A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 triển khai nhiệm vụ năm 2025

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 6/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Chính phủ, đến điểm cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Năm 2024, Xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử cải thiện rõ rệt, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "Rất Cao". 

Bên cạnh đó, thể chế đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Luật Viễn thông sửa đổi có hiệu lực đã mở rộng không gian phát triển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số với các dịch vụ mới như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT). Luật Dữ liệu; Nghị định; Chiến lược về dữ liệu quốc gia đã tạo bước đột phá về thể chế dữ liệu, giải quyết được điểm nghẽn về cát cứ dữ liệu, mở ra không gian phát triển mới trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới về xử lý dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất quan trọng, hình thành thị trường về dữ liệu.

Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng; chất lượng thông tin di động tăng, tốc độ tải băng rộng di động đạt 86,96 Mbps, tăng 14 bậc xếp hạng quốc gia (lên 37/110 quốc gia); tốc độ tải băng rộng cố định đạt 159,32 Mbps, tăng 7 bậc xếp hạng quốc gia (lên 35/154 quốc gia).

Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển. Ngoài ra, dữ liệu dân cư đã được các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả để xác thực, đồng bộ, làm sạch hàng trăm triệu dữ liệu các lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, giáo dục – đào tạo, trẻ em, trợ giúp xã hội; hộ nghèo, cận nghèo, CBCCVC, quản lý cư trú,...

Cùng với đó, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á. Số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng theo Đề án 06/CP; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…

Tại Bình Định, trong năm 2024, công tác chuyển đổi số, phát triển chính quyền số tại tỉnh Bình Định được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện trên các mặt công tác như: Xây dựng, ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh; Xây dựng, tích hợp và đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, cán bộ công chức viên chức… để từng bước hình thành Kho dữ liệu số thống nhất của tỉnh, đến nay Bình Định đã phê duyệt Đề án xây dựng Kho dữ liệu số thông minh của tỉnh; Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin chỉ đạo, điều hành từ UBND tỉnh, đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã. Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính.

Đối với Đề án 06, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 Chính phủ, UBND tỉnh đã xác định và tổ chức triển khai hoàn thành 38/40 nhiệm vụ đề ra thuộc Đề án 06 trong năm 2024 (chiếm tỷ lệ 95%). Trong năm 2024, đã thu nhận và cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện là 1.224.975/1.272.073 (đạt tỷ lệ 96.30%), trong đó, đã kích hoạt, sử dụng 1.124.445/1.224.975 (đạt tỷ lệ 91,79%). Tập trung triển khai thực hiện tốt 02 nhóm dịch vụ công liên thông “khai sinh – khai tử” theo quy định tại Nghị định 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ, “Sổ sức khỏe điện tử”, “Cấp Phiếu Lý lịch tư pháp” qua ứng dụng VNeID. Tỉnh đã triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với 857 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền đạt 150% kế hoạch đề ra. Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết TTHC, phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó trong năm 2024, kết quả Chỉ số “Phục vụ người dân, doanh nghiệp” (được Cổng Dịch vụ công quốc gia ghi nhận) tỉnh Bình Định đạt 91,39 điểm, là một trong 02 địa phương thuộc nhóm “Xuất sắc” và dẫn đầu cả nước về mặt điểm số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc - baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực trong việc thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 của các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện chuyển đổi số gắn chặt với cuộc cách mạng cải cách bộ máy hành chính và  sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở các ngành, các cấp và phù hợp với xu thế phát triển thế giới, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số; Phát động phong trào thi đua toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Lãnh đạo bộ, ngành, UBND các cấp phải tiên phong, đổi mới tư duy, xử lý công việc trên môi trường mạng, ký số trước tháng 6/2025; Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến…


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật