A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 07/01/2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 04/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 nhiều tuyến đường ở miền núi Bình Định được đầu tư xây dựng bài bản (Ảnh: baodantoc.vn)

Kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ cơ chế, chính sách, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, nhất là các cơ chế đặc thù để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt các nội dung chính sách của Chương trình, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn kinh phí được phân bổ năm 2025 và nguồn kinh phí kéo dài thời gian thực hiện của các năm trước góp phần hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể như sau: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán. Hỗ trợ xây dựng các công trình đầu tư mới và nâng cấp như: Đường giao thông; công trình nhà văn hoá - khu thể thao các thôn; nước sinh hoạt, trường học, kênh mương và một số công trình thiết yếu khác. Hoàn thành các dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; tiếp tục triển khai đầu tư 03 dự án (Dự án định canh, định cư tập trung làng Suối Diếp, xã Canh Hoà, huyện Vân Canh; Khu tái định cư vùng thiên tai thôn 4, thôn 5 xã An Trung, huyện An Lão; Bố trí tái định cư thôn 2 xã An Toàn, huyện An Lão). Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão. Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng trong tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là năng lực tổ chức thực hiện các công trình, dự án theo cơ chế đặc thù. Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chương trình, vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nguồn vốn kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2025 là 126,531 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn các năm trước chuyển sang; các nguồn vốn tín dụng và nguồn hợp pháp khác); trong đó, ngân sách Trung ương (vốn đầu tư) là 109,634 tỷ đồng; ngân sách tỉnh (vốn đầu tư) là 16,897 tỷ đồng.

Ban Dân tộc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch nhằm đạt mục tiêu đề ra. Cùng với đó, theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án để báo cáo kết quả định kỳ và đột xuất với Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Ban hành các kế hoạch thực hiện những nội dung được giao chủ trì để thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng hợp các kiến nghị về cơ chế, giải pháp bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch; phối hợp tham mưu phân bổ nguồn kinh phí Chương trình trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu nhằm giảm nghèo theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Ban Dân tộc chủ trì thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá Chương trình theo quy định.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh lập kế hoạch thực hiện các nội dung được giao nhiệm vụ và được cấp kinh phí (kể cả nguồn kinh phí được cấp từ các năm trước nhưng chưa thực hiện). Phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc và các đơn vị, địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện nội dung được phân công. Cung cấp thông tin các chỉ số đầu vào của các nội dung được giao nhiệm vụ để phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá theo Thông tư số 01/2022 ngày 26/5/2022 của Ủy ban Dân tộc.

UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn lập kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2025 trên phạm vi của địa phương quản lý theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các xã rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý cấp xã/Ban phát triển thôn, lập kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2025 theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bố trí nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của địa phương và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác thực hiện Chương trình.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, góp phần thực hiện tốt Chương trình trên địa bàn tỉnh./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật