|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơm nớp lo sông, suối lở bờ

Hiện tượng đê, kè các con sông, suối trong tỉnh bị sạt lở đã và đang trở thành nỗi lo thường xuyên của chính quyền và người dân, nhất là vào mùa mưa bão năm nay.

Đến hẹn lại... lo

Trong mùa mưa năm nay, đoạn kè từ suối Bà Lương (QL 19C) đến giáp sông Hà Thanh (thuộc thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Đoạn sạt lở thuộc hạ lưu lòng suối Bà Lương, hiện trạng sạt lở bờ đất canh tác hai bên, chiều dài mỗi bên khoảng 140 m. Vị trí sạt lở nghiêm trọng nằm ngay lưng đường cong có nguy cơ tiếp tục sạt lở sâu vào khu vực có nhà dân đang ở, ảnh hưởng đến khoảng 2 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 3 trụ đường dây tải điện 220 kV.

Bà Lê Thị Hồng, nhà ở sát suối Bà Lương, tỏ ra lo lắng: “Tối nào gia đình tôi cũng luân phiên nhau ra canh. Điểm sạt lở giờ chỉ cách nhà hơn 10 m, khiến nhà tôi rất bất an”.

Kè suối Bà Lương bị sạt lở nghiêm trọng (ảnh chụp ngày 16.11). Ảnh: H.P

Tại huyện Tuy Phước, hệ thống đê, kè dọc các con sông chảy qua trên địa bàn được kiên cố hóa hoặc gia cố đạt tỷ lệ khá cao. Tuy vậy, theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, nỗi lo lớn nhất của địa phương trong mùa mưa bão năm nay là đê Cây Vông (thuộc nhánh sông Côn, nằm ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa).

“Đê Cây Vông được xây dựng vào năm 1999, đoạn hạ lưu chưa được đầu tư. Trải qua nhiều mùa mưa lũ, hiện nay đoạn đê này cũng bị xuống cấp hư hỏng nặng. Riêng đoạn hạ lưu chưa được đầu tư đang bị hư hỏng, sạt lở, làm ảnh hưởng một số hộ dân và đất sản xuất ở khu vực này”, ông Khiêm cho hay.

Trong khi đó, với chiều dài hơn 43,5 km, hệ thống đê Đông có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ cho vùng hạ lưu sông Côn, Hà Thanh. Đây là hệ thống đê cực kỳ quan trọng của tỉnh, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt cho 3.600 ha, tiêu úng cho hơn 5.400 ha, tháo lũ cho hơn 22.500 ha, bảo vệ trên 200 nghìn dân và nhiều tài sản khác của nhà nước và nhân dân.

Tuy vậy, theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), hệ thống đê Đông hiện vẫn còn khoảng 3 km chưa được nâng cấp tu bổ; nhiều đoạn đê, cống, tràn trên đê (xây dựng từ giai đoạn 1976 - 1980) đã hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, như tuyến đê Huỳnh Giản từ cống Đập Mới 8 cửa đến cống Hội Thành, cống Huỳnh Nam, tràn Hà Dơi…

Tương tự, nỗi lo trên cũng hiện hữu với người dân ở phía bờ Đông sông Côn ở huyện Vĩnh Thạnh; các xã chạy dọc sông Côn ở huyện Tây Sơn như Tây Thuận, Tây Giang...

Chủ động ứng phó

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng các bờ kè ngăn chặn sạt lở, gia cố các tuyến đê vững chắc nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng được hơn 62,3 km đê kè với tổng kinh phí hơn 1.240 tỷ đồng; trong đó có gần 59 km công trình bảo vệ sông.

Với các điểm sạt lở khác, công tác khắc phục bằng việc đầu tư xây dựng các tuyến đê, kè kiên cố là “bài toán” nan giải cho chính quyền ở địa phương. “Trước mắt, trong khi chờ tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp lại đê Cây Vông, trong mùa mưa lũ năm nay, huyện đã chỉ đạo xã Phước Hòa cử lực lượng túc trực, theo dõi sát sao thực trạng của đê và xây dựng phương án chi tiết di dời dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn”, ông Phan Văn Khiêm cho hay.

Đối với các tuyến đê, kè thuộc hệ thống đê Đông và sông La Tinh, ông Lê Xuân Sơn cho biết đơn vị đã hoàn thành việc sửa chữa các cống, tràn bị hư hỏng, mái đê bị xói lở trên hệ thống trên trước ngày 31.8 để đảm bảo ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ an toàn. Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi cũng đã kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên quản lý đê, xây dựng phương án và tổ chức triển khai phòng, chống lụt, bão trên toàn hệ thống đê, kè theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát những đoạn đê, kè, cống xung yếu và các vùng trũng thấp, nằm kề khu dân cư để thực hiện các biện pháp gia cố, sửa chữa, đề xuất phương án di dời dân cư trước lũ. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể cho từng vị trí công trình và bổ sung vật tư, vật liệu đầy đủ tập kết tại những vị trí xung yếu cần thiết, nhất là các đoạn đê chưa được đầu tư tu bổ, nâng cấp”, ông Sơn cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 12,79 km khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương cho biết: Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các địa phương phải chủ động kiểm tra, tiến hành các giải pháp gia cố các điểm sạt lở, vùng xung yếu để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Song song với đó, chuẩn bị bố trí trước địa điểm di dời dân trong những trường hợp cần thiết, cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống chi tiết theo phương châm “4 tại chỗ” cho những vùng trọng điểm, vùng xung yếu về sạt lở bờ sông, suối”.


Tác giả: HỒNG PHÚC
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật