A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-Ngày 02/02/2014, UBND tỉnh ban hành văn bản số 467/UBND-VX về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch sởi năm 2014-2015, ban hành kèm theo Quyết định số 4554/QĐ-BYT ngày 03/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, đảm bảo đạt các mục tiêu kế hoạch đề ra nhằm tiến tới loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam; tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2015 của tỉnh Bình Định được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 271/QĐ-UBND ngày 29/01/2015.

Chỉ đạo tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi và kịp thời điều trị, xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế mức thấp nhất số mắc bệnh và tử vong; tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để dịch; đánh giá tình hình dịch bệnh một cách chính xác để có biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực chống dịch và chế độ báo cáo; báo cáo tình hình dịch bệnh sởi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và UBND tỉnh theo quy định. Khi phát hiện ca bệnh, thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh cho các đơn vị, địa phương liên quan để triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Chỉ đạo việc thực hiện tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm ngay vẳc xin sởi, tránh tình trạng bị mắc bệnh sởi do tiêm vắc xin muộn; đồng thời tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 01 - 14 tuổi, đạt tỷ lệ 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn; thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét vắc xin sởi, đặc biệt tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện.

Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi; thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về các biện pháp phòng chống dịch bệnh đường hô hấp trong đó có bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng sởi, chú ý vào việc tiêm đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch bệnh tại địa phương, làm rõ những đơn vị, địa phương nào thực hiện chưa tốt công tác sẵn sàng phòng chống dịch bệnh, để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế chỉ đạo kịp thời.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng của huyện, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng bệnh sởi tại các thôn, xóm, các trường học trên địa bàn; chỉ đạo Đài Truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các triệu chứng của bệnh, cách phòng bệnh sởi cho người dân; đặc biệt là các thầy cô giáo cần phổ biến tới các em học sinh các biện pháp phòng bệnh; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của địa phương cho công tác phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh quản lý.

Sở Tài chính căn cứ tình hình thực tế, phối hợp với Sở Y tế tổng hợp nhu cầu vật tư, trang thiết bị, thuốc, kinh phí phục vụ phòng chống bệnh sởi, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí phòng chống dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định tăng cường thời lượng tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống bệnh sởi; phối hợp với ngành Y tế thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh, tránh gây hoang mang cho người dân; chuyển tải các thông điệp, các biện pháp phòng chống bệnh sởi đến người dân.

Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc triển khai công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể thành viên tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế và các ngành chuyên môn liên quan./.

P.H.P


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật