Bình Định: Những công trình thuỷ lợi ở miền núi góp phần cho những vùng quê nghèo no ấm
Những năm qua, tỉnh Bình Định tập trung đầu tư nhiều công trình đập dâng, đê kè, hồ thuỷ lợi… tại các huyện miền núi. Những công trình này hoàn thành đã tích nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các huyện miền núi và các vùng lân cận, góp phần làm cho những vùng quê trước đây nghèo khó trở nên no ấm hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành hồ chứa nước Đồng Mít
Từ công trình giải quyết tình trạng khô hạn phía Bắc của tỉnh
Ít ai nghĩ rằng, có một ngày, giữa chốn rừng núi thâm u nơi đại ngàn An Lão (Bình Định) bỗng bừng sáng nhờ công trình đầu mối hồ thủy lợi, được xây dựng quy mô bài bản và đẹp như một bức tranh. Dự án hồ chứa nước Ðồng Mít được khởi công ngày 24/02/2019, với dung tích 89,8 triệu m3 nước, là một trong những dự án quan trọng của Quốc gia, nhằm thực hiện chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 02/2023.
Theo ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Định, khu vực phía Bắc của tỉnh từ trước đến nay, chưa có hồ chứa nước nào đủ lớn để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, chỉ toàn những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, nên vào những vụ Hè Thu thường bị thiếu nước vào cuối vụ. Hồ chứa nước Đồng Mít hình thành, ngoài những diện tích sản xuất nông nghiệp ở huyện An Lão, các địa phương lân cận như huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn cũng được hưởng lợi, tiếp đến sau này là các địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn nước của hồ.
Cũng theo ông Thi, Dự án hồ chứa nước Đồng Mít gồm 2 hợp phần chính, với tổng vốn đầu tư trên 2.140 tỉ đồng. Trong đó, hợp phần Xây dựng công trình đầu mối do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư có tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng và hợp phần Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân vùng lòng hồ do Ban Quản lý Dự án NN&PTNT Bình Định làm chủ đầu tư có tổng kinh phí hơn 700 tỉ đồng.
“Hồ chứa nước Đồng Mít có diện tích lưu vực 160,3 km2, dung tích thiết kế gần 90 triệu m3. Hồ Đồng Mít và đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn) đi vào vận hành sẽ kết nối với nhau, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người dân, phục vụ tưới cho 6.742ha đất canh tác vùng hạ du các huyện An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn cùng các địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ”, ông Thi cho biết thêm.
Điều đặc biệt của Dự án hồ chứa nước Đồng Mít, không chỉ ở quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định, mà để xây dựng hồ chứa nước này, diện tích phải thu hồi lên đến 1.300ha. Theo đó, tỉnh Định đã phải thực hiện di dời toàn bộ xã An Dũng, với 480 hộ, với 1.735 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Hrê.
Để làm được điều này, chính quyền tỉnh Bình Định, huyện An Lão đã rất nỗ lực trong công tác dân vận, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Ông Đỗ Tùng Lâm, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, và tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân. Qua đó, Đảng bộ, chính quyền và các hội, đoàn thể ở huyện An Lão đã hoàn thành phần lớn các công việc đền bù giải phòng mặt bằng, di dời, chăm lo tốt hơn cho người dân. Các hộ dân di dời đến khu tái định cư đã được huyện cấp cho mỗi hộ 400m2 đất ở.
Cùng với việc chăm lo nơi ở cho người dân xã An Dũng, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền huyện An Lão còn đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch đất sản xuất, đất lâm nghiệp để cấp cho người dân đầu tư phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương đã quy hoạch 636ha đất để cấp cho người dân sản xuất.
“Đối với đất ruộng, chúng tôi vận chuyển lớp đất mặt ở làng cũ về làng mới. Việc này vừa bảo đảm độ phì nhiêu cho đất ruộng mới, vừa giúp bà con đỡ nhớ nơi ở cũ, dù sao cũng còn đất của cha ông. Vậy nên, đồng bào đồng lòng và ưng bụng lắm”, ông Lâm chia sẻ.
Đến công trình điều tiết nước khu vực phía Nam của tỉnh
Sông Hà Thanh là một trong những con sông lớn của tỉnh Bình Định, chảy xuyên suốt chiều dài của huyện Vân Canh. Trước đây, vào mùa mưa lũ, nước từ trên nguồn đổ vào sông Hà Thanh chảy về xuôi rất hung hãn. Những năm lũ lớn, nước trên sông Hà Thanh tràn cả vào khu dân cư 2 bên bờ, có năm uy hiếp hàng ngàn hộ dân ở huyện Tuy Phước và vùng hạ lưu của sông. Tuy nhiên, đến mùa khô hạn là sông Hà Thanh lập tức trơ đáy, người dân không có nước sản xuất và sinh hoạt.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: Trước thực trạng trên, tỉnh Bình Định đã đầu tư 173 tỉ đồng xây dựng 3 đập dâng trên sông Hà Thanh, đồng thời nâng cấp hồ chứa nước Quang Hiển (xã Canh Hiển) góp phần tạo nguồn, bổ sung lưu lượng nước phục vụ sinh hoạt của cư dân sống 2 bên bờ và vùng hạ du, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời cải tạo cảnh quan môi trường, điều hòa khí hậu trong vùng.
Từ khi hệ thống đập dâng nước trên sông Hà Thanh hoàn thành, người dân ở huyện miền núi Vân Canh rất vui mừng vì không còn lo thiếu nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt. Ông Lê Văn Ốm, ở xã Canh Hiệp chia sẻ: Lòng sông Hà Thanh dốc, nước chảy mạnh vào mùa mưa lũ và không tích được nhiều nước. Vì vậy, vào mùa nắng hạn, sông Hà Thanh gần như trơ đáy, mạch nước ngầm cũng bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn tới nhiều giếng nước sinh hoạt của người dân trong vùng cạn kiệt và thiếu nước sinh hoạt. Giờ đây, nỗi lo này đã được giải quyết khi công trình đập dâng giữ nước được xây dựng trên sông Hà Thanh.
Theo ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, công trình góp phần trữ nước tạo nguồn, bổ sung lưu lượng nước vào mùa khô, đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người, nước sản xuất 150ha đất nông nghiệp ở các xã Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh. Do đó, có thể khẳng định rằng, dự án đập dâng Hà Thanh là công trình có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ở địa phương.