Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 03/01/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Mục đích của kế hoạch là chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; phương châm lấy phòng bệnh là chính, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi xảy ra dịch bệnh; tạo điều kiện để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, chế biến, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, kế hoạch còn hướng đến mục đích phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ theo quy hoạch, đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và từng bước giảm chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ; đồng thời nâng cao chất lượng con giống, duy trì, bảo tồn và phát triển các giống bản địa trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới hình thành vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước, đảm bảo sức khỏe người dân và hướng tới xuất khẩu.
Kế hoạch đề các nội dung và giải pháp cụ thể về: Tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, tổ chức chống dịch; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; quản lý công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và hành nghề thú y; quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh động vật đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đối với các loại vaccine hỗ trợ tiêm phòng gia súc, gia cầm, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua các loại vaccine (kể cả vaccine hao hụt trong tiêm phòng theo từng loại vaccine) cho người chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, phòng, chống dịch bệnh động vật, bao gồm: (1) Vaccine phòng bệnh Cúm gia cầm; (2) Vaccine phòng bệnh Lở mồm long móng trâu, bò; (3) Vaccine phòng bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò; (4) Vaccine Tụ huyết trùng trâu, bò cho 03 huyện miền núi.
Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật và điều kiện thực tiễn của địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định sử dụng các loại vaccine khác để phòng bệnh cho vật nuôi thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; thực hiện phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ theo quy hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật. Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động toàn dân chủ động tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát chăn nuôi, môi trường nuôi trồng thủy sản, giết mổ an toàn. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; quản lý chăn nuôi, giết mổ và giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, giết mổ, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao và đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh động vật; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật./.