Công điện của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 21/11/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 06/CĐ-UBND gửi Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh; Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: thanhnien.vn)
Toàn văn nội dung Công điện như sau:
Thực hiện Công điện số 118/CĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
Để tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh và đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh nhất là trong mùa mưa, bão trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 207/TTr-SLĐTBXH ngày 21 tháng 11 năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung như sau:
1. Các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian qua và của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 3868/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030; đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác trẻ em trong thời gian qua; Quyết định số 3868/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh.
b) Tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em.
d) Thường xuyên rà soát, đề xuất kịp thời với Trưởng Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục và tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình nhằm quản lý trẻ em, học sinh không để xảy ra tình trạng đuối nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện nêu trên và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh tại Công điện này.
b) Hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt là trong mùa mưa, bão.
c) Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
d) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để trẻ em, học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân.
đ) Hướng dẫn các địa phương và các cơ sở giáo dục về việc tổ chức dạy bơi, rèn luyện kỹ năng an toàn trong môi trường nước và hỗ trợ hoặc giảm giá vé, chi phí học bơi và các dịch vụ liên quan cho trẻ em, học sinh.
4. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị và vận chuyển cấp cứu cho trẻ em, học sinh bị đuối nước.
5. Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm:
a) Vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em, học sinh về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
b) Triển khai, hướng dẫn việc xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi, các thiết chế thể dục, thể thao và khuyến khích các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh.
6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em, học sinh bị đuối nước.
7. Tỉnh đoàn, Hội Đồng đội tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Đoàn, Đội các cấp chủ động đề xuất, phối hợp quản lý; tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước; dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trong trường học và tại cộng đồng dân cư.
8. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc và chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan, phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các thành viên Ban Điều hành bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn và phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
b) Chỉ đạo, thực hiện rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước…) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…).
c) Tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn.
d) Chủ động bố trí ngân sách hằng năm của địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh và vận động xã hội đầu tư xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh; tổ chức các lớp dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhất là tại các địa bàn thường xuyên xảy ra đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
đ) Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh của các cơ sở giáo dục, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương.
e) Báo cáo gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình, kết quả công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh ở địa phương để kịp thời tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
10. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh./.