A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng chống thiên tai: Sự chủ động của các địa phương đóng vai trò quan trọng

(binhdinh.gov.vn) - Đó là lưu ý của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tại buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn các huyện: Vân Canh, Tuy Phước và thị xã An Nhơn vào chiều ngày 23/10.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác chỉnh trị dòng chảy tại thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh.

Theo báo cáo của UBND huyện Vân Canh, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong đó, 07 xã, thị trấn trên địa bàn huyện là vùng bị ảnh hưởng của gió bão; 02 xã Canh Vinh, Canh Hiển và những vùng thấp dọc sông Hà Thanh có khả năng bị ngập lụt nặng khi xảy ra mưa lớn; nhiều địa bàn dân cư sẽ bị chia cắt khi có lũ lớn như: thôn Bình Long, Tăng Hòa, An Long 1, xóm Hội Sơn, thôn Tăng Lợi thuộc xã Canh Vinh, thôn Thanh Minh, Chánh Hiển thuộc xã Canh Hiển. Bên cạnh đó, lũ có nguy cơ gây xói lở, sạt đất mạnh, ách tắc giao thông ở tuyến đường liên xã Canh Thuận - Canh Liên, các tuyến đường từ UBND xã Canh Liên đến các làng trong xã và đường từ Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đi làng Canh Giao (xã Canh Hiệp). Trên địa bàn huyện còn có 02 khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi sạt lở, gồm: đường giao thông từ Ngã ba Cà Te đi các làng Kà Nâu, Kà Bưng, Kà Bông, xã Canh Liên; đường giao thông từ làng Canh Giao, xã Canh Hiệp đến thôn Đa Lộc, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, có 01 công trình hồ Suối Cầu, xã Canh Hiển đang xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn.

Các phương tiện đang nạo vét lòng sông khơi thông dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ, giảm thiểu tình trạng xâm thực bờ sông gây sạt lở, mất đất sản xuất tại thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển.

Sau khi kiểm tra thực địa tại Bờ Ngự Thủy xóm 1, An Long 1, xã Canh Vinh và kiểm tra công tác chỉnh trị dòng chảy tại thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang lưu ý huyện Vân Canh cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án PCTT theo sát với diễn biến của thời tiết; phối hợp cùng các sở, ngành khẩn trương huy động lực lượng, triển khai phương tiện khơi thông dòng chảy, có phương án xử lý tạm thời các điểm có nguy cơ sạt lở cao, ngập nặng và kiên quyết di dời người dân khi mưa lớn xảy ra; tuyệt đối không được chủ quan, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh, từ đó đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường ven biển tỉnh đoạn Cát Tiến - Diêm Vân ngang qua xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.

UBND huyện Tuy Phước cho biết, trên địa bàn huyện có 17 xã, thị trấn có khả năng bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới; 12 xã, thị trấn có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt báo động cấp III hoặc trên báo động cấp III và 01 xã có nguy cơ bị ảnh hưởng  do sạt lở đất. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã chủ động triển khai công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. Huyện cũng đã xây dựng Phương án phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 đối với tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân; trong đó, có kế hoạch di dời, sơ tán người dân vùng trũng, ngập sâu, vùng có nguy cơ lũ lớn nhanh, lũ quét, sạt lở do ảnh hưởng của tuyến đường Cát Tiến – Diêm Vân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang trò chuyện với người dân trong khu vực gần công trình dự án đường ven biển tỉnh đoạn Cát Tiến - Diêm Vân.

Tại huyện Tuy Phước, sau khi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường ven biển tỉnh đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ ngay các cầu công vụ, thanh thải dòng chảy, di dời máy móc thiết bị để tránh tắc nghẽn gây ngập úng. Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước cần có phương án di dời và kiên quyết di dời 13 hộ dân ở gần khu vực xây cầu đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang kiểm tra ình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông Gò Chàm, đoạn từ đập Gò Đậu đến cuối thôn Tân Dân, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn.

Theo rà soát của UBND thị xã An Nhơn, 15/15 xã, phường trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu gây mưa sau bão, áp thấp nhiệt đới. Đến nay, UBND thị xã An Nhơn đã cơ bản hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai năm 2023; kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự từ thị xã tới từng xã, phường trên địa bàn. Huyện cũng đã kiện toàn đội xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã, phường với trên 1.070 người, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau thiên tai. Đối với các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, chính quyền thị xã đã yêu cầu các đơn vị quản lý thi công phải có phương án ứng phó thiên tai cho từng công trình, bố trí lực lượng, máy móc trực 24/24 giờ để xử lý các vấn đề phát sinh.

Sau khi kiểm tra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ sông Gò Chàm, đoạn từ đập Gò Đậu đến cuối thôn Tân Dân, xã Nhơn An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu lãnh đạo thị xã An Nhơn và các đơn vị liên quan tập trung khơi thông dòng chảy, di dời vật cản và đưa ra các phương án xử lý trước mắt để giảm thiểu nguy cơ ngập trong khu vực khi mưa lớn.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của địa phương trong công tác PCTT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu UBND thị xã An Nhơn tùy theo đặc thù của địa phương để xây dựng các phương án ứng phó phù hợp với diễn biến của thời tiết. Bên cạnh đó, cần chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để làm tốt công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cũng đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự huyện chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần, sẵn sàng sơ tán dân khi có yêu cầu./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật