|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định quyết liệt gắn trách nhiệm người đứng đầu vào quản lý tàu cá

Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã ở Bình Định chịu trách nhiệm nếu để tàu cá vi phạm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Đưa vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng

Phù Cát là huyện có số lượng tàu cá lớn của tỉnh Bình Định. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có 697 tàu cá, trong đó có 430 tàu có chiều dài 15m trở lên, 254 tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m, 13 tàu có chiều dài dưới 12m. 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, thông tin, tất cả tàu cá trên địa bàn huyện Phù Cát đều được phân công cho cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách.

Các cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chia sẻ, tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền trưởng và người nhà chủ tàu không đưa tàu cá đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; đồng thời, thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ liên quan trước khi ra khơi.

Toàn tỉnh Bình Định có 5.651 tàu cá chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký. (Ảnh: Diễm Phúc)

Những tàu nguy cơ cao đều được phân công cán bộ, đảng viên có uy tín và năng lực tuyên truyền trực tiếp phụ trách 1 tàu để theo dõi, quản lý, không đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách tàu cá sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu để tàu cá vi phạm.

Đầu năm 2023, huyện Phù Cát có 2 tàu cá cùng 11 ngư dân ở thị trấn Cát Tiến vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp bị phía Malaysia bắt giữ. Huyện đã tổ chức kiểm điểm những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương thị trấn Cát Tiến và đảng viên được giao nhiệm vụ phụ trách tàu cá này. Đồng thời, kiểm điểm chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá vi phạm trước cộng đồng dân cư. Từ đó đến nay, trên địa bàn huyện không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Những người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ phụ trách tàu cá và những cá nhân liên quan đều bị xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm. Từ đó, tạo sự răn đe và gắn trách nhiệm cho mỗi cá nhân và địa phương”, ông Hưng nói.

Ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng tàu cá, huyện Phù Cát cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền tới các chủ tàu, thuyền trưởng; xây dựng pano tuyên truyền trực quan ở các khu trung tâm xã, thị trấn và thôn, khu phố; cấp phát hàng nghìn tờ rơi với nội dung khuyến nghị của EC.

Đồng thời, cử nhiều cán bộ tham gia Đoàn công tác liên ngành của tỉnh vào các tỉnh phía Nam để trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền bà con ngư dân địa phương đưa tàu đi khai thác ở ngư trường phía Nam, hàng năm không đưa tàu về địa phương.

Rà soát, thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; quản lý tàu cá không đăng ký. Bên cạnh đó, đề nghị xóa đăng ký tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm nhưng không còn ở địa phương (tàu bị chìm, mục nát, hư hỏng, bán nhưng chưa xóa đăng ký,... ).

Với những tàu cá đã đăng ký nhưng chưa được cấp phép khai thác thủy sản, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương vận động chủ tàu làm thủ tục cấp phép.

“Chúng tôi chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền không khai thác thủy sản đối với các nghề cấm (xung điện xiết máy, lưới lồng... ); vận động bà con chuyển đổi nghề khác phù hợp hơn và thành lập Tổ công tác thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý”, ông Hưng cho hay.

Tăng cường các giải pháp

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định có 5.328 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký, trong đó có 3.255 chiếc có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động khai thác ở vùng khơi.

Hiện nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang tham gia khai thác hải sản (3.233 tàu) được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. 22 tàu cá nằm bờ do hư hỏng đều xác định vị trí, địa điểm neo đậu để quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không cho hoạt động đánh bắt thủy sản.

Các tàu cá ra vào cảng đều được giám sát sản lượng, từ đó thuận tiện truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: D.P)

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, địa phương đang thực hiện quyết liệt các giải pháp, chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Sở NN-PTNT tỉnh cùng với các cơ quan, ban ngành, địa phương thường xuyên tổ chức đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không vi phạm khai thác IUU.

Theo ông Phúc, với quyết tâm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển các nước, UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo xử lý kiên quyết đối với các chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá vi phạm.

“Những tàu cá vi phạm sẽ bị công khai lên án hành vi của chủ tàu tại địa phương và công khai danh sách chủ tàu cá tàu cá vi phạm IUU trên toàn quốc. Hạn chế và chấm dứt không cho chủ tàu khôi phục lại hoạt động nghề khai thác thủy sản. Xem xét xử lý hành chính, trường hợp tái phạm hoặc vi phạm có tổ chức sẽ xử lý hình sự", ông Phúc nói.


Tác giả: Diễm Phúc
Nguồn:vietnamnet.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật