|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Bình Định.


Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh: tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương đối với tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý; thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội. Hội hoạt động trong ngành, lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó. Thành lập hội phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân và theo đúng quy định của pháp luật; hội thành lập mới không trùng lắp với hội đã được thành lập hợp pháp trên cùng địa bàn. Tổ chức của hội không nhất thiết phải thành lập hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hoạt động của hội phải đảm bảo nguyên tắc chung là: tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí, tuân thủ pháp luật và Điều lệ hội.

UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí đối với những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho hội. Rà soát, đề xuất sắp xếp, sáp nhập, giải thể đối với các tổ chức hội có cùng lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ tương đồng nhau, các tổ chức hội có ít hội viên, hoạt động kém hiệu quả. Từ nay đến năm 2020 thực hiện khoán kinh phí hoạt động đối với các hội đã được giao biên chế, hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện Điều lệcủa các tổ chức hội; xử lý hoặc kiến nghị UBND tỉnh xử lý các vi phạm của hội theo quy định của pháp luật, nhất là việc thành lập hội tự phát hoặc thành lập hội không đúng thẩm quyền, hội không hoạt động liên tục 12 tháng, không chấp hành việc báo cáo, không sinh hoạt hội, không thực hiện các nhiệm vụ được quy định theo Điều lệ hội, không tổ chức đại hội theo đúng nhiệm kỳ,cónhững hoạt động dịch vụ, dạy nghề, truyền nghề, sản xuất kinh doanh... không đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức hội cần thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hội; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên; đoàn kết, tập hợp hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội, hội viên và cộng đồng; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của các hội hiện nay. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp thay đổi về nhân sự (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) giữa nhiệm kỳ; thay đổi về địa điểm, trụ sở hoạt động… Quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức hội tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục…; tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định; khuyến khích các hội gắn hoạt động của hội với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị; kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về công tác hội.

Hữu Phước


Tin nổi bật Tin nổi bật