A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 07/06/2024, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2042/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu: Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi, gắn với giết mổ tập trung công nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: baobinhdinh.vn)

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp gồm: rà soát, ban hành, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi; phát triển sản xuất chăn nuôi (phát triển đàn vật nuôi chủ lực; phát triển các vùng chăn nuôi); nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch này. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tại các địa phương; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp cho UBND tỉnh chỉ đạo. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Trung ương và tỉnh đã được ban hành. Đồng thời, tham mưu đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Kế hoạch theo quy định. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các dự án xây dựng phát triển trại chăn nuôi, liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành có liên quan đề xuất bố trí kinh phí thực hiện từ các nguồn vốn (nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, dự án khác; nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có); tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác) để triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch đề ra đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách và hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi tham gia chuỗi cung ứng kết nối tiêu thụ sản phẩm, thương mại điện tử. Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp thu hút các dự án đầu tư hạ tầng - thương mại gắn với dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như chợ nông sản, các trung tâm dịch vụ logistics theo quy hoạch.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan ưu tiên các đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương lập phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất cho chăn nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức cá nhân thực hiện các thủ tục về đất đai để phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp trong chăn nuôi. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, phối hợp kiểm tra quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo quy chuẩn về môi trường theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ chăn nuôi, cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để các thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi theo quy định của Hội sở chính đảm bảo đúng quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh; đề xuất UBND tỉnh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành quản lý, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, tăng cường phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác chỉ đạo, phát triển chăn nuôi; có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương gắn với các chương trình, dự án, chính sách của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương, thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật