A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh tại chỉ thị số 12/CT-UBND.

Người lao động của các DN ở Khu công nghiệp Nhơn Hòa dự Lễ phát dộng tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh. (Ảnh: H.THU - baobinhdinh.vn)

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, hội, đoàn thể thuộc tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường, công tác an toàn, vệ sinh lao động và Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 12/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; triển khai thực hiện các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan về công tác An toàn, vệ sinh lao động và các quy định khác đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động.

Các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác ATVSLĐ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; phối hợp các ngành chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về công tác ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương. Hằng năm, bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương. Xây dựng, ban hành kế hoạch và hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý triển khai các hoạt động thiết thực trong Tháng hành động về ATVSLĐ. Chỉ đạo việc tổ chức, phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động về thực hiện công tác ATVSLĐ. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Kịp thời báo cáo cấp trên những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tại cơ sở. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền, cho người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Phổ biến đầy đủ các quy định pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động đến người lao động của đơn vị, doanh nghiệp để triển khai thực hiện.

Tăng cường thực hiện chế độ tự kiểm tra, tự cải thiện điều kiện lao động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hội nhập quốc tế về ATVSLĐ; kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động để hạn chế những thiệt hại do điều kiện lao động xấu gây ra; bố trí cán bộ làm công tác bảo hộ lao động, tổ chức mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, lực lượng PCCC; tổ chức huấn luyện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ cho các đối tượng của doanh nghiệp theo quy định; thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Đối với người lao động, chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động. Tham gia các khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để có thể nhận diện các nguy cơ, rủi ro, các yếu tố nguy hiểm từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn lao động cho bản thân; kiên quyết từ chối làm việc khi các điều kiện an toàn lao động chưa được đảm bảo. Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc…


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật