Tuyệt đối bảo mật, không làm lộ lọt thông tin danh tính của người dân, doanh nghiệp tham gia khảo sát
(binhdinh.gov.vn) - Đó là một trong những yêu cầu của “Quy định về lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh” vừa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4268/QĐ-UBND ngày 11/11/2024
Theo đó, UBND tỉnh quy định việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp đối với 03 vấn đề: Công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, Chất lượng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với tất cả các hồ sơ.
Việc khảo sát sẽ được thực hiện hoàn toàn theo phương thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định; hoặc trên hộp thư điện tử (email) và tài khoản Zalo của cá nhân thực hiện giao dịch; hoặc trên hệ thống máy tính bảng, màn hình cảm ứng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.
Các phiếu khảo sát được định danh với từng hồ sơ thủ tục hành chính dựa trên mã số hóa hồ sơ và chỉ được trả lời một lần duy nhất bằng một phương thức trực tuyến nhất định do người dân, doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Mỗi hồ sơ thủ tục hành chính trên “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” sẽ có 02 loại phiếu khảo sát tương ứng với hình thức nộp hồ sơ (trực tiếp hoặc trực tuyến) như nêu trên.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm Phiếu khảo sát đánh giá hồ sơ được gửi đến người dân, doanh nghiệp, “Hệ thống phần mềm khảo sát” tự động khóa chức năng tương tác đối với những phiếu không được người dân, doanh nghiệp trả lời. Những hồ sơ không được người dân, doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát thì không tính vào tổng số lượng hồ sơ khảo sát khi phân tích, đánh giá kết quả khảo sát.
Kết quả khảo sát được cập nhật, công khai thường xuyên theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, được sử dụng để tái cấu trúc, cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng Báo cáo kết quả về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (Chỉ số SIPAS) định kỳ hằng quý, hằng năm thay thế cho công tác điều tra, khảo sát trực tiếp bằng mẫu phiếu giấy như trước đây; là cơ sở để quan trọng để bình xét thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quy định nêu trên. Đồng thời, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện các hành vi: tác động, định hướng người dân, doanh nghiệp trả lời khảo sát thiếu khách quan, không trung thực so với thực tế; làm thay đổi thông tin, dữ liệu về kết quả khảo sát; làm lộ lọt thông tin danh tính của người dân, doanh nghiệp tham gia khảo sát; đe dọa, trù dập hoặc giao tiếp, ứng xử không lễ phép, gây khó khăn, cản trở cho các trường hợp người dân, doanh nghiệp đã tham gia trả lời khảo sát; kịp thời kiểm tra, làm rõ thông tin và xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các trường hợp vi phạm
Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 1010/TTr-VPUBND ngày 24/11/2024 đánh giá một trong những ưu điểm của Quy định nêu trên là việc khảo sát được thực hiện hoàn toàn trực tuyến và được thiết kế quy trình thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng; ý kiến khảo sát được định danh với từng hồ sơ thủ tục hành chính; thực hiện ngay sau khi người dân, doanh nghiệp hoàn tất việc giao dịch hồ sơ. Do đó, thông tin về kết quả đánh giá đảm bảo tính kịp thời cho việc phản ánh khách quan tình hình, thực tế cảm nhận của người dân, doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ; đáp ứng mức độ tin cậy cao cho công tác phân tích, đánh giá tồn tại, hạn chế, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp khắc phục./.