A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình tiếng Anh mới chú trọng cả 4 kỹ năng

Năm học 2013-2014, tỉnh ta bắt đầu triển khai việc dạy thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3, lớp 6 và lớp 10 theo Ðề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Ðức Minh, Giám đốc Sở GD&ÐT, về vấn đề này.


Ông Trần Đức Minh

Xin ông cho biết đôi nét về Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã được UBND tỉnh  phê duyệt?

- Ngày 23.10.2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 574 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ nay đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, với kinh phí thực hiện hơn 176 tỉ đồng. Mục tiêu của Đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, để đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu đến năm 2020 là đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

● Năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT bắt đầu triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án này. Yêu cầu và quyền lợi của các trường được chọn tham gia như thế nào, thưa ông?

- Trong năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 33 trường tiểu học, 62 trường THCS và 8 trường THPT được triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3, lớp 6 và lớp 10 theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. 

Để được chọn dạy thí điểm, trường phải có điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu gồm máy cassette, đầu video, màn hình, máy chiếu. Giáo viên tiếng Anh trường tiểu học và THCS phải đạt trình độ từ B2 trở lên theo Khung tham chiếu châu Âu; giáo viên trường THPT phải đạt trình độ từ C1 trở lên. Học sinh các lớp 6 và 10 muốn học các lớp thí điểm phải tham gia kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh. Trường sẽ lấy điểm từ trên xuống cho đến khi đủ sĩ số lớp. Trong tháng 8 vừa qua, Sở đã tổ chức khảo sát năng lực của học sinh.

Lộ trình cụ thể của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ nay đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh: năm học 2012-2013 triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh 10 năm cho học sinh lớp 3 tại khoảng 20% trường tiểu học. Khoảng 70% trường phổ thông triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình 10 năm vào năm học 2015-2016, và đạt 100% trường vào năm học 2018-2019. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường dạy ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp, với khoảng 40% trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vào năm học 2013-2014, khoảng 60% vào năm học 2015-2016 và đạt 100% vào năm học 2019-2020.

Một điểm đáng chú ý là các trường được chọn thực hiện thí điểm sẽ được Sở GD&ĐT đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học. Học sinh học chương trình theo Đề án sẽ được chú trọng rèn luyện đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; sẽ làm bài kiểm tra cả 4 kỹ năng khi kiểm tra học kỳ. Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh hiện nay chỉ thiên về kỹ năng nói, đọc, viết. Nếu học chương trình theo Đề án, học sinh được rèn luyện nhiều hơn 2 kỹ năng nghe và nói, kết quả học tập chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Khi tốt nghiệp THPT, các em có thể nói chuyện lưu loát với người nước ngoài bằng tiếng Anh. 

 

● Một trong những thách thức đối với sự thành công của Đề án là năng lực tiếng Anh của giáo viên. Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng trình độ giáo viên tiếng Anh của tỉnh ta hiện nay?

- Đa số giáo viên tiếng Anh tỉnh ta đã đạt chuẩn hoặc trên chuẩn theo yêu cầu đào tạo của Việt Nam (hầu hết tốt nghiệp ĐH sư phạm ngành tiếng Anh). Tuy nhiên, để đạt được trình độ tương ứng theo yêu cầu của Khung tham chiếu châu Âu, nhiều giáo viên phải nỗ lực hơn nữa. Từ năm 2010, chúng tôi đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn giáo viên ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ khảo sát năng lực. Năm 2012, Sở GD&ĐT cử 600 giáo viên tham gia khảo sát, sau đó cử 210 giáo viên các cấp tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực. Hiện toàn tỉnh đã có 29 giáo viên Tiểu học, 88 giáo viên THCS và 35 giáo viên THPT đủ yêu cầu giảng dạy tiếng Anh theo Đề án kể từ năm học 2013-2014. So với mặt bằng toàn quốc, trình độ nhân lực của chúng ta tương đối tốt.

 

Thời gian tới, Sở GD&ĐT có kế hoạch gì để triển khai đại trà Đề án trên phạm vi toàn tỉnh, thưa ông?

- Trong năm học 2013-2014, các trường sẽ tiếp tục đăng ký dạy thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án. Căn cứ tình hình thực tế của từng trường, Sở sẽ quyết định chọn các trường được triển khai. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các trường ĐH trong nước tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Đề án.

 

Theo baobinhdinh.com.vn

 


Tin nổi bật Tin nổi bật