A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo phương án liên kết sản xuất, thu mua ớt trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 08/4, tại trụ sở UBND xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã làm việc với đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát; đại diện Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích; đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bình Định (BIDV) để bàn phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt cho người dân trong tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo tại buổi làm việc, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh trồng khoảng 2.333,6 ha ớt; trong đó, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện: Phù Mỹ (1.434,7 ha) và Phù Cát (538,6 ha). Trong 29.800 tấn ớt đã thu hoạch trong toàn tỉnh, huyện Phù Mỹ thu hoạch 15.925,2 tấn; Phù Cát thu hoạch 11.633,8 tấn. Mặc dù ớt cho mùa thu hoạch tốt, nhưng giá lại giảm xuống đáng kể. Hiện nay, giá ớt chỉ địa dao động từ 4.000 – 6.000 đồng/kg; giá ớt chỉ thiên dao động từ 9.000 – 10.000 đồng/kg.

Các địa phương cho biết, hiện nay, vì các doanh nghiệp chưa ký được liên kết sản xuất và bao tiêu ớt với người dân nên việc thu mua ớt trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (giữa) chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, ớt là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Định, vì vậy, trước mắt các địa phương cần duy trì diện tích trồng ớt như hiện nay; đồng thời, hướng đến chế biến sâu loại cây trồng này. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn lưu ý các ngành, các địa phương phải đảm bảo siết chặt quản lý về quy định mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, trong đó có cây ớt; tăng cường tuyên truyền, phổ biến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho người dân; xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm quy chuẩn quy định mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân có thu nhập ổn định, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị tăng cao. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương tập huấn, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu; khẩn trương bàn bạc, thống nhất chính sách liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định khi tham gia liên kết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.

Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích sản xuất kinh doanh trên địa bàn và trở thành doanh nghiệp chủ lực trong thu mua ớt tại tỉnh.

Đối với Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị doanh nghiệp sau khi đạt thoả thuận với người dân phải thực hiện đúng các cam kết đã ký; hỗ trợ nông dân một phần vật tư đầu vào (giống, phân bón) để vừa giúp nông dân đỡ một phần kinh phí đầu tư ban đầu vừa được sử dụng hạt giống cũng như phân bón chất lượng và bao tiêu ớt cho người dân.

Để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích đủ kinh phí thu mua ớt và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy sấy ớt khô trong năm 2024 như kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị ngân hàng BIDV hỗ trợ, sớm giải ngân nguồn vốn vay theo đề xuất của doanh nghiệp tại buổi làm việc./.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm quan Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích (Cụm Công nghiệp Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ).


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật