|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030, ngày 06/11/2024, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định này trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) 

Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể là tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác tham mưu xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật.

Đến năm 2027, đảm bảo ít nhất 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp phụ trách chỉ đạo và tham mưu công tác xây dựng pháp luật.

Đến năm 2027, đảm bảo ít nhất 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đến năm 2027 có 02 công chức và đến năm 2030 có 03 công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật cho tỉnh.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau: (1) Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; (2) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các ngành, lĩnh vực góp phần đảm bảo chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật; (3) Thu hút, tuyển dụng, trọng dụng người có tài năng vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; (4) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; (5) Ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật; (6) Biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức phát huy trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; (7) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.

Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, biên soạn, phát hành (trường hợp tài liệu Bộ Tư pháp biên soạn không bao gồm phần của địa phương) tài liệu chuyên sâu hướng dẫn kỹ năng xây dựng pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh; tổ chức các Hội nghị, Hội thảo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật; tổ chức hội nghị, khảo sát tình hình thực tế để nghiên cứu xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn đáp ứng yêu cầu; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ; tham mưu thực hiện: Sơ kết và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp theo quy định hoặc theo yêu cầu.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu đề xuất HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành, góp phần phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng đến kỹ năng xây dựng pháp luật.

Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch này theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác xây dựng pháp luật.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác tham mưu xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật; trên cơ sở biên chế được giao, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn một số công chức có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành lực lượng nòng cốt nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng pháp luật; đồng thời có giải pháp thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật kế cận, bảo đảm tính kế thừa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ khác của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật. Bố trí kinh phí hàng năm để tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Kế hoạch này. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo theo quy định hoặc theo yêu cầu./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật