|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ đạo việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công

Ngày 12/05/2014, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1846/UBND-VX về việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chế biến lâm sản…. Bên cạnh đó việc chấp hành pháp luật lao động của một số doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc, tình trạng nợ lương, nhất là nợ tiền bảo hiểm xã hội tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2013,  nên đã xuất hiện tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người lao động đối với doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động, nhất là tranh chấp lao động tập thể, đình công gây mất an ninh trật tự xã hội địa phương.

Để phòng ngừa tình trạng trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật lao động, trong đó đặc biệt chú ý đến các quy định về nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi tổ chức thực hiện; xây dựng quy chế dân chủ cơ sở và thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; chấp hành quy định về thời giờ làm việc; thời giờ nghỉ ngơi; trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, thường xảy ra tranh chấp lao động; những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động, như: điều chỉnh tiền lương, chế độ làm đêm, làm thêm giờ, đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo điều kiện làm việc của người lao động; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm hòa giải viên lao động và thành lập Hội đồng trọng tài lao động của tỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, cũng như tổ chức thực hiện quán triệt Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ trên đại bàn tỉnh; nắm bắt tình hình biến động về lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Phối hợp với Sở Công thương, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo, Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động, đình công xảy ra.

Yêu cầu Sở Công thương vận động các doanh nghiệp, các tổ chức chấp hành tốt các quy định của pháp luật; chủ động nắm bắt những vấn đề phát sinh giữa người lao động và doanh nghiệp, phối hợp với các sở, ngành có liên quan giải quyết nhanh chóng, kịp thời đúng pháp luật các vấn đề phát sinh đó. Yêu cầu Liên minh Hợp tác xã tỉnh chỉ đạo các thành viên của mình chấp hành tốt các quy định của pháp luật; chủ động đối thoại, thương lượng với người lao động và đại diện tập thể người lao động để giải quyết tốt các vấn đề phát sinh; nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các thành viên, kiến nghị với cơ quan nhà nước tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Giao Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp. Nắm cung, cầu và sự biến động cung, cầu lao động trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp làm cơ sở để quy hoạch, xây dựng kế hoạch về phân bổ và sử dụng lao động trong khu công nghiệp. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp, đồng thời phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế hướng dẫn tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế, thỏa thuận về hợp đồng theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; an toàn, vệ sinh lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công đoàn; tranh chấp lao động; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành liên quan tiến hành tổ chức kiểm tra việc thực hiện chấp hành pháp luật lao động, giải quyết các tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp; nắm bắt diễn biến tình hình thực hiện pháp luật của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp để giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh.

Đề nghị Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng và yêu cầu bức xúc của người lao động để kịp thời thăm hỏi động viên người lao động gặp khó khăn, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện việc đối thoại, thương lượng để giải quyết kịp thời. Trước mắt tập trung vận động thành lập công đoàn cơ sở; kiện toàn tổ chức công đoàn cơ sở ở những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động giản đơn, mức tiền lương thấp, có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tranh chấp lao động; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn nhất là các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc quyền quản lý, và phối hợp với công đoàn cùng cấp chủ động theo dõi nắm bắt tình hình tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra ở các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, giải quyết nhanh chóng, kịp thời đúng pháp luật các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công tự phát trên địa bàn quản lý, khi phát sinh các vụ tranh chấp cử hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải nhằm giảm thiểu tình trạng giải quyết tranh chấp lao động thông qua tòa án. Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động theo đúng quy của Bộ luật Lao động năm 2012.

Yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với công đoàn cở sở trong doanh nghiệp giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, các yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp chính đáng của người lao động; tích cực phối hợp với các ngành liên quan, địa phương thống nhất giải pháp giải quyết những yêu cầu chính đáng của công nhân, không để xảy ra đình công tự phát tại doanh nghiệp. Tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, quán triệt nội dung Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ do các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức; tổ chức quán triệt nội dung Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ tới công nhân, người lao động trong doanh nghiệp và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và phổ biến công khai đến từng người lao động trong doanh nghiệp để thực hiện; bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết bảo đảm cho đối thoại; cử thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại.

 

Theo vpubbinhdinh.gov.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật