|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Tại sao nhiều chủ tàu vỏ thép 'dính' nợ quá hạn?

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định bắt đầu khởi kiện ngư dân ra tòa để đòi khoản nợ vay vốn đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định số 67.
Ngày 17.6, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh này đã có văn bản yêu cầu một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ các ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hạn chế nợ xấu gia tăng.

Chủ tàu liên tục gặp khó khăn

Theo UBND tỉnh Bình Định, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh này đã ký hợp đồng tín dụng cho 62 chủ tàu vay tổng cộng 921 tỉ đồng để đóng mới, nâng cấp 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite. Đến cuối tháng 3 năm nay, tỉnh Bình Định có 48 chủ tàu vỏ thép nợ quá hạn 266 tỉ đồng (gồm: 126 tỉ đồng tiền gốc và 140 tỉ đồng tiền lãi). Hiện các ngân hàng thương mại ở Bình Định đã khởi kiện một số ngư dân ra tòa để đòi nợ.
Mới đây nhất, ngày 21.5, TAND TP.Quy Nhơn (Bình Định) thông báo thụ lý vụ án dân sự theo đơn khởi kiện của Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) yêu cầu tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý (ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, Bình Định) trả nợ theo hợp đồng tín dụng vay tiền đóng tàu vỏ thép.
Theo BIDV, tháng 8.2015, ông Lý ký hợp đồng vay vốn của ngân hàng này để đóng tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Đến ngày 25.2, tổng dư nợ trong hợp đồng vay vốn của ông Lý hơn 16,4 tỉ đồng (trong đó, nợ gốc hơn 13,2 tỉ đồng, lãi tạm tính hơn 3 tỉ đồng đồng, còn lại là lãi trả chậm).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý giải thích việc chậm trả nợ ngân hàng là do tàu vỏ thép liên tục bị hư hỏng, việc đánh bắt thua lỗ. Từ khi được bàn giao vào cuối năm 2016, tàu vỏ thép BĐ 99004 TS liên tục bị hỏng máy móc, rỉ sét… nên phải nằm bờ để sửa chữa. Tháng 3.2018, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương hoàn thành việc bảo hành, bàn giao tàu lại cho ông Lý nhưng việc đi đánh bắt cũng không thuận lợi do máy móc tiếp tục bị sự cố, không mua được bảo hiểm cho tàu cá
Ông Lý mong muốn tòa xét xử thu hồi tài sản thế chấp là con tàu vỏ thép BĐ 99004 TS để trả cho ngân hàng vì đánh bắt liên tục thua lỗ, khó có khả năng trả nợ.
Bình Định: Tại sao nhiều chủ tàu vỏ thép 'dính' nợ quá hạn? - ảnh 1

5 tàu vỏ thép, trong đó có tàu của ông Nguyễn Văn Lý, được Công ty Đại Nguyên Dương đưa lên bờ để sửa chữa vào năm 2017

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Ngư dân Trần Đình Sơn (ở xã Mỹ An, H.Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS, cũng đang “dính” nợ quá hạn. Năm 2015, ông Sơn vay vốn của BIDV để đóng tàu vỏ thép BĐ 99245 TS tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (ở Hải Phòng). Từ khi hạ thủy vào tháng 12.2016, tàu này liên tục bị hư hỏng nên phải nằm bờ để Công ty Nam Triệu bảo hành. Sau khi bảo hành xong, việc đánh bắt của tàu vỏ thép BĐ 99245 TS cũng liên tục bị thua lỗ, việc trả tiền cho ngân hàng gặp khó khăn.
“Mấy năm trước, ít nhiều gì tôi cũng trả tiền cho ngân hàng nhưng năm nay gặp khó khăn quá nên chưa trả được đồng nào. Từ cuối năm 2019, nhiều chủ tàu vỏ thép đã gặp khó khăn, bị ngân hàng liên tục đòi nợ. Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thu mua hải sản thấp, năng suất đánh bắt không cao nên các chủ tàu bị thua lỗ”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Trần Mão (ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn), cha của ngư dân Trần Văn Hạo (chủ tàu vỏ thép BĐ 99029 TS), đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin trả lại tàu vỏ thép BĐ 99029 TS.
Bình Định: Tại sao nhiều chủ tàu vỏ thép 'dính' nợ quá hạn? - ảnh 2

Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Hạo neo đậu tại vùng biển Quy Nhơn từ năm 2019 đến nay

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Tháng 8.2015, ông Hạo thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của gia đình để vay hơn 17,7 tỉ đồng từ Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bình Định đóng tàu vỏ thép BĐ 99029 TS tại Công ty Nam Triệu. Tàu cá này liên tiếp bị hỏng máy, việc đánh bắt bị thua lỗ nên phải nằm bờ để sửa chữa. Năm 2019, ông Hạo lâm vào nợ nần (do nhiều nguyên nhân) nên dẫn gia đình bỏ trốn. Ngân hàng cho vay vốn liên tục gửi giấy yêu cầu thanh toán các khoản nợ đều không thành công.

Kiên quyết thu hồi nợ xấu

Ông Trần Châu đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng hương mại trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động xử lý thu hồi nợ cho vay theo Nghị định số 67.
Trong đó, ông Châu yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh phải phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển và các sở ngành có liên quan gặp gỡ đối thoại với các chủ tàu nhằm bàn hướng xử lý các khoản nợ vay, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ, tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu rõ về mục đích của chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 và đề nghị chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết; thậm chí khởi kiện chủ tàu nếu không trả nợ ngân hàng…
Bình Định: Tại sao nhiều chủ tàu vỏ thép 'dính' nợ quá hạn? - ảnh 3

Cũng có nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định đang ăn nên làm ra, chủ tàu trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, trong đó có tàu BĐ 99252 TS

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước  - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh, đơn vị này cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động triển khai những giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu vỏ thép như: cơ cấu nợ, cho vay vốn lưu động ... và làm việc với từng chủ tàu để xác định lộ trình trả nợ vay. “Chúng tôi đã đề nghị các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để thực hiện có hiệu quả kế hoạch thu hồi nợ vay theo Nghị định số 67 đạt hiệu quả”, ông Dương nói.

Những nguyên nhân

Theo UBND tỉnh Bình Định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các chủ tàu vỏ thép “dính” nợ quá hạn. Trong đó, ngư trường đánh bắt thời gian qua không thuận lợi, chi phí vận hành tàu lớn, nhân công khan hiếm, hoạt động đánh bắt không hiệu quả nên không thu hút được nhân công đi biển.

Trong năm 2019, nhiều chủ tàu không mua được bảo hiểm nên không thể ra khơi, không có thu nhập trả nợ cho ngân hàng. Ngân hàng cho vay vốn không nắm được thông tin đánh bắt và không quản lý được nguồn thu của các chủ tàu.

Đặc biệt, một số số chủ tàu vỏ thép hoạt động đánh bắt có lãi nhưng thiếu thiện chí trả nợ cho ngân hàng…


Tin nổi bật Tin nổi bật