A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định kỳ vọng hút dòng vốn FDI chất lượng cao

Với sự chuẩn bị tích cực trong xúc tiến đầu tư năm 2022, Bình Định định hướng thu hút các dự án đầu tư FDI chất lượng cao, đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch, tái đầu tư phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại Bình Định. Ảnh: Nguyễn Tri

Nhiều tính hiệu tích cực
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, tính đến 31/12, tỉnh này thu hút mới 81 dự án (80 dự án trong nước, 1 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư hơn 19.644 tỷ đồng; thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm hơn 19.475 tỷ đồng (vượt 135% so với kế hoạch đề ra đầu năm là thu hút 60 dự án).

Theo đó, đối với thu hút đầu tư trong nước có 33 dự án được đầu tư trong các cụm công nghiệp (CCN) với tổng vốn đầu tư hơn 2.110 tỷ đồng; 21 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 3.310 tỷ đồng và 26 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư hơn 14.123 tỷ đồng.
Phân theo lĩnh vực, 56 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 11 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 9 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng; 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 1 dự án lĩnh vực công nghệ thông tin và 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục…

Bên với đó, đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh Bình Định đã thu hút được 1 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 4 triệu USD; 1 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.

"Dù số lượng dự án FDI cấp mới ít, nhưng trong năm tỉnh đã đón và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong số đó nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế hàng đầu như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Australia, Newzealand, Thái Lan… Trong năm tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng sẽ đón được dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư này", ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho hay.

Theo ông Bay, tổng kết trong năm 2022, các dự án đầu tư đã thực hiện giải ngân hơn 53.522 tỷ đồng (đạt 89,20% so với kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng).

Đồng thời, có 1.203 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 10.118 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, tăng 28,39% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 20,4% về vốn đăng ký.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,55 tỷ triệu USD (tăng 9,3% so với cùng kỳ, đạt 114,8% kế hoạch năm). Kim ngạch nhập khẩu năm 2022 ước đạt 469,6 triệu USD (giảm 1% so với cùng kỳ, đạt 102,2% kế hoạch năm).

Để tăng cường thu hút đầu tư, trong năm 2022, Bình Định đã tổ chức đấu giá, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án lớn, trọng điểm; xúc tiến, hỗ trợ đầu tư vào Khu đô thị Khoa học Quy Hòa.

Đồng thời, địa phương cũng đã tổ chức chuyến xúc tiến đầu tư và Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định tại Hàn Quốc; tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư Đức, Thái Lan, Hàn Quốc; thực hiện hỗ trợ vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư thông qua Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh…

Tuy công tác xúc tiến đầu tư tỉnh trong năm qua đạt được nhiều thành công, nhưng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cũng nhìn nhận, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ; một số ngành sản xuất thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào; một số sản phẩm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhất là từ các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU); chưa phát huy hết dư địa sẵn có nên sự phát triển đa dạng tỷ trọng các lĩnh vực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Phối cảnh dự án Liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn có tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định

Tập trung thu hút vào 5 trụ cột
Trong năm 2023, Bình Định tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tập trung mời gọi các dự án đầu tư công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

5 trụ cột chính thu hút đầu tư vẫn là công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Trong đó, địa phương này sẽ chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

"Địa phương sẽ chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư FDI chất lượng cao. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, nguồn nhân lực và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết để đón nhận dòng vốn FDI đang chuyển dịch, tái đầu tư phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch", ông Bay chia sẻ.

Trong năm 2023, Bình Định phấn đấu thu hút trên 60 dự án và trên 20.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài); đặt chỉ tiêu năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.
Địa phương cũng tiếp tục hợp tác với các tỉnh trong nước: Bình Dương, Hà Tĩnh, Gia Lai, Hà Nội, HCM và các thành phố nước ngoài: Izumisano (Nhật Bản), Yongsan, Incheon (Hàn Quốc)… theo chương trình hợp tác chung giữa các tổ chức và các địa phương với UBND tỉnh Bình Định.

"Bình Định rất coi trọng cộng đồng các doanh nghiệp và ghi nhận những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại cho đến hoạt động xã hội. Năm 2023, tỉnh tích cực tổ chức gặp gỡ thường xuyên với doanh nghiệp để lắng ý kiến doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp phát triển kinh doanh và phát triển hơn", ông Bay chia sẻ thêm.
 


Tác giả: Theo Nguyễn Tri, Nhàđầutư
Nguồn:kkt.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật