Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy năm 2018
Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm; làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy; chú trọng triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là thông tin mạng trong việc đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Tiến hành đổi mới các hoạt động phòng ngừa xã hội; phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong quản lý, giáo dục, hỗ trợ tạo việc làm cho người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận, công đoàn, cựu chiến binh, hội nông dân, thanh niên, phụ nữ...
Đặc biệt, duy trì phát huy hiệu quả mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” về an ninh, trật tự ở cơ sở; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm; lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng; thường xuyên kiểm tra, rà soát, khắc phục kịp thời những sơ hở, bất cập, thiếu sót để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, gắn với tăng cường các biện pháp quản lý sau cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng để giảm “cầu” về ma túy, góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy; phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, nghị quyết liên tịch, chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đã ký kết; chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; quan tâm, ưu tiên chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác chuyên trách, bán chuyên trách và những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn; có chế độ hỗ trợ cho tập thể, gia đình, cá nhân bị thương, hy sinh, phơi nhiễm HIV hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Mặt khác, tùy thực tiễn tình hình địa phương, Thủ trưởng các sở, ngành, hội đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Duy trì, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định tại Quyết định số 127/QĐ-BCĐ ngày 27/9/2017 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ. Giao Công an tỉnh có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo 138 tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này./.
Hữu Phước