Chiều 28.9, Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức kỷ niệm
Ngày sân khấu Việt Nam (12.8 âm lịch) và khánh thành công trình Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh
Bình Định.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng tỉnh Bình Định là mảnh đất cội nguồn của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống: tuồng và bài chòi, nơi sản sinh ra 2 vị tổ của nghệ thuật tuồng là
Đào Duy Từ và
Đào Tấn. “Những đóng góp của nghệ thuật sân khấu Bình Định đã góp phần làm giàu thêm kho tàng sân khấu truyền thống Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Công trình Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định |
Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Định tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định |
Công trình Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định được xây dựng tại khu đất Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định trước đây với tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng. Theo đó, công trình có nhiều hạng mục, riêng hạng mục Nhà hát nghệ thuật truyền thống có 3 tầng. Tầng 1 bao gồm phòng khán giả 150 chỗ, sân khấu, không gian phụ trợ (hóa trang, thay trang phục…). Tầng 2 có phòng biểu diễn 50 ghế kết hợp phòng họp đoàn (chủ yếu phục vụ khách du lịch). Tầng 3 có phòng thờ Tổ, 2 phòng trưng bày truyền thống của Ðoàn ca kịch bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn và khu vực sân khấu để biểu diễn ngoài trời… |
Theo ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, nhà hát được đầu tư đồng bộ với đầy đủ các chức năng, công năng đảm bảo phục vụ tốt công tác tổ chức và biểu diễn nghệ thuật. Nhiệm vụ của nhà hát là khai thác, phục hồi các vở tuồng, ca kịch
bài chòi truyền thống, xây dựng vở mới… để góp phần tuyên truyền, quảng bá
nghệ thuật tuồng Đào Tấn và ca kịch bài chòi Bình Định đến với công chúng.
Biểu diễn tiết mục ca kịch bài chòi Đêm Phú Xuân tại buổi lễ |
Cùng với bài chòi, hát bội (còn gọi hát tuồng) là hai loại hình sân khấu truyền thống được yêu thích ở Bình Định |
Để phát huy tối đa các điều kiện sẵn có, lãnh đạo Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định sẽ tham mưu Sở VH-TT phối hợp Sở Du lịch triển khai kế hoạch liên kết các tour du lịch, lữ hành để thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài đến nhà hát tham quan, kết hợp xem biểu diễn tuồng, ca kịch bài chòi. Đồng thời, Nhà hát sẽ liên kết với các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử hình thành, phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi cho học sinh, bồi đắp niềm đam mê nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ.