Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh: Khẩn trương ứng phó bão số 13
Vị trí và đường đi của bão số 13
Hồi 10 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km. Đến 10 giờ ngày 14/11 (thứ Bảy), vị trí tâm bão ở 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15.
Bão số 13 sẽ đổ bộ và gây gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11, mưa to đến rất to cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong sáng ngày 15/11 (Chủ nhật) Bão số 13 là cơn bão mạnh, gây gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Thực hiện Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 13 năm 2020; để chủ động ứng phó với bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, ban ngành, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới, từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 117,0 độ Kinh Đông và được điều chỉnh theo các bản tin dự báo.
2. Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu, bảo đảm an toàn về người và tài sản. Tiếp tục thực hiện văn bản số 278/PCTT ngày 11/11/2020 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc cấm biển để bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền.
3. Rà soát phương án sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất và kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ sạt lở gây chia chia cắt.
4. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
5. Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường đưa tin về diễn biến bão để người dân biết và chủ động phòng tránh, ứng phó.
7. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo./.
Thùy Trang