.

Các phương tiện nói trên đã bị lực lượng CSGT tạm giữ do vi phạm trật tự ATGT. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn tạm giữ theo quy định nhưng chủ phương tiện vẫn chưa đến giải quyết hoặc có trường hợp đến nhưng không chứng minh được nguồn gốc và quyền sở hữu hợp pháp.

Phòng CSGT CA tỉnh đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan nhanh chóng mang đầy đủ giấy tờ liên quan đến Trạm CSGT Tuy Phước (địa chỉ: Km 1216+500, QL 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) để làm việc, đảm bảo xử lý đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Theo Minh Ngọc (baobinhdinh.vn)

 

viewimage%20-%202025-06-05T155325_869.jpgCơ quan An ninh điều tra, thực hiện lệnh bắt Lê Khánh Hoàng (áo đen). Ảnh: CACC.

KHỞI TỐ ĐỐI TƯỢNG RỦ BẠN SANG CAMPUCHIA LÀM “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”

Ngày 30.5, Thượng tá Nguyễn Văn Đây, Trưởng Phòng An ninh điều tra (CA tỉnh), cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Khánh Hoàng (SN 2005, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) để điều tra về hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, đầu tháng 4.2023, Lê Khánh Hoàng thông qua mạng xã hội đã tìm được một công việc tại Campuchia. Phía công ty môi giới hứa thưởng 100 USD cho mỗi người mà Hoàng giới thiệu đi cùng. Vì vậy, Hoàng đã rủ thêm hai người quen là Trần Quốc C. (SN 2007) và Phạm Văn L. (SN 2002), cùng ở phường Bùi Thị Xuân, sang Campuchia làm việc với lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”. Cả hai người bạn này đều đồng ý.

Theo lời khai của Hoàng, sau khi sang Campuchia, cả nhóm được công ty cấp phát máy tính để thực hiện các hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội. Tuy nhiên, do không “làm việc” hiệu quả, không lừa được tiền, cả ba bị chủ công ty đánh đập và không cho về nước.

Để được trở về Việt Nam, gia đình Hoàng phải chi trả 65 triệu đồng tiền chuộc, gia đình L. nộp 54 triệu đồng và C. nộp 45 triệu đồng.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Vụ án là lời cảnh báo nghiêm khắc đến các bạn trẻ trước những lời mời gọi hấp dẫn trên mạng xã hội về công việc ở nước ngoài, nhất là những thông tin không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo T.Long (baobinhdinh.vn)

 

TÌM KIẾM HỌC SINH MẤT TÍCH KHI TẮM BIỂN PHƯỜNG TAM QUAN NAM

Screenshot%202025-06-05%20155504.pngLực lượng chức năng và người dân đang tìm kiếm em học sinh bị sóng cuốn mất tích

Đến chiều tối 29.5, lực lượng Đồn Biên phòng Tam Quan Nam thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cùng người dân phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn vẫn chưa tìm thấy một học sinh cấp 2 bị sóng cuốn mất tích khi tắm biển.

Trước đó, khoảng 16h45 phút ngày 28.5, 3 thanh thiếu niên gồm Phan Đình Phi (19 tuổi), Nguyễn Văn Quyền (15 tuổi) đã nghỉ học và La Văn Tiến (14 tuổi), học sinh Trường THCS Tam Quan Bắc, cùng trú tại phường Tam Quan Bắc rủ nhau ra tắm tại bãi biển phường Tam Quan Nam.

Đến 17h cùng ngày, biển bất ngờ nổi sóng lớn, cuốn cả 3 ra xa. Nhận được tin báo, lực lượng Đồn Biên phòng Tam Quan Nam phối hợp với người dân địa phương triển khai tìm kiếm và đưa Phan Đình Phi, Nguyễn Văn Quyền vào bờ an toàn lúc 17h30 phút. Riêng em La Văn Tiến vẫn còn mất tích.

Theo Thanh Thắng/VOV-Miền Trung (vov.vn)


Tác giả: Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh
Nguồn:Tổng hợp Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật