Kế hoạch Giảm quá tải tại các bệnh viện công lập của tỉnh đến năm 2020
Ảnh minh họa.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp giảm quá tải bệnh viện được đề ra là: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng để tăng thêm giường bệnh cho các bệnh viện; tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB); thực hiện tuyển dụng, đào tạo viên chức y tế, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn và cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách; thông tin và truyền thông…
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt việc xây dựng các đề án thành lập mới, phát triển và mở rộng các bệnh viện công lập; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2008; điều chỉnh nâng định mức kinh phí/01 giường bệnh, giá dịch vụ KCB để đảm bảo kinh phí hoạt động cho các bệnh viện công lập; xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm đảm bảo thực hiện việc giảm quá tải bệnh viện.
Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện công lập trực thuộc tổ chức thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng KCB, thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện của các đơn vị, địa phương, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch cho UBND tỉnh, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.
Giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính hàng năm phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí dự toán kinh phí sự nghiệp y tế, kinh phí đầu tư phát triển và các nguồn khác theo quy định để đảm bảo thực hiện Kế hoạch trên; Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kế hoạch luân phiên cán bộ, xây dựng các chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực y tế chất lượng cao nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho việc thực hiện Kế hoạch Giảm quá tải bệnh viện; Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tích cực, chủ động phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh chủ động, phòng chống dịch bệnh nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ của người dân đối với công tác y tế.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đề xuất với BHXH Việt Nam để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong KCB bảo hiểm y tế (BHYT), đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, rà soát, in và cấp thẻ BHYT, quy trình thủ tục giám định BHYT… Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong KCB tại các cơ sở KCB; với các bệnh viện trong công tác giám định BHYT, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thanh toán KCB BHYT để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch Giảm quá tải bệnh viện trên địa bàn quản lý; cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành hỗ trợ thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã, chỉ đạo thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ tham gia giám sát, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu, kết quả đề ra./.
T.T.T