|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Tập trung phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi

Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, hoạt động giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Định đã có nhiều đổi thay tích cực. Xác định, phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS là một nhiệm vụ quan trọng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) dành riêng Dự án 5 về phát triển giáo dục và đào đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai.

Hệ thống trường học ở các huyện miền núi Bình Định ngày càng được xây dựng khang trang

Rút ngắn khoảng cách với miền xuôi

Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã rất tích cực trong việc triển khai các chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách đầu tư phát triển giáo dục vùng miền núi và đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, 100% các trường, lớp học tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được kiên cố hóa, các trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, đảm bảo cho việc dạy và học.

Có dịp đến với các huyện miền núi ở Bình Định, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi trường khang trang không kém gì trường ở đồng bằng.  Đường đến trường cũng được bê tông hóa, học sinh đến trường thuận lợi nên việc gom các điểm lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục cũng dễ dàng hơn. Do vậy, không chỉ tổ chức học bán trú cho cấp THCS mà nhiều nơi đã bắt đầu tổ chức bán trú cho học sinh mầm non.

Điển hình là Trường Mẫu giáo Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh). Năm 2009, Trường Mẫu giáo Vĩnh Thuận tách khỏi Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Thuận, đến năm 2011, Trường Mẫu giáo Vĩnh Thuận đã tổ chức thành công bán trú. Đây là trường đầu tiên ở khu vực miền núi trong tỉnh tổ chức dạy bán trú.

Hiện nhiều trường mầm non khác của 3 huyện miền núi cũng lần lượt tổ chức bán trú, chất lượng chăm sóc trẻ được nâng cao, tốt hơn. Để mô hình này thành công không chỉ thầy cô, cán bộ ngành giáo dục nỗ lực mà cả chính quyền cơ sở cũng vào cuộc hết sức quyết liệt. Mưa dầm thấm lâu và quan trọng nhất là nhìn thấy sự thay đổi của con em khi tham gia học bán trú, phụ huynh dần tin tưởng và vui mừng mang con đến gởi.

Nằm biệt lập giữa núi non, cuộc sống của người dân làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh còn nhiều khó khăn, việc học hành cũng không dễ dàng. Nhưng nay, mọi việc đã khác, trẻ em làng Canh Tiến trong độ tuổi đi học được đến trường đầy đủ. Làng Canh Tiến có 2 điểm trường, gồm điểm trường mẫu giáo với khoảng 40 trẻ và điểm trường tiểu học có hơn 50 cấp 1 tất cả đến trường đều đặn. Đặc biệt, đã có nhiều em vượt làng ra trung tâm huyện để học cấp 2, xuống Tp.Quy Nhơn để học cấp 3 trường nội trú và không ít học sinh của làng đã thi đậu vào các trường cao đảng, đại học.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt đánh giá: Chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa xã hội to lớn. Các chế độ, chính sách thực hiện kịp thời đóng vai trò quan trọng trong huy động trẻ em người DTTS đi học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

Chính sách đi vào cuộc sống

Xác định, phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS là một nhiệm quan trọng, tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm đầu tư trong giai đoạn mới. Ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương nhất là ở các huyện miền núi về nhiều mặt, trong đó có giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ 4 tiểu dự án thuộc Dự án 5 để qua đó đổi mới cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng DTTS&MN.

Theo ông Dũng, riêngTiểu dự án 1 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường phổ thông có học sinh ở bán trú (trường phổ thông có học sinh bán trú) và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kinh phí Trung ương phân bổ 23,942 tỉ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển: 19,355 tỉ đồng, vốn sự nghiệp: 4,587 tỉ đồng), ngân sách tỉnh đối ứng 2,637 tỉ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển: 2,124 tỉ đồng, vốn sự nghiệp: 513 triệu đồng).

Tỉnh Bình Định đã đầu tư 6 công trình trường PTDTNT và trường PTDTBT và thực hiện công tác xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện thụ hưởng và công tác mua sắm thiết bị dạy và học. Theo đó, tỉnh đã  đầu tư mua sắm 77 bộ máy vi tính dạy học trang bị cho Trường PTDTNT THCS&THPT An Lão (38 bộ), Trường PTDTNT THCS&THPT Vân Canh (39 bộ); bảng viết phấn (bảng trượt) 145 cái; giường tầng nội trú 349 cái; 155 tủ đựng đồ cá nhân 8 cánh và 42 bộ máy vi tính dạy học.

“Nhờ sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt, hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT đã từng bước phát triển và khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương và Chương trình MTQG 1719 sẽ là đòn bẩy để giáo dục miền núi rút ngắn khoảng cách với miền xuôi”, ông Dũng khẳng định.


Tác giả: T.Nhân-H.Trường
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật