|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với phương tiện thủy nội địa chở người, chở khách trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8303/UBND-KT ngày 15/2/2020.

Ảnh minh họa

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 4 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn thủ tục, điều kiện kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa để đăng kiểm, đăng ký theo quy định; rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, thông báo rộng rãi cho người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đăng ký học để liên kết mở lớp đào tạo cấp Chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng theo đúng quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020. Hỗ trợ dẫn các địa phương và đơn vị khai thác du lịch ven biển, đầm, hồ trong việc lập thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, trước hết ưu tiên xây dựng bến thủy nội địa, bến ngang sông đủ tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động; hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng đường thủy nội địa. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; phối hợp với Cảnh sát giao thông, Chi cục Đăng kiểm số 4, các địa phương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về điều kiện phương tiện, người điều khiển phương tiện, các bến (điểm) đón trả khách trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Công an tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 21/01/2020 của UBND tỉnh về triển khai năm An toàn giao thông năm 2020 trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 06/9/2016 của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông như: phương tiện chở hàng quá tải trọng, quá số người được phép chở trên phương tiện, không hướng dẫn, sắp xếp người ngồi trên phương tiện và sử áo phao hoặc dụng cụ nổi; phương tiện không đăng ký đăng kiểm, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng chống cháy, nổ; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; bến thủy hoạt động không có giấy phép, không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; hỗ trợ, ứng cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Đề nghị Chi cục Đăng kiểm số 4 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ các quy định về hồ sơ, thủ tục đăng kiểm và tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa để thực hiện việc đăng kiểm phương tiện; trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn và khuyến cáo điều kiện hoạt động an toàn của phương tiện thủy nội địa ven biển, đầm, hồ...; phối hợp kiểm tra, xác định tình trạng kỹ thuật phương tiện thủy nội địa để các lực lượng chức năng làm cơ sở xử lý theo quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy nội địa đến người dân sinh sống ven biển, đầm, hồ, khu vực có hoạt động đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý, trong đó chú trọng tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; trang bị và sử dụng phao, dụng cụ nổi cứu sinh, phòng chống cháy, nổ trên phương tiện vận tải đường thủy; điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và các biện pháp phòng tránh cháy nổ trên phương tiện thủy nội địa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 35 /CTr-BATGT ngày 12/5/2016 của Ban An toàn giao thông tỉnh về thực  hiện Cuộc vận  động xây dựng phong trào “Văn hóa  giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016- 2020 trên các tuyến, địa bàn đường thủy nội địa trọng điểm; phát huy các mô hình văn hóa như: đoạn, tuyến sông văn hóa, an toàn; bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn. Quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông đường thủy nội địa, chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia vận chuyển hàng hóa, người, hành khách; xây dựng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông và xin cấp phép hoạt động theo quy định; công khai, niêm yết rộng rãi số điện thoại đường dây nóng tại các bến (điểm) đón trả khách để người dân biết, liên hệ khi cần thiết; công khai, niêm yết rộng rãi số điện thoại đường dây nóng cho người dân, du khách biết để phản ánh, cung cấp thông tin; rà soát, thông báo các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, phương tiện không đủ điều kiện tham gia giao thông cho người dân, du khách biết khi lựa chọn dịch vụ vận tải đường thủy nội địa. Quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch lữ hành, dịch vụ du lịch theo tour, kinh doanh du lịch ven biển, đầm, hồ và kinh doanh vận tải đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý. Chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; cương quyết giải tỏa các bến (điểm) đón trả khách hoạt động trái phép, cưỡng chế neo đậu những phương tiện không có đăng kiểm, không đăng ký, loại bỏ tàu cá hoán cải để chở khách; không để phương tiện thủy nội địa hoạt động trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; bố trí lực lượng hướng dẫn, bảo đảm an toàn giao thông tại các bến thủy nội địa, các điểm đón, trả khách và khu vực có hoạt động đường thủy nội địa khi xảy ra tình huống phức tạp, mưa lũ.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật