Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định
(binhdinh.gov.vn) - Chiều tối 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 và các phương hướng, mục tiêu trong giai đoạn tới.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Chính phủ, về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn báo cáo kết quả nội bật KT-XH năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo; triển khai nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, kết luận của Trung ương, các giải pháp và đạt nhiều kết quả toàn diện về kinh tế-xã hội.
Năm 2024, tỉnh thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; GRDP tăng 7,78%, xếp thứ 26/63 cả nước, 6/14 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; quy mô kinh tế xếp thứ 25/63 cả nước, thứ 5/14 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 86,1 triệu đồng. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, thông tin - truyền thông, báo chí, phát thanh truyền hình luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Quang cảnh Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định
Năm 2025, tỉnh đã điều chỉnh, xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP từ 8,5-9% theo Kết luận số 123 ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. UBND tỉnh đã xây dựng lại toàn bộ kịch bản điều hành kế hoạch tăng trưởng rất chi tiết, cụ thể, mang tính khả thi cao. Tình hình KT-XH qua gần 3 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực, dự kiến tăng trưởng trên 7%. Dự kiến lượt khách du lịch đến Bình Định trong Quý I khoảng 3,3 triệu, lượt khách lưu trú khoảng 1,3 triệu lượt, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 500 triệu USD, tăng 18%; giải ngân đầu tư công bằng 12,6% so với kế hoạch, tốc độ giải ngân được duy trì đều; thu ngân sách ước khoảng 4.700 tỷ đồng, đạt 26,7% so với kế hoạch, tăng 61,4% so với cùng kỳ...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Tỉnh Bình Định quyết tâm hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng phát biểu giải trình một số kiến nghị của tỉnh Bình Định
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Định đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ nguồn lực để tỉnh tập trung phát triển hạ tầng chiến lược gồm: Dự án Đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng; Dự án Tuyến đường kết nối từ Cao tốc Bắc - Nam đến Khu công nghiệp Phù Mỹ và Bến cảng Phù Mỹ, với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; xem xét, bố trí vốn đầu tư để đảm bảo các điều kiện khởi công dự án cao tốc Quy Nhơn- Pleiku trong năm 2025; bố trí kinh phí để sớm triển khai các tuyến đường kết nối với dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, phát huy hiệu quả cao tốc Bắc - Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực; sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tỉnh có sơ sở phê duyệt, triển khai các dự án điện có tổng vốn đầu tư lớn trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh Bình Định cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng tại một số địa phương, xác định chính sách hiệu quả để mở rộng trên toàn quốc. Đồng thời, kính đề nghị mở rộng áp dụng chính sách đặc biệt cho mô hình mới như trung tâm tài chính khu vực, khu thương mại tự do trên cả nước; địa phương nào đáp ứng tiêu chí và thu hút được nhà đầu tư sẽ được xem xét áp dụng cơ chế đặc thù, tạo động lực phát triển đồng đều; Trung ương cần ban hành khung tiêu chí cụ thể, đảm bảo minh bạch, công bằng và tạo điều kiện cho các địa phương có đủ điều kiện được tham gia.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Thành Trung phát biểu giải trình các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Bình Định
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ. Đặc biệt, cần quan tâm đến các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai nhằm thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc về chế độ visa, nhà ở, thu nhập và thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại Bình Định. Đề nghị Trung ương sớm phân bổ kinh phí khoảng 105 tỷ đồng để hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Đồng thời, xem xét ban hành chính sách hỗ trợ cho 1.714 hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ đã hoàn thành xây dựng nhà ở trong giai đoạn 2020 - 2024, với kinh phí dự kiến 84 tỷ đồng.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách theo hướng các địa phương được chỉ định nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội tại các quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập hoặc quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã giao lại cho Nhà nước quản lý. Xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; nhất là tạo điều kiện cho đội ngũ điều động, luân chuyển trong giai đoạn sáp nhập các tỉnh, thành theo chủ trương của Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vào thăm, làm việc tại Bình Định trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Giải phóng Bình Định (31/3/1975-31/3/2025). Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu, kết quả của Bình Định đạt được thời gian qua, đóng góp vào kết quả chung của đất nước.
Nêu các định hướng, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tham gia cùng cả nước tổ chức tốt các ngày lễ lớn, kỷ niệm trọng đại của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh Bình Định cần tiên phong hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, không trông chờ, ỷ lại, luôn kiên định, giữ vững lập trường, xây dựng tỉnh Bình Định phát triển nhanh nhưng bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH quyết liệt hơn với tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó; phân công "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền, tránh tình trạng thẩm quyền được giao nhưng không dám quyết, ngại trách nhiệm. Phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tránh lãng phí; đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Về nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển, Thủ tướng yêu cầu lấy nguồn lực bên trong (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó chú trọng khai thác hiệu quả các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; nguồn lực bên ngoài, các dự án đầu tư là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Cách thức huy động nguồn lực là đẩy mạnh hợp tác công tư, với các hình thức như lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công. Tỉnh cần triển khai các công việc với tinh thần '3 có và 2 không'. '3 có' là có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, '2 không' là không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài nguyên của đất nước. Thủ tướng nhắc nhở “Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cứ thế mà làm, mạnh dạn mà làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì hết sức tránh".
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian về thăm Bình Định cũng như luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao để tỉnh phát triển.
Về nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính bảo đảm tiến độ, theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, trong đó quan trọng nhất là làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền, trong nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng trưởng theo chỉ tiêu đã đề ra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên trong năm 2025, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…
Bình Định cần phải triển khai mạnh mẽ hơn, chủ động hơn 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn; quan tâm đời sống người dân đã nhường mặt bằng cho các dự án, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; hoàn thành dứt điểm các dự án đã và đang triển khai, đồng thời chuẩn bị tham gia các dự án mới như triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và các dự án lớn khác trong tương lai.
Thủ tướng cũng gợi ý, cùng với việc sáp nhập xã, phường, bỏ cấp huyện thì có thể nghiên cứu sử dụng các trụ sở cơ quan để phục vụ y tế, giáo dục, tránh lãng phí, đồng thời tiếp tục đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục đồng bộ.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục cụ thể hóa, đẩy mạnh hơn nữa triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm dựa trên điều kiện cụ thể của tỉnh.
Thủ tướng mong muốn tỉnh làm tốt hơn nữa việc phát triển hạ tầng văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, thể thao, phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, tinh thần thượng võ, "khí phách Tây Sơn" “khí thế của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ” để phát triển, quan trọng hơn hết là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chỉ số hạnh phúc năm sau cao hơn năm trước và sớm hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, dột nát.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương Bình Định
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý tỉnh chú trọng xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đảng, trong nhân dân. Tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội đảng cấp trên.
Đối với các đề xuất kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chung cho các địa phương; đồng thời các địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo về các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để Chính phủ xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.