A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh đạt 26% vào năm 2025

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 22/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về triển khai thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 17/9/2024 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lớp dạy nghề May công nghiệp cho lao động dân tộc thiểu số ở xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định (Ảnh: tapchilaodongxahoi.vn)

Mục tiêu chung của kế hoạch là tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu hàng năm thu hút khoảng 3.500 lao động nông thôn tham gia học nghề ở các cấp trình độ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh đạt 26% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (2) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (3) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (4) Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (5) Đổi mới, phát triển chương trình và phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (6) Phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (7) Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; (8) Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật