Quyết tâm xoá hết nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào năm 2025
(binhdinh.gov.vn) - Sáng 29/11, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đã chủ trì cuộc họp đôn đốc các địa phương triển khai chương trình này trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ, các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng khẳng định, chương trình xoá nhà tạm, nhà đơn sơ, dột nát có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người nghèo, cận nghèo, người còn khó khăn an cư và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm triển khai thực hiện đạt kết quả chương trình này.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2019-2024, tỉnh Bình Định đã thực hiện hỗ trợ cho 5.361 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 4.002 hộ được hỗ trợ xây dựng mới, 1.359 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Qua đó, góp phần đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có nơi ở an toàn, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, tỉnh Bình Định kiểm tra, rà soát đánh giá nhu cầu xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng hợp, báo cáo của các địa phương, sự tham gia, thống nhất của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo năm 2023, 2024 cần thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở năm 2025 là 2.054 hộ. Trong đó, 1.519 hộ được hỗ trợ xây dựng mới, 535 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/hộ và sửa chữa là 30 triệu đồng/hộ. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo xây, sửa nhà là 107.190 triệu đồng từ nguồn ngân sách và nguồn huy động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận và đề ra các giải pháp cụ thể giải quyết các khó khăn khi triển khai chương trình, nhất là việc giải quyết các vướng mắc về đất ở của hơn 100 hộ dân trong diện được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị đẩy nhanh việc hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho các hộ gia đình có công với nước trên địa bàn tỉnh, song song với chương trình xoá nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.
Theo kết quả tổng hợp, rà soát bước đầu của Sở Xây dựng và các địa phương để chuẩn bị triển khai Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, toàn tỉnh có 4.706 hộ cần hỗ trợ, trong đó có 2.699 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây mới và 2.007 cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở. Tổng dự toán kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 222.150 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đánh giá chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã kêu gọi được nhiều nguồn lực hỗ trợ. Nhờ vậy, các địa phương đã triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Trong kế hoạch triển khai chương trình năm 2025, các huyện phải đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ và nhanh chóng tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, 2 huyện miền núi là Vân Canh và An Lão còn nhiều hộ có nhà ở tạm bợ, nhà đột nát cần tập trung quyết liệt các biện pháp thực hiện hỗ trợ sớm cho người dân. Bên cạnh đó cần rà soát số hộ có hoàn cảnh quá khó khăn để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho nhóm đối tượng này nhưng đồng thời cũng kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tích cực ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ sinh kế, các mô hình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn cho các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh... Đối với chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng và các địa phương tổ chức rà soát lại toàn bộ số hộ có nhu cầu hỗ trợ, lên danh sách cụ thể từng trường hợp, kể cả những vấn đề vướng mắc để tháo gỡ và triển khai.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong triển khai huy động, bố trí nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 xoá hết nhà tạm, nhà dột nát và phải quyết tâm tập trung thực hiện đạt mục tiêu này.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Chương trình xoá nhà tạm, dột nát rất quan trọng, cấp thiết và bức xúc về dân sinh, do đó, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền phải theo dõi, bám sát chương trình, kịp thời tháo gỡ khó khăn để chương trình hỗ trợ triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng.
Đối với vướng mắc về đất ở, hàng tháng, các địa phương phải tổ chức họp, bám sát từng trường hợp và tập trung giải quyết theo thẩm quyền, không đẩy lên tỉnh. Mục tiêu đến hết quý I/2025 phải giải quyết xong những vướng mắc về đất đai, đảm bảo tính pháp lý để người dân xây nhà, địa phương nào không hoàn thành phải chịu trách nhiệm.
Về nguồn lực hỗ trợ, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo Sở Tài chính cân đối, đảm bảo nguồn lực, địa phương nào làm nhanh, thiếu kinh phí thì UBND chỉ đạo tạm ứng thực hiện. Đối với các đối tượng khó khăn, không có khả năng bỏ thêm kinh phí, địa phương huy động các tổ chức chính trị xã hội, hội đoàn thể, nhân dân hỗ trợ đóng góp với tinh thần ai có gì góp nấy, không ai đứng ngoài cuộc và coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra có thể bố trí, triển khai cho người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn kinh phí tỉnh uỷ thác cho vay để xây nhà. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ cho những trường hợp quá khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa. Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Từng địa phương phải hết sức trách nhiệm với người dân còn khó khăn ở địa phương mình. Tinh thần phấn đấu phải hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trước Đại hội Đảng bộ cấp huyện.
Về kinh phí hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho các hộ gia đình có công, Bí thư Tỉnh uỷ giao UBND tỉnh chủ động ứng kinh phí triển khai và yêu cầu tổ chức rà soát cụ thể lại danh sách, số lượng gia đình người có công cần hỗ trợ để thực hiện.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban chỉ đạo triển khai xoá nhà tam, nhà dột nát của tỉnh bổ sung thêm chức năng chỉ đạo hỗ trợ nhà ở cho người có công và giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hoàn chỉnh quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ từng thành viên phụ trách địa bàn cụ thể để đôn đốc, sớm hoàn thành chương trình.
Sở Xây dựng tính toán, xây dựng các mô hình nhà mẫu đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng, kinh phí tối thiểu 80 triệu đồng/nhà để các địa phương hướng dẫn người dân xây dựng…/.