Đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng cho 2.000 lao động nông thôn trong năm 2025
(binhdinh.gov.vn) - Đó là chỉ tiêu đào tạo được UBND tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 16/5/2025 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2025.
Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu, năm 2025, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp (gồm có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập) tối thiểu đạt 85%.
Dự kiến, tỉnh Bình Định sẽ dành 6,79 tỷ đồng để đào tạo cho lao động nông thôn có nhu cầu học nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên đào tạo lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp và lao động thuộc các đối tượng chính sách khác theo quy định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: nongnghiepmoitruong.vn)
Kế hoạch đề ra định hướng đào tạo như sau: Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới; đào tạo nhằm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.
Cùng với đó, đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị marketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngành nghề đào tạo thực hiện theo danh mục, chương trình khung, định mức chi phí đào tạo nghề nông nghiệp và định mức kinh tế - kỹ thuật cho các nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định được UBND tỉnh ban hành.
Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác có liên quan. Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp bảo đảm cân đối chung theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp và nhu cầu đào tạo lao động theo ngành, nghề thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương rà soát, bổ sung danh mục nghề nông nghiệp mới cho lao động nông thôn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh ban hành danh mục nghề, định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tổng hợp kết quả đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ chức năng nhiệm vụ, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề nghiệp và kinh phí đào tạo nghề thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương quản lý và sử dụng. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trình UBND tỉnh xem xét, ban hành hoặc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và theo quy định. Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, tổ chức đào tạo nghề cho người lao động; đặc biệt là người lao động thuộc đối tượng chính sách chuyển đổi nghề từ khai thác thủy - hải sản qua các ngành nghề khác trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành. Củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch này. Hướng dẫn cơ chế chuyển giao tài chính, thanh toán, quyết toán nguồn vốn thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định.
Các Sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn phù hợp với nhu cầu học nghề của người dân; đào tạo gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của Kế hoạch này đến với mọi tầng lớp nhân dân, để dân biết, dân tham gia học nghề. Hàng năm, khảo sát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của người lao động và căn cứ danh mục nghề đã ban hành và nhu cầu thực tế địa phương để lựa chọn nội dung đào tạo, xây dựng kế hoạch gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp. Quản lý nguồn kinh phí được phân bổ cho địa phương, tổ chức thực hiện, phân cấp thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định và chống lãng phí. Kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn. Định kỳ báo cáo 06 tháng, hàng năm và đột xuất về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động rà soát và xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi an toàn, các nghề dịch vụ nông nghiệp. Tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề đảm bảo theo chương trình đơn đặt hàng đã được phê duyệt. Tổng hợp kết quả đào tạo nghề nông nghiệp của từng khóa học, báo cáo về phòng chuyên môn tại địa phương và Sở Nông nghiệp và Môi trường để theo dõi, tổng hợp theo quy định. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, đào tạo lấy thực hành là chính, đào tạo tại nơi sản xuất. Phối hợp với các địa phương tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh ký hợp đồng với các đơn vị sử dụng lao động để tổ chức đào tạo nghề theo yêu cầu./.