Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; tăng cường hoạt động truyền thông về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong công tác xây dựng và vận hành các bãi chôn lấp chất thải rắn; kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công bố rõ mức phí vệ sinh đóng góp của người dân và mức hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt, quản lý, khai thác, trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực tuyên truyền các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, hiệu quả; phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost; tiếp tục phân phối, hỗ trợ có hiệu quả các công trình xử lý chất thải chăn nuôi (hầm biogas, đệm lót sinh học...) cho các hộ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và triển khai các dự án, đề án hỗ trợ phát triển bền vững chăn nuôi an toàn sinh học có sự liên kết với doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thu hút đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn quy mô cấp liên vùng, liên xã. Không tham mưu cấp phép chủ trương đầu tư đối với lò đốt có công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo tại Văn bản số 1298/BTNMT-TCMT ngày 13/4/2016 về việc tăng cường quản lý, hạn chế sử dụng lò đốt rác thải cỡ nhỏ tại Việt Nam.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất phân bổ kinh phí đảm bảo duy trì hoạt động có hiệu quả các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và tại các làng nghề.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, cân đối kinh phí để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn hợp lý, hiệu quả, đặc biệt là các khu vực nông thôn. Rà soát, kiểm tra các điểm tập kết, cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vê môi trường; kiên quyết không chấp thuận đầu tư các lò đốt, bãi chôn lấp quy mô cấp thôn, xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, vận động người dân thu gom, phân loại, tái sử dụng và đổ, bỏ rác đúng nơi quy định.
Hữu Phước