A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 22/7, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4208/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH), trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Tại tỉnh ta, theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 17/7/2019, toàn tỉnh đã ghi nhận 4.007 trường hợp mắc SXH, không có tử vong (cao gấp 4,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2018). Các ca bệnh được ghi nhận ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh: Quy Nhơn 227 ca, An Nhơn 264 ca, Phù Cát 90 ca, Tây Sơn 117 ca, Tuy Phước 90 ca,  Phù Mỹ 95 ca, Hoài Nhơn 180 ca, Hoài Ân 14 ca, Vân Canh 17 ca, Vĩnh Thạnh 09 ca. So với số liệu cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết; nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) lan rộng, kéo dài trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo kiên quyết các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch SXH tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế; với mục tiêu quyết tâm kiềm chế, kiểm soát, tiến tới dập tắt dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, giảm số ca mắc SXH và hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, đa dạng hóa các kênh truyền thông phù hợp với thực tế của mỗi địa phương, nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh SXH của nhân dân để tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức triển khai một cách hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, phun hóa chất diệt muỗi nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

- Cân đối bổ sung, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH tại đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành (ngoài kinh phí mua hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, phụ cấp phòng chống dịch cho nhân viên y tế do ngân sách tỉnh đảm bảo).

- UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, đoàn thể tại địa phương:

+ Tuyên truyền, vận động thực hiện phòng, chống dịch bệnh SXH đến tận hộ gia đình để người dân biết và tự giác kiểm tra, loại trừ ổ chứa lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, áp dụng các biện pháp đề phòng muỗi đốt và tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh SXH tại địa phương; hướng dẫn người dân cách phát hiện sớm ca bệnh và đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm và gây tử vong.

+ Triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, bảo đảm hạ thấp chỉ số bọ gậy xuống dưới ngưỡng an toàn và duy trì hoạt động này hàng tuần trong thời gian có dịch, đặc biệt tại các công trường xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém.

+ Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi.

+ Huy động lực lượng phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH có hiệu quả.

2. Sở Y tế tập trung chỉ đạo:

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH một cách hiệu quả, thiết thực. Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và nội dung tuyên truyền phòng chống bệnh SXH cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, hội đoàn thể liên quan để thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân biết, thực hiện.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện, phối hợp các địa phương xử lý sớm, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng; có kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất và phương tiện, thuốc men, bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời các ca bệnh theo đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, giám sát việc tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi, tính toán sự ảnh hưởng của thời tiết để bảo đảm việc xử lý đạt hiệu quả cao; đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện… đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân.

- Tổ chức điều tra, đánh giá, phân tích nhằm xác định tình hình dịch, địa bàn trọng điểm, đối tượng nguy cơ nhằm đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình dịch bệnh.

- Thường xuyên báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh; đánh giá việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngay khi bước vào năm học mới 2017-2018, chỉ đạo các trường học đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh SXH trong trường học; huy động lực lượng học sinh tham gia kiểm tra dụng cụ chứa nước trong gia đình, trong nhà trường và thực hiện diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định và Đài truyền thanh các địa phương: Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch SXH, cách phát hiện sớm ca bệnh để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng chống dịch, đưa người có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí đủ kinh phí phục vụ  công tác phòng chống dịch bệnh SXH của tỉnh theo quy định.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và các hội, đoàn thể: Chủ động phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông và tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh./.

KY


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật